Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

“7 năm nữa, hàng triệu người trẻ Việt Nam sẽ có nguy cơ mất việc vì kinh tế số"

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến cho rằng, muốn thích ứng với chuyển đổi số để không bị đào thải, lực lượng lao động trẻ Việt Nam cần phải được đào tạo bài bản.

Chuyển đổi số và chuyện của 5 năm tới

Chia sẻ tại hội thảo "Tiềm năng kinh tế số Việt Nam" chiều 18/10, đại diện Google và Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến đều nhìn nhận, khi Việt Nam bước vào chuyển đổi nền kinh tế số, thì yếu tố nguồn lao động rất quan trọng, nhất là nhóm lao động trẻ.

Là một trong số những doanh nghiệp được nhắc đến về chuyển đổi số thành công ở thời điểm hiện tại, ông Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch FPT Telecom đã chia sẻ về sự cấp thiết chuyển đổi số của doanh nghiệp trong những năm tới đây.

Ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch FPT Telecom (trái) tại hội thảo "Tiềm năng kinh tế số Việt Nam" Ảnh: MPI

Nhắc lại bài phát biểu của Thủ tướng tại cuộc họp về chống dịch Covid-19 cách đây hơn một tuần, ông Tiến nói: “Trong 5 điều mà Thủ tướng đề cập thì có đến 2 điều được nhấn mạnh là ứng dụng công nghệ và vai trò của dữ liệu. Là người làm công nghệ tôi vô cùng ngạc nhiên về chuyện này”.

Ông cũng cho rằng, chuyển đổi số kinh tế thì Chính phủ hãy là người dùng lớn nhất. Bởi khi Chính phủ là người dùng lớn nhất về các ứng dụng công nghệ, về dữ liệu thì tự khắc thị trường sẽ phát triển. Theo Chủ tich FPT Telecom, bài học chưa thành công trong đợt chống dịch vừa rồi chính là bài học liên quan đến việc không thống nhất và không chia sẻ được dữ liệu. Bởi vậy, việc chia sẻ được nguồn dữ liệu là điều cực kỳ quan trọng.

Bàn về câu chuyện những ngành phi truyền thống khi ứng dụng công nghệ sẽ như thế nào, ông Tiến dẫn về việc FPT đang làm trực tiếp với những doanh nghiệp thuỷ, hải sản lớn nhất Việt Nam, và cả những doanh nghiệp về cơ khí, nông nghiệp. Qua đó, vị Chủ tịch FPT Telecom bày tỏ "rất có niềm tin trong những năm tới rằng những ngành phi truyền thống sẽ ứng dụng công nghệ tốt hơn rất nhiều so với những ngành mà chuyên làm công nghệ".

Ông cũng chia sẻ: “Cho đến ngày hôm nay, tôi chưa gặp công ty nào không chuyển đổi số mà "chết" cả, nên các doanh nghiệp cứ yên tâm. Đấy là hiện tại, thế nhưng chuyện của 5 năm nữa, các doanh nghiệp không chuyển đổi số mà còn tồn tại được thì tôi cho đó là câu hỏi lớn”.

Tính chuyện đào tạo thế hệ lao động mới

Đại diện cho Google, bà Tenzin Dolma Norbhu – Giám đốc quan hệ Chính phủ và Chính sách công Đông Nam Á, Google châu Á – Thái Bình Dương cho biết, hồi năm 2019, Google có bản đánh giá và xác định 6 trở ngại của nền kinh tế số tại khu vực châu Á, trong đó có trở ngại về con người, tài năng, lòng tin, tiếp cận công nghệ và tiếp nhận kỹ thuật số.

“Đến nay là năm 2021, vấn đề về con người vẫn đang là cái trở ngại lớn, điều này nó đặt ra bài toán về tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo”, bà nói. Dẫn các đánh giá từ báo cáo của Google, bà Tenzin cho rằng, vai trò công nghệ ở khu vực châu Á rất là rõ và cần có người lao động hiểu biết về công nghệ để có thể sử dụng, ngoài ra còn tận dụng được các cơ hội để tạo ra lợi thế cạnh tranh. Bà cho hay, Google hiện nay đang thực hiện một số chương trình hợp tác với Chính phủ Việt Nam, trong đó có việc hỗ trợ nâng cấp kỹ năng số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Chúng tôi đã có buổi làm việc chung với Bộ Công Thương để nâng cấp kỹ năng số và mục tiêu ở đây là 500.000 các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Chúng tôi cũng làm việc với Hiệp hội thương mại điện tử của Việt Nam để giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể đi ra thế giới”, bà Tenzin thông tin.

Cùng với đó, đơn vị này cũng hỗ trợ nâng cao kỹ năng cho người lao động, nhất là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương – nhóm lao động trẻ không có kỹ năng. Cụ thể là nhóm đối tượng ở độ tuổi từ 18 - 29 tuổi, và 500.000 học sinh, sinh viên và đặc biệt là trong nhóm đó sẽ là 45% là nữ. Nhằm giúp cho những nhóm đối tượng này có thể có được các kỹ năng là phù hợp với nhu cầu của thị trường.

“Bắt đầu từ năm sau thì chúng tôi sẽ hợp tác cùng với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các địa phương để chuẩn bị thực hiện chương trình về nâng cấp kỹ năng trong tương lai. Ở đây chúng tôi kết nối các nhu cầu của thị trường lao động và các kỹ năng của người lao động để tìm ra việc làm”, vị đại diện Google nói. Bà cũng khẳng định, nhóm lao động sẽ cần phải là ưu tiên, để giúp Việt Nam khôi phục kinh tế sau Covid-19 cũng như là đầu tư để phát triển kinh tế trong dài hạn.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch FPT Telecom nhấn mạnh: "Tôi đã nói rất nhiều về việc trong vòng không quá 5 - 7 năm nữa ở Việt Nam sẽ có hàng triệu người trẻ có nguy cơ bị mất việc bởi vì kinh tế số".

Ông Tiến dẫn số liệu của 2,7 triệu công nhân may, hơn 1,7 triệu công nhân liên quan đến lĩnh vực giày da, hơn một triệu công nhân liên quan đến lĩnh vực lắp ráp điện tử. "Nhóm công nhân này về cơ bản khoảng 70% có nguy cơ thất nghiệp trong 5 -7 năm tới”, ông Tiến nói và đưa ra lý do là thời điểm đó người máy sẽ thay thế.

Theo nhìn nhận của ông Tiến, nếu như ở trước dịch Covid-19, chủ doanh nghiệp lớn vẫn còn băn khoăn về việc đưa người máy vào các nhà máy tại Việt Nam, thì sau dịp này hàng loạt các người máy sẽ được đưa vào thay thế. Hiện, giá người máy cũng rất rẻ, từ 300.000 USD nay tụt xuống còn 40.000 USD/người máy, khi ấy chúng ta không có cách nào đua được với năng suất lao động, thời gian làm việc với người máy. Và như thế, hàng triệu người trẻ, thậm chí còn rất trẻ sẽ thất nghiệp.

"Việc đào tạo hàng triệu người trẻ đang thuộc về Chính phủ, bộ ngành với tầm nhìn dài hạn, chiến lược hơn, chứ doanh nghiệp chỉ giải quyết được phần nhỏ", ông Tiến bày tỏ. Chủ tịch FPT Telecom cũng nhấn mạnh việc Việt Nam phải đào tạo lực lượng lao động trẻ để trở thành công dân toàn cầu, được trang bị kiến thức hiện đại, kỹ năng giao tiếp, ngôn ngữ và thói quen lao động, kỷ luật. Trong đó, ông hướng tới 20 triệu học sinh, sinh viên cần có phương pháp giáo dục mới.

"Chúng ta cần phải có một thế hệ mới được đào tạo, chắc chắn việc này không phải việc riêng của Chính phủ, của Bộ Giáo dục mà phải cần cả sự tham gia của cả xã hội và đặc biệt là những doanh nghiệp công nghệ", Chủ tịch FPT Telecom nhấn mạnh.

Thu Huyền

Bài viết đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 7 (36)

Tin nổi bật