Theo lịch sử Trung Hoa ghi chép lại, các vị Hoàng đế thường sở hữu tam cung, lục viện, thất thập nhị phi (72 cung phi) cùng hàng ngàn cung tần mỹ nữ trong chốn hậu cung. Chưa nói đến người đứng đầu của một nước, ngay chuyện đàn ông có năm thê bảy thiếp trong dân gian cũng không phải chuyện lạ gì.
Thế nhưng 3 vị vua này có sự khác biệt trong lịch sử Trung Hoa khi sống một cuộc sống chỉ một vợ một chồng, hết mực chung tình với thê tử.
Minh Hiếu Tông
Minh Hiếu Tông là vị hoàng đế thứ 10 của triều đại nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc. Ông trị vì 18 năm từ 1488 đến 1505, niên hiệu Hoằng Trị nên còn gọi là Hoằng Trị Đế. Ông được xem là một trong những vị Hoàng đế đáng khen của triều Minh, thậm chí được so sánh với Minh Thái Tổ và Minh Thành Tổ.
Chân dung của hoàng đế Minh Hiếu Tông.
Một điều đặc biệt lịch sử đã ghi chép về vị vua này đó chính là sự chung tình, son sắt với vợ đến kỳ lạ khi thân là Hoàng đế của một nước nhưng vị vua này chỉ có duy nhất một người vợ là Hoàng hậu Trương thị.
Sử sách ghi chép lại, hai người họ sống với nhau hòa thuận, đối đãi chân tình như những cặp phu thê hạnh phúc khác trong dân gian. Trong triều lúc bấy giờ cũng không có chuyện quan lại phải dâng tấu chương cầu khẩn nhà vua nạp phi hay khai chi tán diệp cho hoàng thất.
Không chỉ chính thức sống chung với duy nhất một thê tử, Hoàng đế Hoằng Trị cũng không hề có quan hệ ngoài hôn nhân. Ông đã có 2 con trai và 3 con gái với người vợ duy nhất Hoàng hậu Trương thị.
Minh Thái Tổ
Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương là vị vua khai quốc của vương triều nhà Minh. Ông nổi tiếng là vị vua có tính tình cương liệt, quyết đoán và được hậu thế xem là một trong những vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc nhờ những công lao ông để lại cho hậu thế. Vị vua này còn nổi tiếng nhờ tấm lòng son sắt, chung thủy với người vợ tào khang của mình; khi bà còn sống ông hết lòng trân quý, khi bà ra đi ông không để bất cứ một ai thay thế vị trí của bà nữa.
Người đàn bà mà cả đời Minh Thái Tổ yêu thương chính là Mã Hoàng hậu. Tên thật của bà chưa bao giờ được hậu thế xác nhận mà trong dân gian hay gọi bà với cái tên Đại Cước Hoàng hậu. Mã Hoàng hậu được gả cho Minh Thái Tổ khi ngài lúc đó mới chỉ là một thanh niên hàn vi. Thế rồi trong suốt quá trình ông gây dựng nghiệp lớn, lập nên nhà Minh, lúc nào cũng thấy bóng dáng bà ở hậu phương một lòng hỗ trợ trượng phu.
Cả đời Minh Thái Tổ chỉ có một Hoàng hậu duy nhất (Ảnh minh hoạ).
Sinh thời, Hoàng hậu là một người hết mực giản dị. Thậm chí khi đã ở ngôi Hoàng hậu cao quý, bà không hề xa hoa hưởng lạc mà luôn sống giản dị để nêu gương cho hậu cung. Bà cũng là một người đức độ, sáng suốt; đối với những hành động không phù hợp của Hoàng đế thì luôn lên tiếng khuyên nhủ, can gián. Vì thế, giữa hai người không chỉ có tình phu thê mà còn là sự tôn trọng lẫn nhau.
Đối với hậu phi, Mã Hoàng hậu không hề tỏ ra cay nghiệt, chèn ép mà ngược lại rất chăm lo, quan tâm. Bà nổi tiếng với quy tắc "Khoan với người, nghiêm với mình", tức là khoan dung, độ lượng với người khác còn với bản thân thì luôn luôn nghiêm khắc. Vì thế mà trong suốt cuộc đời, bà đã duy trì thành công một hậu cung trật tự, ấm êm, ngăn cản việc hậu cung, ngoại thích can dự vào triều chính.
Không những thế, bà còn rất chú tâm dạy bảo, chăm sóc các hoàng tử và công chúa, khuyên nhủ các con sống giản dị và chăm chỉ đọc sách.
Minh Anh Tông
Minh Anh Tông là vị vua hiếm hoi trong lịch sử phong kiến Trung Quốc khi lên ngôi vua hai lần. Lần đầu tiên là khi còn nhỏ và ở ngôi cho đến năm 22 tuổi. Lần thứ hai là khi ông đã 30 tuổi và làm hoàng đế cho đến khi ngã bệnh, qua đời năm 38 tuổi.
Minh Anh Tông được hậu thế đánh giá là một vị vua chung thủy, có tình nghĩa, nhất là đối với người vợ đầu tiên của mình. Mặc dù sau này bà có trở nên bệnh tật, tàn phế nhưng Minh Anh Tông vẫn giữ ngôi Hoàng hậu cho bà và đối xử với bà càng thâm tình. Thậm chí, trước khi ra đi ông còn hạ lệnh hợp táng cùng bà trong cùng một lăng mộ.
Tiền Hoàng hậu một lòng chờ Minh Anh Tông quay về (Ảnh minh hoạ).
Người phụ nữ đó chính là Hiếu Trang Duệ Hoàng hậu hay Tiền Hoàng hậu, hoàng hậu duy nhất của hoàng đế Minh Anh Tông. Ông luôn hết mực yêu thương dù bà có trở nên tàn phế, thậm chí trước khi ra đi ông còn hạ lệnh sau này hợp táng bà cùng một lăng mộ.
Một bề lo lắng cho an nguy của chồng, một bề vất vả tìm đường sống khiến sức khỏe của Hiếu Trang Duệ Hoàng hậu nhanh chóng giảm sút, dẫn tới bệnh mù loà và liệt một chân. Sau này, khi Minh Anh Tông trở về và được tôn thành Thái Thượng Hoàng, bà lại dọn đến ở cùng chồng ở Nam Cung, tiếp tục trải qua thêm 8 năm gian khó.
Phu thê hoàng đế trải qua nhiều năm gian khổ, rốt cục khổ tận cam lai (Ảnh minh hoạ).
Phải cho đến khi Minh Anh Tông lấy lại ngôi vị, trở thành Hoàng đế một lần nữa thì Tiền Hoàng hậu mới khôi phục lại cuộc sống yên ổn. Dù lúc này đã bị mù và bị liệt nhưng bà vẫn được giữ nguyên ngôi vị Hoàng hậu và nhà vua đối xử với bà đầy yêu thương, trân trọng.
Thế nhưng, niềm vui chẳng được bao lâu. Năm Thiên Thuận thứ 8, Minh Anh Tông qua đời. Tiền Hoàng hậu do quá đau buồn và nhớ thương ông, cũng ra đi vào năm Thành Hóa thứ 14.
Phương Linh (T/h)