Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bạc Liêu áp dụng chỉ thị 16, người dân khốn đốn vì tôm thiếu thức ăn

  • Hiếu Nguyễn
(DS&PL) -

Các hộ nuôi tôm cũng như đơn vị cung cấp thức ăn tại Bạc Liêu đã thật sự gặp phải thách thức khi tỉnh này thực hiện chỉ thị 16 phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Phản ánh đến ĐS&PL, một số hộ dân nuôi tôm ở Bạc Liêu cho biết thời gian qua, họ cảm thấy rất lo lắng khi tôm có dấu hiệu bị bệnh nên đã quyết định kéo lưới, thu hoạch ao tôm để bán “cắt lỗ”. Tuy nhiên, hoạt động thu mua vốn dĩ rất bình thường, lại “vô tình” bị cản trở bởi cách vận dụng Chỉ thị 16 một cách cứng nhắc.

“Khi nhóm chúng tôi đang tiến hành thu hoạch tôm thì bị một số cán bộ chính quyền của xã lập biên bản vì lỗi tập trung đông người. Theo tôi đây là điều rất vô lý, vì thực tế muốn thu một ao tôm không thể làm mà chỉ có 1, 2 người”, chủ hộ nuôi tôm này nêu lên bất cập.

Giải thích thêm, anh này cho biết đặc thù của việc thu tôm đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhóm khoảng 10 người: “Các công đoạn kéo lưới, vận chuyển....ít nhất phải có đủ 10 người làm thì mới có thể triển khai. Bất đắc dĩ tôm có dấu hiệu bị bệnh thì mới phải thu hoạch, chịu lỗ một nửa vì không thể để tôm chết hẳn được. Mặc dù chấp nhận vậy rồi nhưng đến khi thu mua lại bị lập biên bản thì thực sự quá khó cho chúng tôi ”.

Không chỉ các hộ nuôi tôm đang gặp khó khăn, hàng loạt các doanh nghiệp buôn bán thức ăn chăn nuôi tôm cũng đang “kêu trời” vì không thể lưu thông hàng hoá, đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng. Trao đổi với PV, một số đơn vị cung cấp thức ăn nuôi tôm trên địa bàn tỉnh cho biết việc lưu thông hàng hoá bị đình trệ do một số chốt kiểm soát không cho xe đi qua.

“Việc vận chuyển thức ăn từ đại lý đến hộ nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Một số chốt kiểm soát  đã từ chối cho chúng tôi vận chuyển thức ăn nuôi tôm, còn giải thích là do chỉ đạo, chủ trương của tỉnh”, đại diện một doanh nghiệp cho biết.

Cũng theo vị đại diện doanh nghiệp, khi đòi xem văn bản về chủ trương này của tỉnh thì các cán bộ tại chốt kiểm dịch lại trả lời “lên UBND tỉnh mà hỏi” (?!?). Thực tế đặc thù của các ao nuôi tôm đều nằm ở vùng nông thôn: “Quá trình vận chuyển chúng tôi buộc phải đi qua các con đường nông thôn, các con đường giáp ranh giữa hai huyện. Tôi thực sự không hiểu nổi khi chúng tôi đang vận chuyển thức ăn nuôi tôm là mặt hàng phục vụ sản xuất thiết yếu cho người nông dân, tuy nhiên lại bị cản trở vô lý như vậy”.

Bạc Liêu hiện là tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn thứ 2 cả nước.

Việc thức ăn nuôi tôm không đến được tay hộ nông dân gây thiệt hại vô cùng lớn: “Bạc Liêu là thủ phủ ngành nuôi tôm. Người nông dân phải đầu tư ao tôm với số tiền không hề nhỏ, mà tôm thì không thể nhịn ăn một ngày nào cả. Hiện tại mỗi chốt áp dụng một kiểu, cách làm khác nhau nên doanh nghiệp không tài nào chạy theo được”, vị đại diện này chia sẻ.

Nói đến việc ách tắc khi vận chuyển thức ăn nuôi tôm, đại diện một doanh nghiệp khác kể lại câu chuyện thực tế diễn ra cách đây 3 hôm: “Khi xe đã đến đúng địa điểm, nhìn thấy nhà của hộ nuôi tôm rồi nhưng chốt kiểm dịch cách đó 80m vẫn kiên quyết không cho chúng tôi chuyển hàng vào. Chúng tôi xin phép đặt hàng tại chốt, rồi để hộ dân tự ra lấy nhưng cũng bị từ chối, bắt quay xe. Theo tôi đây là ví dụ cho thấy các chốt kiểm soát quá cứng nhắc”.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trên địa bản tỉnh Bạc Liêu cũng “quay cuồng” với việc biểu mẫu giấy đi đường thay đổi quá nhanh: “Chỉ trong 2 đợt giãn cách mà mẫu giấy đi đường thay đổi tới 5 lần. Cứ mỗi lần như vậy lại khiến doanh nghiệp phải đi xin lại, rất mất thời gian”, doanh nghiệp này phản ánh.  

Văn bản tháo gỡ....”mất hiệu lực” chỉ sau 3 ngày?

Ngày 20/8, UBND tỉnh Bạc Liêu ban hành văn bản số 3534/UBND-KT, liên quan đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho người và phương tiện vận chuyển các loại vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ nông thuỷ sản. Trong đó, văn bản nhấn mạnh chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu, giao Chủ tịch UBND các huyện tạo điều kiện, không để ách tắc gây ảnh hưởng đến sản xuất, thu hoạch thuỷ sản.

Tuy nhiên, đến ngày 23/8, khi tỉnh Bạc Liêu quyết định phong toả cách ly y tế toàn bộ thành phố Bạc Liêu, thì các doanh nghiệp kinh doanh thức ăn nuôi tôm lại tiếp tục gặp khó khăn khi lưu thông qua các chốt kiểm dịch.

Trả lời PV, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Huy Dũng cho biết, trong sáng nay (23/8), một số doanh nghiệp cũng đã phản ánh với UBND tỉnh về những bất cập trên và hiện các cơ quan ban ngành vẫn đang xem xét để tháo gỡ vướng mắc trong thời gian sớm nhất: "Còn hiện tại tình hình Bạc Liêu đã bị phong toả hoàn toàn, và Sở chưa nhận được hướng dẫn cụ thể về việc lưu thông của các doanh nghiệp thủy sản”, ông Dũng cho biết.

Với việc là tỉnh có diện tích nuôi tôm đứng thứ 2 cả nước, ngay cả trong thời điểm giãn cách xã hội, các hộ nuôi tôm cũng như các doanh nghiệp kinh doanh thức ăn chăn nuôi kiến nghị UBND tỉnh Bạc Liêu cần nhanh chóng xem xét, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp cũng như hộ kinh doanh tôm, nhằm ổn định tinh thần, an lòng người dân trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đồng thời tránh việc làm đứt gãy chuỗi cung ứng tôm nguyên liệu cho cả nước và xuất khẩu.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Hiếu Nguyễn

Tin nổi bật