Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Xót xa cảnh học sinh đuối nước, thầy giáo ngăn dòng dạy bơi miễn phí ở vùng “rốn lũ”

(DS&PL) -

Cảm nhận nỗi đau của biết bao gia đình mất con vì đuối nước thương tâm, thầy giáo nơi “rốn lũ” ấp ủ lớp phổ cập bơi miễn phí cho học sinh.

Cảm nhận nỗi đau của biết bao gia đình mất con vì đuối nước thương tâm, thầy giáo nơi “rốn lũ” ấp ủ lớp phổ cập bơi miễn phí cho học sinh và hiện thực hóa mô hình sau nửa tháng. Suốt 8 năm, chưa một mùa hè ngơi nghỉ, người thầy ấy vẫn miệt mài truyền “phao cứu sinh” cho cả nghìn học sinh.

Ý tưởng đẹp từ nỗi xót xa thương tâm

Với mong muốn giúp học sinh ở vùng “rốn lũ” biết bơi, suốt 8 năm qua, thầy giáo Nguyễn Viết Tước (SN 1976) vẫn miệt mài ngăn dòng chảy, mở lớp phổ cập bơi miễn phí. 6h sáng, lớp học bơi đầu tiên trong ngày bắt đầu rộn rã với hàng chục học sinh.

Vốn là giáo viên Thể dục tại trường tiểu học và THCS Hải Vĩnh (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), chứng kiến nỗi đau của những gia đình có con bị đuối nước, thầy Nguyễn Viết Tước không khỏi xót xa và nảy ra ý tưởng dạy bơi cho học sinh để phòng những tai nạn thương tâm.

“Đây vốn là vùng trũng, có kênh mương dày đặc và thường xảy ra lũ lụt, tiềm ẩn nguy cơ đặc biệt với những người không biết bơi, tỷ lệ đuối nước vì thế vẫn xảy ra nhiều. Gần 10 năm trước, tôi đã phải chứng kiến cảnh gia đình học sinh khóc ngất khi hai anh em ruột tắm sông, một em bị đuối nước, em còn lại nhảy xuống cứu nhưng cả hai cùng ra đi... Sau đó, lại có một trường hợp, hai ông cháu ngồi ghe đi lùa vịt vào mùa lụt, ghe lật, người cháu cũng bị đuối nước, rất thương tâm...

Bản thân là thầy giáo, không có mặt kịp thời để cứu được học sinh, tôi càng buồn hơn. Trăn trở mãi, tôi nảy ra suy nghĩ, sẽ dạy bơi cho học sinh để các em phần nào có thể cứu người và tự cứu mình, hạn chế tối đa những vụ đuối nước đau lòng.

Hè năm 2012, tôi mạnh dạn viết đơn lên chính quyền xã Hải Hưng xin được mở lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh các cấp. Chính quyền cũng ủng hộ ý tưởng này. Các em muốn tham gia đều phải làm đơn đăng ký và gia đình cam đoan phối hợp cùng thầy đảm bảo an toàn”, thầy Nguyễn Viết Tước bắt đầu chia sẻ khi lớp học bơi buổi sáng vừa kết thúc.

Lớp học bơi miễn phí thu hút hàng trăm học sinh mỗi năm.

Nghĩ là làm, những ngày đầu tháng Sáu của mùa hè năm ấy, người thầy giáo ấy đã dành thời gian đi khảo sát nhiều địa hình khác nhau để tìm ra “bể bơi lý tưởng” cho học sinh của mình: “Hồi đầu, tôi cũng thử tập trung tìm kiếm những hồ nuôi cá bỏ hoang, tuy nhiên, chất lượng nước ở đó không đảm bảo an toàn, thậm chí, tôi đã thử khử trùng bằng cloramin B nhưng vẫn không được... Sau đó, tôi mới phát hiện ra, mình có thể tận dụng ngăn dòng tại kênh mương thủy lợi N4 chảy qua địa phận xã làm “bể bơi” cho học sinh”.

Sau khi có ý tưởng, thầy Tước bắt đầu thiết kế ngăn dòng kênh bằng luồng tre, dây thừng... tự bỏ tiền túi mua dụng cụ và tận dụng thêm những chiếc phao cứu hộ dân sinh mượn được để đảm bảo an toàn cho học sinh.

Năm đầu tiên, lớp học bơi miễn phí của thầy Tước đã có 96 học sinh theo học. “Thời điểm mới bắt đầu, nhiều phụ huynh vẫn còn lo sợ, một mình tôi không thể bao quát hết số lượng học sinh và có thể dẫn đến nguy hiểm. Chính vì thế, những phụ huynh ấy không đồng ý cho con đi học bơi. Con số 96 tưởng lớn, nhưng thực ra lại chiếm rất nhỏ so với số học sinh tại địa phương”, thầy Tước nhớ lại.

Tuy nhiên, tiếng lành đồn xa, phụ huynh dần tin tưởng, số học sinh tham gia lớp học cứ tăng lên theo từng năm, trung bình mỗi năm có từ 140-160 học sinh. Sĩ số đông, thầy Tước phải chia ca, dạy mỗi ngày và xuyên suốt tất cả các ngày trong tuần.

8 năm ròng không một mùa hè ngơi nghỉ

Suốt 8 năm qua, người thầy ấy chưa có một mùa hè ngơi nghỉ. Mỗi ngày, thầy Tước có các lớp học theo ca, buổi sáng từ 6h-8h30 và buổi chiều từ 15h-17h30. Phải ngâm mình dưới nước nhiều tiếng đồng hồ dạy bơi, nhưng thầy Tước không hề cảm thấy mệt mỏi, với thầy, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc vì vừa được làm công việc yêu thích, vừa góp phần phòng tránh những tai nạn đáng tiếc.

“Mỗi ngày đều đặn hai ca sáng - chiều, nhưng tôi chưa khi nào thấy mệt ở lớp học này... Chỉ có điều, luôn luôn thường trực những nỗi lo. Dạy bơi thì sự an toàn luôn phải đặt lên hàng đầu, mỗi buổi, tôi phải luôn tính toán đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh. Nhiều khi, các em mải đùa nghịch trên bờ kênh cũng xảy ra xây xước, tôi cũng không thể không lo lắng.

Mấy năm gần đây, được sự quan tâm của chính quyền xã, tổ chức lực lượng Đoàn viên, thanh niên hỗ trợ lớp dạy bơi nên tôi cũng được san sẻ phần nào”, thầy Tước bày tỏ.

Khởi động khi xuống "bể bơi".

Lớp học của thầy Tước không chỉ dạy kỹ năng bơi lội đơn thuần, mà trước hết, là dạy những kiến thức cơ bản về an toàn phòng chống đuối nước và các kỹ năng cứu hộ, cứu nạn. Đó là lý do mà trong những năm trở lại đây, tỷ lệ học sinh đuối nước trên địa bàn giảm đáng kể. Đây cũng được xem là “thành tựu” lớn nhất, là niềm hạnh phúc lớn lao trong đáy mắt người thầy 44 tuổi.

Thầy Tước cũng tự hào khi nhắc đến những học sinh mình đã từ đào luyện gặt hái một số thành tích về bơi lội, đoạt huy chương Vàng, Bạc, Đồng các cấp khi tham gia thi bơi tại Hội khỏe Phù Đổng; Thể thao học đường...

Một kỷ niệm thú vị ở lớp học bơi ý nghĩa này cũng được thầy Tước chia sẻ: “Ấn tượng nhất đối với tôi, có lẽ là những học sinh cũ ngày xưa không được bố mẹ đồng ý cho đi học bơi, khi trở thành sinh viên, trở về đây, đã đến đăng ký học bơi. Giờ các em đều đã lớn, thầy dạy bơi không phải vất vả như dạy các em nhỏ.

Nhiều hôm dạy cho các bạn sinh viên, cảm giác thư thái, thầy trò nói chuyện rôm rả, cứ như một buổi dã ngoại ngoài bãi biến ấy...”. Nụ cười khẽ nở vội trên gương mặt lấm tấm mồ hôi của người thầy.

Nhân rộng mô hình ý nghĩa

Mô hình dạy bơi của thầy Nguyễn Viết Tước nhanh chóng tạo sự lan tỏa. Từ năm 2015 đến nay, Đoàn xã Hải Hưng phối hợp, hỗ trợ cùng thầy Tước tổ chức những lớp phổ cập bơi cho học sinh. Để giảm bớt vất vả cho thầy Tước, Đoàn viên, thanh niên xã Hải Hưng còn dựng mái che cho các em có chỗ khởi động, đỡ nắng nóng và giám sát, đảm bảo an toàn.

Anh Nguyễn Minh Dũng, Bí thư Đoàn xã Hải Hưng cho biết, Đoàn xã kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí để mua các thiết bị học bơi cần thiết từng năm. Mỗi dịp hè, Đoàn xã Hải Hưng đến từng trường tuyên truyền về phòng chống đuối nước và kêu gọi, khuyến khích tất cả các em học sinh tham gia học bơi miễn phí. Một thành quả đáng mừng là từ khi lớp học bơi của thầy tước đi vào hoạt động đến nay, xã Hải Hưng chưa từng xảy ra vụ đuối nước nào.

Từ mô hình ý nghĩa của thầy Tước và Đoàn xã Hải Hưng, Huyện Đoàn Hải Lăng cũng đã quyết định nhân rộng mô hình trong toàn huyện. Hiện tại, 100% xã đoàn, thị trấn trong toàn huyện Hải Lăng đều có mô hình dạy bơi miễn phí cho học sinh, trong đó, nhiều địa phương đã ngăn sông làm điểm dạy bơi.

Cẩm Mịch

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 2 (95)

Tin nổi bật