Cuộc chiến khốc liệt
Đến mãi tối muộn, chàng sinh viên năm 3 trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương mới rời ca lấy mẫu xét nghiệm để trở về căn phòng nghỉ ngơi. Mặc dù cơ thể đã thấm mệt, nhưng ánh mắt vẫn ánh lên sự tự tin và nhiệt huyết của tuổi trẻ.
Nguyễn Thế Trọng chia sẻ: “Mỗi lần nhìn thấy cán bộ y tế khám chữa bệnh, cải thiện sức khỏe cho mọi người, tôi lại cảm thấy mình rất yêu thích và ngưỡng mộ, nên đã mơ ước lớn lên cũng được như vậy. Đến khi vào THPT, cô giáo dạy Sinh học rất ân cần, quan tâm, tôi như được truyền một nguồn động lực to lớn để chinh phục khối B, có thêm cơ hội vào ngành y”.
Nguyến Thế Trọng cẩn thận lấy mẫu bệnh phẩm cho người dân
Khi quê hương cần tương trợ, Nguyễn Thế Trọng đã ngay lập tức muốn tham gia: “Từ khi mới nghe tin Bắc Ninh trở thành “tâm dịch”, tôi đã muốn được góp một phần tâm sức vào cuộc chiến chống dịch cho quê hương mình và xem đó vừa là niềm tự hào cũng là trách nhiệm của một người con đất quan họ.
Cuộc chiến lần này, khoa Xét nghiệm của trường cử 55 người bao gồm 53 sinh viên và 2 giảng viên, đều là những người kỳ cựu trong việc lấy mẫu phòng chống dịch đã được tập huấn từ đợt dịch trước ở Hải Dương. Theo thông báo, thì chúng tôi sẽ hỗ trợ ở đây dự kiến trong vòng 7 ngày nhưng đến nay đã “cắm cọc” được gần 2 tuần rồi. Có thể thời gian sẽ còn dài hơn nếu tình hình dịch vẫn ngày một phức tạp”.
“Tôi đã tham gia cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại tỉnh Hải Dương trong 2 tháng từ trước Tết. Bản thân đã có vừa đủ trải nghiệm và cũng xác định tâm lý từ trước, nên chuyến đi lần này, tôi không lo lắng hay sợ hãi gì cả, thậm chí còn phần nào cảm thấy hào hứng nữa.
Ngay khi mới vào tâm dịch, tôi nghĩ đến giây phút mặc lại bộ đồ bảo hộ như mấy tháng trước, nghĩ mình sắp được đóng góp vào công cuộc đánh bay Covid-19, liền cảm thấy rất phấn khích. Thế nhưng, khi khoác trên mình bộ đồ kín mít đó rồi... Mới làm được một nửa, tôi đã bị ngợp. Không hình dung nổi là lần này lại khó khăn đến thế, do tôi bị mất nước.
Do kinh nghiệm của lần chống dịch trước, tôi rút ra là nên uống ít nước để hạn chế cơn buồn vệ sinh, mà quên mất rằng, thời điểm đó là mùa đông, còn bây giờ là mùa hè, thời tiết này sẽ khiến cơ thể quá sức chịu đựng vì bị mất nước. Tôi bị choáng ngợp với sức nóng, cảm tưởng như mình đang trong một “cái lò xông hơi di động” vậy. Lúc này, tôi gần như bị lả đi, hai mắt chỉ chực trĩu xuống, nhưng rồi vẫn cố gắng hoàn thành tốt buổi đầu tiên. Sau hôm đó, tôi đã rút được kinh nghiệm là mùa này phải nạp nhiều nước để cơ thể mất nước ra là vừa” - Trọng lý giải.
Theo Trọng, dù mỗi người làm ở một bàn riêng, phân chia công việc từng khâu rõ ràng, nhưng khi khó khăn thì đều chia sẻ, động viên, giúp đỡ nhau.
Những “chiến binh” quả cảm luôn cháy một niềm tin vào ngày mai
Hai lần dốc sức hỗ trợ nơi tâm dịch, Nguyễn Thế Trọng cũng không ít lần phải chứng kiến cảnh các cán bộ y tế mệt mỏi, đuối sức, thậm chí, có người đã ngất xỉu.
“Bản thân tôi cũng đã lâm vào tình trạng suýt ngất, nhưng thật may là cuối cùng, điều đó không xảy ra. Nhìn đồng đội và những chiến sĩ khác kiệt sức đến mức ngất xỉu, tôi thấy thực sự rất thương và lo lắng. Chúng tôi đều mang trong mình trọng trách “đuổi bắt” virus Sars- CoV-2, bản thân đã tự xác định tư tưởng từ trước là sẽ rất mệt trong thời tiết như thế này, nhưng không ngờ, lại có thể mệt đến như vậy”, Trọng kể.
Sức khỏe có tốt đến mấy cũng bị "hao mòn"
Điều khiến chàng trai 21 tuổi này cảm động chính là hình ảnh mọi người động viên nhau mỗi lúc mỏi mệt. Trọng chia sẻ: “Dù mỗi người làm ở một bàn riêng, phân chia công việc từng khâu rõ ràng, nhưng khi khó khăn thì đều chia sẻ, động viên, giúp đỡ nhau. Đó là lý do khiến tôi cảm thấy hạnh phúc vì những người đồng đội của mình.
Tôi chỉ hy vọng, mỗi người có thể lượng sức và biết nghỉ ngơi hợp lý, tránh tham công tiếc việc để đảm bảo sức lực cho những ngày tiếp theo của trận chiến”. “Tôi biết nhiều người có sức khỏe cực kỳ tốt, nhưng đã bị cường độ làm việc cùng với thời tiết khắc nghiệt “bào mòn” đi nhiều. Đó chính là sự khốc liệt của cuộc chiến này...”, chàng sinh viên trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương nhấn mạnh.
Chuyến đi lần này phải đương đầu với nhiều khó khăn, vất vả hơn, một phần do thời tiết khắc nghiệt, tuy nhiên, ở những “chiến binh” quả cảm ấy vẫn luôn luôn cháy một niềm tin vào ngày mai.
Sinh viên Nguyễn Thế Trọng bày tỏ: “Khoác trên mình bộ đồ bảo hộ và cùng tham gia cuộc chiến chống đại dịch, tôi rất tự hào vì được làm “chiến sĩ áo trắng” để trực tiếp góp tay đẩy lùi dịch bệnh, tự hào vì sẽ trở thành một cán bộ y tế tương lai, tự hào vì chính mình có thể chống dịch cho quê hương mình...
Nói về gia đình, chàng sinh viên cho biết: “Bố mẹ đương nhiên lúc nào cũng lo cho con cái, lo con không đủ sức chống chịu, lo con sẽ bị nhiễm bệnh... đủ thứ lo... Cuối ngày, mỗi khi có thời gian rảnh, tôi lại gọi về để nói chuyện cùng gia đình. Bố mẹ luôn động viên: “Phải tự chăm lo cho bản thân, ăn uống ngủ nghỉ cho tốt, bản thân mình khỏe đã rồi mới có sức lo cho người dân được”. Chỉ đơn giản như vậy nhưng mỗi khi nhớ lại, tôi lại cảm động và thầm cảm ơn bố mẹ rất nhiều. Chỉ biết dặn lòng, không được gục ngã để chiến đấu”.
Cẩm Mịch
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ Nhật (23)