Phát biểu tại cuộc họp của các bộ trưởng tài chính và y tế G20, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Về mặt sinh học, chắc chắn rằng vào một thời điểm nào đó, sẽ có một loại virus mới xuất hiện mà chúng ta không thể ngăn chặn được”.
Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters
Người đứng đầu WHO kêu gọi cộng đồng quốc tế rút kinh nghiệm từ đại dịch COVID-19 để chuẩn bị đối phó với những đại dịch khác trong tương lai.
Theo ông Ghebreyesus, thế giới cần một "WHO được củng cố, trao quyền và tài trợ bền vững", một cơ chế tài chính mới để đảm bảo khả năng phản ứng nhanh với đại dịch và quản trị tốt hơn.
Để đạt được mục tiêu này, ông kêu gọi các quốc gia ủng hộ việc thành lập Ban Tài trợ cho Các mối đe dọa Sức khỏe và ký kết một thỏa thuận quốc tế có tính ràng buộc pháp lý về việc chuẩn bị và ứng phó với đại dịch.
Đến thời điểm hiện tại, thế giới đã ghi nhận tổng cộng gần 247 triệu ca mắc COVID-19, với hơn 5 triệu ca tử vong.
Số ca bệnh và tử vong do COVID-19 trên toàn cầu đang tăng lên do sự bùng phát diễn ra ở châu Âu. Ngày 29/10, thế giới có thêm 500.000 ca COVID-19.
Bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về COVID-19, cho biết, biến thể Delta và mùa đông đang đến gần có thể khiến dịch nặng nề hơn. Tổ chức này đang theo dõi hơn 30 dòng nhánh của biến thể Delta, bao gồm cả AY.4.2 có khả năng lây lan nhanh.
Hiện tại, có khoảng 38,6% dân số toàn cầu đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19. Khoảng 40 nước chủng ngừa cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Một số nước đã tiêm mũi nhắc lại cho những người suy giảm miễn dịch, người cao tuổi và đối tượng có nguy cơ phơi nhiễm cao.
Cũng liên quan tới tình hình đại dịch trên toàn thế giới, theo Tân Hoa xã, nghiên cứu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố vào cuối tuần này cho thấy, những người không tiêm chủng và trước đó đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2 có nguy cơ bị nhiễm COVID-19 cao hơn gấp 5 lần.
Tuy nhiên, điều đáng nói là nhiều quốc gia vẫn đang phải “quay cuồng” với bài toán vaccine nhằm dần đẩy lùi đại dịch. Mặc dù WHO đặt mục tiêu mỗi quốc gia có 40% dân số được tiêm ít nhất một mũi vaccine vào cuối năm 2021, song cho đến nay có tới 82 quốc gia, đặc biệt là quốc gia ở châu Phi, có nguy cơ không đạt được mục tiêu này do nguồn cung không đủ.
Mộc Miên (T/h)