Reuters đưa tin, Chính phủ Áo đã thống nhất với tập đoàn Verbund, doanh nghiệp cung cấp điện chính của nước này vào hôm 19/6 (giờ địa phương), về việc chuyển đổi một nhà máy điện dự trữ, chạy bằng khí đốt có tên Mellach, để có thể sản xuất điện bằng than nếu nguồn cung cấp khí đốt từ Nga bị hạn chế dẫn đến tình trạng khẩn cấp về năng lượng.
Quyết định được đưa ra sau một cuộc họp ứng phó khủng hoảng của chính phủ do Thủ tướng Áo Karl Nehammer lãnh đạo, được đưa ra sau khi nước láng giềng Đức công bố các bước giải quyết việc giảm lượng khí đốt của Nga cung cấp, bao gồm cả việc tăng cường phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than.
Việc Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc vào khí đốt của Nga và nguy cơ Moscow có thể cắt giảm nguồn cung để đáp trả các lệnh trừng phạt kinh tế được áp đặt sau cuộc tấn công tại Ukraine đang là vấn đề khó khăn đối với khối này, khiến họ phải tích trữ và tìm kiếm nguồn cung thay thế.
Áo mở lại nhà máy nhiệt điện than phòng trường hợp bị cắt giảm nguồn cung khí đốt. Ảnh: Reuters.
Nhà máy Mellach là cơ sở sản xuất điện từ than đá cuối cùng của Áo, được đóng cửa vào dầu năm 2020 khi chính phủ nước này loại bỏ dần nguồn cung năng lượng gây ô nhiễm, chuyển sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo.
"Chính phủ liên bang và tập đoàn năng lượng Verbund đã đồng ý chuyển đổi nhà máy nhiệt điện ở quận Mellach (Styria), hiện đang ngừng hoạt động, để trong trường hợp khẩn cấp, nó có thể một lần nữa sản xuất điện từ than đá (không phải khí đốt)", văn phòng của ông Nehammer cho biết trong một tuyên bố.
Tuyên bố cho biết thêm rằng chính phủ Áo đang xem xét các biện pháp pháp lý mạnh mẽ hơn nữa để đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt với mục đích giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung của Nga.
Áo nhận 80% khí đốt từ Nga và kể từ sau cuộc chiến ở Ukraine, nước này đã phải cố gắng tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế.
Trước đó, giới chức Đức ngày 19/6 thông báo nước này sẽ tăng sử dụng than để phát điện nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng khi nguồn cung khí đốt từ Nga giảm. Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck nói đây là quyết định "cay đắng nhưng cần thiết để giảm tiêu thụ khí đốt".
Bích Thảo (Theo Reuters)