HĐXX cho rằng, cáo trạng truy tố bị cáo Đẹp về tội Cố ý gây thương tích và đề nghị mức án từ 6-9 tháng tù giam là có căn cứ, đúng người, đúng tội và không oan. HĐXX xét thấy, bị cáo có nhân thân tốt; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tự nguyện khắc phục hậu quả và bị hại có một phần lỗi nên tuyên phạt 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Phán quyết này khiến gia đình bị hại rất bức xúc.
Dì chồng chém cháu dâu gây thương tích 14%
Theo bản án hình sự số 08/2020/HSST ngày 8/5/2020 của TAND thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, vào 13h ngày 17/7/2019, bà Trần Thị Đẹp, 58 tuổi, ngụ ấp 16A, xã Phong Tân, thị xã Giá Rai đến nhà bà Bùi Thị Xuyên (hàng xóm) phụ giúp đám cưới. Tại đây, bà Đẹp gặp chị Nguyễn Hồng Như, 32 tuổi, cùng ngụ ấp 16A (chị Như là cháu dâu bà Đẹp – PV) đang ngồi băm thịt cùng một số người khác tại hành lang nhà bà Xuyên.
Lúc này, bà Đẹp ngồi xuống cầm dao cùng băm thịt với mọi người. Khoảng 1 tiếng sau, giữa bà Đẹp và chị Như xảy ra cự cãi xoay quanh việc bà Đẹp có lời lẽ xúc phạm chồng chị Như. Tức giận, chị Như dùng tay tát vào mặt bà Đẹp. Bà này giận dữ, dùng dao đang băm thịt chém loạn xạ về hướng chị Như.
Bị hại Nguyễn Hồng Như trình bày với PV |
Khi đó, chị Như đưa tay lên đỡ nên bị chém trúng vào cẳng tay trái và 1 vết thương trên trán. Vụ việc được mọi người can ngăn. Sau đó, bà Đẹp bỏ chạy bị trượt chân té, chị Như dùng cây gỗ đánh trúng vào đầu bà Đẹp 1 cái. Sau khi vụ việc xảy ra, chị Như được mọi người đưa đến trung tâm Y tế thị xã Giá Rai điều trị.
Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 141/TgT ngày 16/8/2019 của trung tâm Pháp y thuộc sở Y tế Bạc Liêu thể hiện: “Một sẹo ở trán trái, ảnh hưởng thẩm mỹ, tỉ lệ 0,7%, cơ chế hình thành vết thương là do vật sắc tác động từ trước ra sau; Một sẹo ở 1/3 sau trên cẳng tay trái, tỉ lệ 0,8%, cơ chế hình thành vết thương là do vật sắc tác động từ trái qua phải. Tỉ lệ tổn thương cơ thể của Nguyễn Hồng Như do bà Trần Thị Đẹp gây nên là 14%”. Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện VKSND thị xã Giá Rai vẫn giữ nguyên bản cáo trạng truy tố bị cáo Trần Thị Đẹp về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 134. Căn cứ các điểm b, s, khoản 1, Điều 51, khoản 1, Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), VKS đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Đẹp từ 6 đến 9 tháng tù giam.
Bị hại kháng cáo, đề nghị xử tù giam
Trong khi đó, HĐXX sơ thẩm TAND thị xã Giá Rai nhận định, tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo Đẹp có đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Bị cáo thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp. Bị cáo nhận thức hành vi của mình gây ra là nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người khác nhưng vẫn thực hiện hành vi phạm tội.
HĐXX sơ thẩm cho rằng: “Lẽ ra, tại thời điểm xảy ra mâu thuẫn, bị cáo nên giải quyết bằng lời nói. Tuy nhiên bị cáo lại dùng dao chém bị hại Như gây thương tích 14%. Do đó, VKSND thị xã Giá Rai truy tố bị cáo Đẹp về tội Cố ý gây thương tích là có căn cứ, đúng người, đúng tội và không oan.
Tuy nhiên, HĐXX sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ là bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tự nguyện khắc phục hậu quả và bị hại có một phần lỗi nên chỉ xử phạt bị cáo Trần Thị Đẹp 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo; thời gian thử thách là 4 năm. Phán quyết này khiến gia đình bị hại vô cùng bức xúc.
Không đồng ý với hình phạt mà tòa sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo Đẹp, chị Như có đơn kháng cáo yêu cầu tòa phúc thẩm xem xét xử bị cáo Đẹp án giam. Chị Như chia sẻ: “Sau khi tòa sơ thẩm xét xử xong, bà Đẹp không ăn năn, hối cải mà còn thách thức tôi. Mới hôm qua (ngày 9/7), tôi chạy xe đi mua card điện thoại ngang qua nhà, bà Đẹp còn lớn tiếng chửi tôi. Bả ấy đã chửi tôi mấy lần như vậy rồi...”.
Ở một diễn biến khác có liên quan, vào tháng 10/2019, cán bộ ấp 16A, xã Phong Tân từng lập biên bản về việc bà Trần Thị Đẹp dẫn “xã hội đen” đến nhà bà Nguyễn Thị Khổ (ngụ cùng địa phương) để đòi nợ hụi. Cán bộ ấp từng kiến nghị chính quyền xã cần có biện pháp xử lý bà Đẹp vì người phụ nữ này nhiều lần gây rối trật tự ở địa phương.
Việt Tâm
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 2 (111)