Trong một chuyến đi biển, ngư dân bắt được 2kg cá nóc mang về chế biến rồi nhậu cùng bạn khiến cả 5 người phải nhập viện cấp cứu. Điều đáng nói đây không phải là vụ việc hi hữu.
Cá nóc nếu không biết chế biến có thể gây chết người. Ảnh minh họa |
Nhập viện vì món nhậu ưa thích
Ông Nguyễn Văn Nữa, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Tiến, huyện U Minh, Cà Mau xác nhận, trên địa bàn xã vừa xảy ra vụ việc ăn cá nóc khiến 5 người dân bị ngộ độc.
Cụ thể trung tâm Y tế huyện U Minh (Cà Mau) đã tiếp nhận và điều trị cho 5 bệnh nhân bị ngộ độc cá nóc. Tìm hiểu được biết, vào trung tuần tháng Chín, ghe biển của ông Trần Thanh Tuấn (ngụ ấp 7, xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) cập bến và đánh bắt được khoảng 2kg cá nóc. Ông T. mang về chế biến và cùng nhậu với 4 người bạn khác. Đến chiều cả 5 người này điều có những biểu hiện như: Tê môi, tê lưỡi, chóng mặt, yếu tay chân đi không vững nên nhanh chóng được người thân đưa đi cấp cứu.
Chia sẻ với báo giới, bác sĩ tại trung tâm Y tế huyện U Minh cho biết, sau khi nhập viện cấp cứu kịp thời, hiện tại cả 5 trường hợp hợp ngộ độc do ăn cá nóc đã qua cơn nguy kịch và đang được các y, bác sĩ tiếp tục theo dõi, điều trị.
Có không ít những trường hợp ngộ độc cá nóc nhưng đây vẫn là món nhậu ưa thích của nhiều người. Ở Việt Nam, cá nóc còn được gọi là cá cóc, cá bống hoa, cá đùi gà, ...người Mỹ gọi là pufferfish và Nhật Bản gọi là cá fugu. Cá nóc phân bố chủ yếu ở vùng biển cận nhiệt đới và nhiệt đới, ở nước mặn nhiều hơn nước ngọt. Trung bình cá nóc có thân dài 4 đến 40cm, thân chắc, vây ngắn, đầu to, mắt lồi, thịt trắng. Mặc dù được cảnh báo ăn loại cá này rất nguy hiểm đến tính mạng nhưng nhiều người trên bàn nhậu vẫn chủ quan.
Cảnh báo độc, vẫn vô tư xơi
Vài tháng trước, nhóm 5 người ở Hậu Giang tổ chức nhậu và ăn phải cá nóc. Vụ ngộ độc xảy ra sau khi ông Trần Văn Ái ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đặt dớn bắt được khoảng 2kg cá nóc mít đem nấu canh chua và rủ em trai của mình là ông Trần Thanh Sơn cùng 5 người hàng xóm sang nhậu.
Hơn 2 giờ sau khi ăn cá nóc mít, 5 người ăn cá có triệu chứng tê lưỡi, tê tay chân và nôn ói, được gia đình đưa đến Trung tâm y tế ở huyện Phụng Hiệp, rồi tiếp tục chuyển đến trung tâm y tế thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang cấp cứu. Tuy nhiên, do các ca ngộ độc càng trở nặng gia đình phải chuyển các bệnh nhân lên bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp tục điều trị, được bác sĩ điều trị tích cực nhưng 3 người vẫn rơi vào tình trạng hôn mê sâu, phải thở bằng máy.
Theo các bác sĩ, khả năng gây độc của cá nóc là gây liệt các cơ hô hấp và rối loạn nhịp tim. Bệnh nhân lúc đầu có thể thấy tỉnh táo, bình thường nhưng sau đó sẽ ngưng thở đột ngột, thậm chí là ngừng tim đột ngột.
Tình trạng ngộ độc cá nóc đã được thông tin thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng thời gian qua người dân tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL vẫn chủ quan đánh bắt và ăn loại cá này. Hậu quả là nhiều người sau khi ăn sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có trường hợp tử vong.
Theo các bác sĩ, hiện ngộ độc cá nóc chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên khả năng tử vong rất cao, nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời. Triệu chứng ngộ độc gồm: Hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, cảm giác tê ở vùng lưỡi... Ngay khi phát hiện, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu.
Mặc dù đã cảnh báo nhiều lần, nhưng việc dùng cá nóc để chế biến món ăn, xem thường sức khỏe đã khiến nhiều người đã phải vào viện cấp cứu. Những vụ việc trên là lời cảnh báo sâu sắc, cần tránh xa loại thực phẩm vô cùng nguy hiểm này.