Lựa chọn thời điểm giặt phù hợp
Vào mùa nồm, ban đêm không phải thời điểm lý tưởng để giặt quần áo vì lúc này độ ẩm tăng cao, ngay cả khi phơi ở nơi có mái che thì quần áo vẫn có mùi hôi khó chịu. Chưa kể, phơi đồ vào ban đêm còn khiến quần áo lâu khô hơn, dễ sinh vi khuẩn, nấm mốc dẫn đến các bệnh về da như nấm, hắc lào... Tốt nhất bạn nên giặt và phơi quần áo vào lúc sáng sớm.
Giặt lượng quần áo đúng tải trọng của máy giặt
Mỗi chiếc máy giặt đều có tải trọng tối đa, bạn không nên giặt quá nhiều đồ, vượt quá khối lượng cho phép vì việc này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giặt của máy cũng như công đoạn vắt, sấy. Quá trính vắt, sấy sẽ nhanh chóng và dễ dàng hơn khi giặt ít quần áo, nhờ đó quần áo mau khô và thơm tho hơn.
Quá trính vắt, sấy sẽ nhanh chóng và dễ dàng hơn khi giặt ít quần áo. Ảnh minh họa
Giặt bằng nước ấm
Để quần áo sạch sẽ, nhanh khô và thơm tho trong những ngày nồm ẩm, bạn nên sử dụng nước ấm trong quá trình giặt đồ. Máy giặt có chế độ giặt nước nóng giúp quần áo vừa được khử sạch vi khuẩn, vừa khô nhanh hơn.
Lưu ý, nếu giặt tổng hợp nhiều chất liệu như cotton, vải mỏng, chất liệu len, các loại quần áo dễ phai màu trong cùng một lần, bạn nên chọn nước nóng ở nhiệt độ từ 30 độ - 40 độ C.
Trong trường hợp giặt tay, bạn đun nước nóng, pha ở chế độ ấm nóng vừa đủ, sau khi giặt xong nhúng quần áo vào rồi vắt trước khi phơi, lúc này hơi nóng sẽ bốc hơi nhanh khiến đồ mau khô hơn.
Sử dụng nước xả vải
Các loại nước xả vải thường có nhiều mùi hương khác nhau để người dùng dễ dàng lựa chọn. Vào những ngày nồm ẩm, bạn đừng quên ngâm quần áo qua nước xả vải trước khi phơi để quần áo được sạch xà phòng, thơm hơn và nhanh khô hơn.
Lưu ý, nên ngâm quần áo trong nước xả vải 10 -15 phút để mùi hương thấm sâu vào trong từng thớ vải, giúp quần áo thơm lâu hơn, tránh được những mùi ẩm mốc, khó chịu do các vi khuẩn thường xuất hiện trong mùa nồm ẩm gây ra.
Một điều nữa cần chú ý là chọn loại nước xả có mùi thơm dễ chịu và đừng cho quá nhiều. Mùi hương có thể là liệu pháp tuyệt vời khiến tinh thần tốt hơn nhưng nếu quả nồng thì sẽ làm người xung quanh đau đầu, khó chịu.
Vắt quần áo 2 lần
Lực vắt của máy giặt làm quấn áo rất ráo nước, phơi nhanh khô hơn. Để tăng tốc độ khô của quần áo, sau khi máy giặt kết thúc chu trình vắt, bạn có thể gỡ tơi quần áo rồi khởi động chế độ vắt thêm lần nữa.
Phơi quần áo có khoảng cách, ở nơi thoáng gió
Quần áo sẽ khô nhanh nếu giữa chúng có khoảng cách để thông gió, thoát hơi ẩm. Khoảng cách phù hợp để phơi đồ là từ 5 – 10 cm. Ngoài ra, hãy trải rộng quần áo, phơi trực tiếp trên dây để tăng diện tích tiếp xúc với không khí. Bạn lưu ý không gấp đôi quần áo khi phơi, phơi dính vào nhau hoặc phơi chồng lên nhau.
Khoảng cách phù hợp để phơi đồ là từ 5 – 10 cm. Ảnh minh họa
Có thể bạn không biết nhưng việc phơi ngược quần áo giúp chúng nhanh ráo nước và chóng khô hơn. Sau khi giặt đồ, bạn hãy rũ quần áo thật mạnh để chúng không bị nhăn, nhàu khi phơi, tiếp đó, dùng kẹp hoặc móc treo ngược để cố định quần áo lên dây phơi. Chú ý chọn những nơi thoáng gió để phơi quần áo.
Sử dụng thiết bị hỗ trợ
Với những loại quần áo dày, bạn có thể cần thêm một số thiết bị hỗ trợ để chúng chóng khô và không bám mùi khó chịu. Quạt điện là một trong các thiết bị có thể giúp hong khô quần áo. Sau khi giặt xong, bạn hãy đặt quần áo trước quạt và bật chế độ mạnh nhất.
Ngoài ra, máy sấy quần áo là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong những ngày trời mưa, trời nồm ẩm. Bạn chỉ cần treo quần áo vào máy sấy và cài đặt chế độ phù hợp là chúng sẽ nhanh chóng được sấy khô, thơm tho.
Máy hút ẩm không chỉ giúp nhà cửa khô ráo mà còn giúp quần áo nhanh khô hơn trong những ngày trời nồm ẩm. Vậy nên, trong những ngày nồm ẩm, bạn có thể phơi quần áo trong không gian kín và bật máy hút ẩm lên để quần áo mau khô và thơm tho.
Đinh Kim (T/h)