(ĐSPL) - UBND tỉnh Hà Tĩnh đã lập đoàn thanh tra rà soát tất cả quá trình sử dụng lao động, ký hợp đồng lao động, đóng BHXH...
Theo tin tức trên báo Pháp Luật TP.HCM, ngày 30/3, đoàn điều tra của tỉnh Hà Tĩnh sẽ làm việc với các công ty, cơ quan liên quan về vụ sập giàn giáo tại dự án Formosa (Khu kinh tế Vũng Áng, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) làm 13 người chết và 29 người bị thương.
Ông Phạm Trần Đệ, Phó Trưởng ban Khu kinh tế Hà Tĩnh, cho biết: “Ngày 27/3, đoàn điều tra đã thông báo lịch làm việc tới các công ty liên quan và từ ngày 30/3 sẽ làm việc với từng công ty. Tuy nhiên, Hà Tĩnh phải trưng cầu ý kiến trung ương chứ năng lực của tỉnh không thể kết luận về công nghệ giàn giáo đó được”.
Cho đến ngày 29/3, trong số 29 công nhân bị thương có năm công nhân đã được chuyển ra BV Bạch Mai (Hà Nội) và BV Việt Đức (Hà Nội) để tiếp tục cấp cứu điều trị.
Liên quan đến thông tin một số công nhân Formosa không đóng BHXH, ngày 29-3, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết hiện UBND tỉnh Hà Tĩnh đã lập đoàn thanh tra rà soát tất cả quá trình sử dụng lao động, ký hợp đồng lao động, đóng BHXH...
chú thích ảnh |
Chưa thống nhất mức bồi thường nạn nhân vụ sập giàn giáo
Ngày 29/3 Công ty cổ phần xây dựng và cung ứng lao động quốc tế (Nibelc) đến thăm hỏi, trao tiền bảo hiểm cho từng gia đình công nhân người Quảng Bình tử nạn trong vụ sập giàn giáo tối 25/3 tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Theo lịch trình trước đó, việc này lẽ ra có mặt của cả đại diện công ty Samsung C&T Việt Nam.
Đại diện Nibelc đã lần lượt đến 7 gia đình công nhân tại Quảng Bình trao tiền hỗ trợ 60 triệu đồng mỗi gia đình. Trong đó, 50 triệu đồng do bảo hiểm Pjico chi trả cho, 10 triệu đồng là số tiền công ty này phúng viếng.
"Vụ sập giàn giáo là một tai nạn đáng tiếc, để lại nỗi đau vô cùng lớn đối với các gia đình và công ty. Dù không thể bù đắp được những mất mát nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ, động viên các gia đình công nhân gặp nạn vượt qua khó khăn", ông Phan Phương Đông - đại diện Công ty Nibelc - nói.
Theo ông Đông, vì một số lý do nên Samsung C&T phải hoãn việc thăm viếng lại và thực hiện trong vài ngày tới. Ngoài ra, Samsung C&T cũng sẽ có mức bồi thường riêng cho gia đình các công nhân tử nạn.
Hiện, các bên vẫn chưa thống nhất cụ thể về mức hỗ trợ cho gia đình các công nhân tử nạn lẫn số công nhân bị thương trong vụ sập giàn giáo.
Trước đó, một số nguồn tin cho hay, Samsung C&T và Nibelc đã đi đến thống nhất mức hỗ trợ cho nạn nhân tử vong, mỗi người sẽ được nhận số tiền 400 triệu đồng. Số tiền này bao gồm, 300 triệu đồng đền bù cho 30 tháng tiền lương (10 triệu đồng/tháng), 50 triệu đồng/nạn nhân hỗ trợ tiền ma chay và 50 triệu/người do bảo hiểm Pjico chi trả mà Nibelc đã mua cho người lao động trước đó.
"Chúng tôi vẫn chưa thống nhất được với Samsung C&T về số tiền bồi thường. Hai bên sẽ cố gắng để đạt được đến tổng mức bồi thường 400 triệu đồng/người cho gia đình các nạn nhân tử vong", đại diện Nibelc cho biết.
Vụ sập giàn giáo ở khu Formosa - Vũng Áng (Hà Tĩnh) khiến 13 chết, 28 người bị thương. Quảng Bình là tỉnh có số người bị nạn cao nhất với 7 người chết và 11 người bị thương.
Tức tốc chấn chỉnh an toàn lao động tại Formosa
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc điều tra làm rõ nguyên nhân vụ sập giàn giáo, cũng như chấn chỉnh ngay an toàn lao động tại công trường Formosa trong chuyến thị sát hiện trường vụ sập vào chiều tối 26/3, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ông Võ Kim Cự vừa ký công văn hỏa tốc yêu cầu chủ đầu tư Tập đoàn Formosa, các cơ quan quản lý nhà nước chấn chỉnh, tăng cường kiểm soát công tác đảm bảo an toàn lao động trên công trường xây dựng Khu liên hợp Gang thép và cảng Sơn Dương.
“Sự cố giàn giáo đã làm thiệt hại rất lớn về người và tài sản; những mất mát xảy ra quá lớn, không gì có thể bù đắp được. Đây là bài học lớn cho chủ đầu tư, nhà thầu và các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác an toàn lao động” - công văn nêu rõ.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Công ty Formosa khẩn trương thành lập đoàn công tác, tiến hành kiểm tra, rà soát, làm việc với từng nhà thầu, tại từng hạng mục công trình trên toàn dự án về công tác đảm bảo an toàn lao động, bảo hộ, vệ sinh an toàn lao động; đình chỉ ngày việc thi công các công trình nếu chưa đảm bảo quy định về an toàn; đối với các trường hợp không chấp hành, yêu cầu chấm dứt hợp đồng, xử lý vi phạm hợp đồng theo quy định của pháp luật.
Chỉ tịch Hà Tĩnh cũng yêu cầu Công ty Formosa triển khai thực hiện, báo cáo về UBND tỉnh và BQL Khu kinh tế tỉnh trước ngày 10/4. Đồng thời công ty phải thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát nêu trên để phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các nguy cơ có thể xảy ra. Công ty phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nếu tiếp tục để xảy ra tai nạn lao động chết người tại Khu liên hợp Gang thép và cảng Sơn Dương.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh còn yêu cầu BQL Khu kinh tế tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội theo chức năng nhiệm vụ, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát về hồ sơ, thủ tục xây dựng, công tác tổ chức thi công, công tác quản lý an toàn lao động, bảo hộ, vệ sinh an toàn lao động trên toàn bộ các công trình thuộc dự án Khu liên hợp Gang thép và cảng Sơn Dương; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; đình chỉ ngay các hạng mục thi công nếu vi phạm các quy định về xây dựng và quy định về an toàn vệ sinh lao động.
Kim Thành (Tổng hợp)