Những năm qua Yên bái luôn chú trọng phát triển du lịch gắn với bảo tồn, đồng thời phát huy giá trị văn hóa truyền thống thúc đẩy sự phát triển bền vững là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và cần sự tham gia, chung tay, góp sức của các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, xác định người dân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng thụ hưởng, vừa đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Đồng thời, phải bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa giữ gìn, phát huy các giá trị di sản văn hóa và phát triển du lịch bền vững theo nguyên tắc di sản là tài nguyên du lịch không thể thay thế. Di sản vật thể và phi vật thể cùng hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, thiên nhiên phong phú, đa dạng của tỉnh chính là nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc, tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo. Ngược lại, hoạt động du lịch sẽ giúp quảng bá, giữ gìn và phát huy giá trị di sản, mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Đưa giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn và phát huy, “Nghệ thuật Xòe Thái” được UNESCO vinh danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Qua đó, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển nhanh, toàn diện, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”; phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng con người Yên Bái “thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”. Phấn đấu đưa Yên Bái nằm trong nhóm 5 tỉnh phát triển hàng đầu của Vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Nghệ thuật Xòe Thái của tỉnh Yên Bái
Thu hút đầu tư, xây dựng 2 khu du lịch có quy mô lớn, thương hiệu nổi bật, tạo sức lan tỏa cho phát triển du lịch của tỉnh và định hướng bảo đảm các tiêu chuẩn, tiêu chí khu du lịch quốc gia, gồm: Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà và Khu du lịch quốc gia Mù Cang Chải. Bên cạnh đó, đầu tư phát triển các khu du lịch cấp tỉnh gồm có: Khu du lịch Suối Giàng (huyện Văn Chấn); Khu du lịch Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu); Khu du lịch Văn Yên (huyện Văn Yên); Khu du lịch hồ Vân Hội (huyện Trấn Yên); Khu du lịch văn hóa Nghĩa Lộ (thị xã Nghĩa Lộ). Bảo tồn gắn với phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm, khám phá tại khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải, khu vực chè Shan Tuyết cổ thụ... Tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn.
Mở rộng mạng lưới cơ sở dịch vụ, thương mại, các khu vui chơi giải trí gắn với các trung tâm thương mại và du lịch, các công viên chuyên đề; phát triển hệ thống cơ sở lưu trú đa dạng về quy mô và hình thức; ưu tiên các mô hình tổ hợp thương mại mua sắm lớn kết hợp khu du lịch, vui chơi giải trí tại các khu vực cửa ngõ đô thị. Phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại (bao gồm cả hệ thống chợ truyền thống và hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị gắn với hệ thống siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, điểm bán hàng OCOP…).
Từng bước quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía Tây gồm 04 đơn vị hành chính là thị xã Nghĩa Lộ và các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, định hướng phát triển công nghiệp xanh, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao; các cụm ngành công nghiệp; phát triển thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, tiện ích, chất lượng cao; phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến làm cơ sở để phát triển hệ thống trung tâm tiểu vùng hiện đại; phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, gắn kết liên vùng phát triển các dịch vụ du lịch bổ trợ cho các vùng du lịch lớn của tỉnh.
Đưa phát triển du lịch là ngành mũi nhọn của vùng dựa trên các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với khu vực Hồ Thác Bà; huyện Yên Bình, trở thành trung tâm công nghiệp khai khoáng, vật liệu xây dựng, đô thị du lịch sinh thái của tỉnh và vùng Tây Bắc; ứng dụng công nghệ trong công nghiệp khai khoáng và chế biến vật liệu xây dựng; phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao làm cơ sở để phát triển hệ thống trung tâm tiểu vùng.
Định hướng gồm 03 đơn vị hành chính là thành phố Yên Bái và các huyện Văn Yên, Trấn Yên quy hoạch phát triển du lịch. Dựa trên các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và trải nghiệm, khai thác dịch vụ hệ sinh thái rừng và các giá trị văn hóa đặc sắc, trở thành điểm đến hàng đầu vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; Đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thương mại theo hướng văn minh, hiện đại; phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp theo hướng hiện đại, áp dụng khoa học công nghệ, hình thành các vùng chuyên canh đặc sản nông nghiệp; phát triển công nghiệp chế biến và khai khoáng theo hướng hiện đại, hạn chế tác động đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên.
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, tăng các giá trị văn hóa truyền thống đã và đang được chính quyền và nhân dân tỉnh Yên Bái chú trọng quân tâm. Tiếp tục tập trung huy động các nguồn lực xã hội và tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn. Thông qua các kênh thông tin truyền thông quảng bá, kêu gọi, thu hút đầu tư, xúc tiến phát triển du lịch, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, mà còn là động lực để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.