Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

WHO bác tin từ bỏ cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19

(DS&PL) -

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định việc tìm ra nguồn gốc đại dịch COVID-19 là điều vô cùng quan trọng.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tổ chức này sẽ tiếp tục thúc đẩy cho đến khi tìm ra nguồn gốc của đại dịch COVID-19. Theo ông Tedros, việc hiểu được nguồn gốc và cách virus bắt đầu lây lan là chìa khóa quan trọng giúp ngăn chặn các đại dịch tương tự trong tương lai.

Thông tin này được đưa ra sau khi có báo cáo trên tờ Nature cho rằng WHO đã từ bỏ nỗ lực điều tra nguồn gốc COVID-19 do sự thiếu hợp tác từ phía Trung Quốc, nơi đầu tiên ghi nhận các ca bệnh COVID-19 vào cuối năm 2019.

Trao đổi với báo giới, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus chia sẻ: "Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy việc điều tra đến khi tìm được câu trả lời. Hiểu được cách đại dịch này bắt đầu là điều cực kỳ quan trọng và cần thiết".

Ông Tedros cho biết gần đây ông đã gửi một lá thư tới các quan chức Trung Quốc "yêu cầu sự hợp tác vì chúng tôi cần có sự phối hợp và minh bạch thông tin để xác định điều gì đã bắt đầu đại dịch".

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters 

Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, đã có 2 giả thuyết phổ biến và được tranh cãi gay gắt. Đó là liệu virus SARS-COV-2 lây lan từ dơi sang vật trung gian và sang con người hay virus này đã thoát ra khỏi phòng thí nghiệm.

Báo cáo của Nature cho rằng WHO đã "lặng lẽ gác lại giai đoạn thứ hai của cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch COVID-19". Bái viết trích lời bà Maria Van Kerkhove, chuyên gia của WHO, nói rằng cuộc điều tra "không có giai đoạn hai".

Bà Van Kherkhove cho hay WHO đã lên kế hoạch cho cuộc điều tra theo từng giai đoạn, nhưng "kế hoạch đó đã thay đổi". Đồng thời, bà nói thêm rằng "các cuộc tranh luận chính trị trên thế giới đã thực sự cản trở tiến trình điều tra nguồn gốc căn bệnh".

Tuy nhiên, ngày 15/2, bà Van Kherkhove đã bày tỏ sự giận dữ với những thông tin mà Nature đăng tải. Bà khẳng định: "WHO không hề từ bỏ cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19. Chúng tôi đã và sẽ không từ bỏ cuộc điều tra này. Không có kế hoạch nào bị gạt bỏ trong thầm lặng. Chúng tôi đang vô cùng minh bạch và cởi mở về việc cung cấp thông tin".

Trước đó, WHO đã thực hiện giai đoạn điều tra đầu tiên bằng cách cử một nhóm chuyên gia quốc tế đến Vũ Hán, Trung Quốc, vào đầu năm 2021. Tuy nhiên, cuộc điều tra đó vấp phải sự chỉ trích vì thiếu tính minh bạch và khả năng tiếp cận, cũng như không đánh giá đầy đủ về các khả năng lây lan của virus.

Ông Tedros ngay từ đầu đã khẳng định rằng tất cả các giả thuyết vẫn đang được xem xét và WHO đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc mở rộng quyền truy cập để các nhà khoa học điều tra.

Ban đầu, WHO có kế hoạch cử thêm một đội chuyên gia khác đến Trung Quốc để thu thập thông tin. Nhưng ngày 15/2, bafg Van Kherkhove nói rằng kế hoạch đó đã được điều chỉnh vào giữa năm 2021. Trong đó, WHO đã quyết định thành lập một nhóm các nhà khoa học với phạm vi mở rộng để điều tra các mầm bệnh mới và nghiên cứu cách ngăn chặn đại dịch trong tương lai. Đồng thời, nhóm vẫn tiếp tục nghiên cứu nguồn gốc của COVID-19.

Nhóm tư vấn khoa học về nguồn gốc của mầm bệnh mới (SAGO) đã được thành lập "để đánh giá độc lập nguồn gốc của COVID-19, nhưng cũng để hoạt động rộng hơn nhằm thiết lập một khuôn khổ để tìm hiểu nguồn gốc của bất kỳ mầm bệnh và đại dịch nào trong tương lai", bà Van Kerkhove nói.

Chuyên gia WHO nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ tiếp tục yêu cầu các nước phi chính trị hóa công việc này, nhưng chúng tôi cần sự hợp tác từ các đồng nghiệp ở Trung Quốc để thúc đẩy điều này".

Ông Tedros lưu ý có 2 lý do khiến WHO không từ bỏ việc điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19.

"Đầu tiên là về mặt khoa học. Chúng ta cần biết điều này bắt đầu như thế nào để ngăn chặn nguy cơ tiếp theo. Thứ 2 là về mặt đạo đức, hàng triệu người đã thiệt mạng, nhiều người phải chịu đau khổ và cả thế giới đã bị một loại virus làm đảo lộn. Về mặt đạo đức, việc tìm ra nguồn gốc của loại virus đã cướp đi người thân yêu của chúng ta cũng vô cùng quan trọng", Tổng giám đốc WHO chia sẻ. 

Minh Hạnh (Theo Al Jazeera)

Tin nổi bật