Ngày 1/9 (theo giờ địa phương), Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedro Ghebreyesus cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cùng nhau khai trương trung tâm tình báo về đại dịch tại thủ đô Berlin (Đức).
Theo đó, trung tâm này, với sức chứa khoảng 120 người, là nơi tiếp đón các nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách từ các nước trên thế giới để giúp các chính phủ dễ dàng hơn trong việc đánh giá về các bệnh truyền nhiễm mới và thu thập thêm thông tin có liên quan.
Bà Angela Merkel và ông Tedro Ghebreyesus khai trương trung tâm tình báo về đại dịch tại thủ đô Berlin. Ảnh: AFP
WHO, tổ chức kết nối 194 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc về chính sách y tế, đã đưa ra mức báo động cao nhất về đại dịch COVID-19 vào ngày 30/1/2020. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu, các chuyên gia nhận định virus SARS-CoV-2 có thể đã lây lan trên toàn cầu trước đó ít nhất một tháng.
Ông Oliver Morgan, Giám đốc bộ phận đánh giá rủi ro và thông tin khẩn cấp về y tế của WHO cho biết: "Đại dịch COVID-19 đã nêu bật vấn đề mới. Hiện có rất nhiều dữ liệu và thông tin công khai mà chúng tôi đang nỗ lực để hiểu rõ".
Cụ thể, mỗi tháng WHO phải tiếp nhận và xử lý trung bình 9 triệu thông tin liên quan tới dịch bệnh và điều tra chi tiết hơn 300 sự kiện. WHO chỉ ra trong khi các chính phủ và tổ chức phi chính phủ đang thu thập ngày càng nhiều thông tin liên quan đến sức khỏe cộng đồng, cơ sở dữ liệu hiếm khi được sắp xếp hợp lý để dễ dàng so sánh quốc tế.
Ông Morgan chia sẻ: "Một vấn đề mà chúng tôi gặp phải là các mẫu bệnh phẩm hiện thường không liên quan đến thông tin dịch tễ học như tỷ lệ mắc bệnh hoặc số lần nhập viện. Vì vậy, ngay cả khi chúng tôi xác định được một biến thể, chúng tôi không biết liệu nó có thể làm thay đổi những gì chúng ta đã đạt được hay không".
Ông Morgan nói thêm: Chúng tôi hiện không có quan điểm nhất quán về cách các biến thể phát triển trên toàn cầu và không có cơ sở dữ liệu nào để dễ dàng chia sẻ thông tin".
Theo đó, ông Morgan chỉ ra việc tập trung vào việc cải thiện khả năng theo dõi toàn cầu của các biến thể Covid-19 thông qua giải trình tự bộ gen có thể sẽ là ưu tiên ban đầu của trung tâm mới thành lập. Trung tâm này sẽ được chính phủ Đức tài trợ một phần 100 triệu USD trong 3 năm đầu tiên.
Minh Hạnh (Theo Guardian)