Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ rơi máy bay "vạch trần" điểm yếu trong công tác cứu hộ ở Nepal

(DS&PL) -

Vụ tai nạn máy bay hôm 15/1 một lần nữa làm lộ rõ những điểm yếu trong công tác cứu hộ tại Nepal với sự thiếu hụt nghiêm trọng các nguồn lực.

Ngày 15/1 (giờ địa phương), một chiếc máy bay thuộc hãng hàng không Yeti Airlines đã gặp nạn trên đường bay từ Kathmandu đến Pokhara (Nepal). Thời điểm ấy, chiếc máy bay bị rơi xuống hẻm núi sông Seti, gần sân bay Pokhara. Trên máy bay chở tổng cộng 72 người, bao gồm 68 hành khách và 4 thành viên phi hành đoàn. 

Ông Tek Bahadur KC, người đứng đầu quận (CDO) Kasik, cho hay: "69 người đã được xác nhận tử vong khi thi thể họ được tìm thấy, tính đến tối 16/1".

Khoảng 10 phút sau vụ việc, lực lượng cứu hộ đến từ Cảnh sát Nepal, Cảnh sát vũ trang Lực lượng vũ trang (APF) và Quân đội Nepal đã tiếp cận hiện trường máy bay rơi. Ganesh Kumar Jimme, phó giám đốc điều hành của Hiệp hội Công nghệ Động đất Quốc gia, chia sẻ: "Trong các trường hợp khẩn cấp, lực lượng cứu hộ tiếp cận hiện trường càng nhanh thì càng có cơ hội cứu sống nhiều người".

Hiện trường vụ tai nạn máy bay ở Nepal hôm 15/1. Ảnh: Kahtmandu Post 

Tuy nhiên, lực lượng của họ thiếu đội cứu hoả, nguồn nước và các trang thiết bị cẩn thiết cho công tác cứu hộ khẩn cấp. Khi lực lượng an ninh tới nơi, người dân địa phương cũng đã tụ tập gần địa điểm máy bay rơi. Tình trạng thiếu trang thiết bị đã trở thành một trong những cản trở lớn nhất đối với công tác cứu hộ ở Nepal. 

Theo các chuyên gia, khung cảnh hỗn loạn tại địa điểm xảy ra tai nạn của Yeti Air là dấu hiệu cho thấy cơ chế phản ứng yếu kém của Nepal. 

Tại hiện trường vụ tai nạn, có rất nhiều người dân địa phương tụ tập xung quanh. Nhiều trong số họ đã dùng điện thoại phát trực tiếp vụ tai nạn và công tác cứu hộ. Theo ông Jimme, việc đông người tụ tập quanh hiện trường đã gây ra sự bất tiện đối với công tác cứu hộ. Ông Jimme nói rằng những người này hoàn toàn có thể góp công sức vào nỗ lực này nếu họ được đào tạo cơ bản.  

Ông Jimme chỉ ra: "Điều này cho thấy việc đào tạo cộng đồng sẽ hữu ích thế nào trong các cuộc cứu hộ khẩn cấp".

Các nhân viên an ninh cũng phải rất vất vả để tiếp cận hiện trường vụ tai nạn, vốn đã chìm trong biển lửa với khói dày đặc ảnh hưởng tầm nhìn.

Chuẩn tướng Krishna Prasad Bhandari, đồng phát ngôn viên của Quân đội Nepal, cho biết: "Do máy bay rơi ở địa hình hiểm trở, hoạt động cứu hộ trở nên khó khăn. Những người cứu hộ đã phải leo xuống một hẻm núi sâu, tốn thời gian và vừa khó khăn về thể chất".

Theo các chuyên gia, hoạt động tại hiện trường tai nạn là bằng chứng rõ ràng về cơ chế phản ứng kém trong công tác cứu hộ Nepal.  Ông Jimme phân tích: "Mặc dù địa hình hiểm trở nhưng nếu lực lượng cứu hộ đến kịp thời, công tác cứu hộ có thể hiệu quả hơn".

Sự thiếu hụt trang thiết bị đã cản trở hoạt động cứu hộ của Nepal. Ảnh: Reuters 

Ông Jimme khẳng định có sự thiếu hụt trang thiết bị cứu hộ ở Nepal mặc dù Quân đội Nepal, Lực lượng Cảnh sát Vũ trang, Cảnh sát Nepal và các tình nguyện viên khác đã được đào tạo bài bản về các hoạt động cứu hộ.

Chuyên gia quản lý thảm họa Thule Rai, người cũng là cựu tổng thanh tra của Cảnh sát Nepal, nhận định: "Khi gặp tai nạn máy bay, việc sống sót là rất hiếm".

Theo ông Thule Rai, các đội cứu hộ lẽ ra phải sẵn sàng ứng phó khi xảy ra tai nạn.

Trong khi đó, ông Sherpa nhấn mạnh vụ tai nạn hôm 15/1 xảy ra gần thành phố. Dù vậy, hoạt động cứu hộ vẫn gặp nhiều khó khăn do máy bay đã rơi xuống một hẻm núi sâu. Tuy nhiên, chiến dịch giải cứu có lẽ đã được phối hợp tốt hơn vì "lực lượng an ninh nhanh chóng có mặt". 

Các chuyên gia nhấn mạnh Nepal dù có nhân lực được đào tạo trong lực lượng an ninh cũng không thể huy động và điều hành kịp thời. Không những thế, việc thiếu trang thiết bị cũng cản trở quá trình này. Ông Jimme nói: "Nếu điều tương tự xảy ra ở một nước phát triển, họ sẽ sử dụng trực thăng chuyên dụng để dập lửa và cứu hộ. Đó sẽ là một phản ứng nhanh chóng với thiết bị phù hợp". 

Theo đó, thiết bị cứu hộ phù hợp sẽ giúp nhân viên cứu hộ trong việc giải quyết các tình huống nguy hiểm.

Ngoài thiết bị hỗ trợ điều hướng, thiết bị hỗ trợ sự sống, áo phao, thiết bị chiếu sáng, móc thuyền, loa phóng thanh, máy cắt dây và dao khai thác, còn có những công nghệ mới có thể giúp nỗ lực cứu hộ trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.

Ví dụ, nếu có máy phát định vị khẩn cấp, một thiết bị khẩn cấp dựa trên vệ tinh được sử dụng rộng rãi ở các vùng sâu vùng xa hoặc trên máy bay, lực lượng chức năng có thể nhận được các tín hiệu cảnh báo liên quan đến nhận dạng và vị trí. Tương tự như vậy, đèn hiệu định vị dưới nước có thể hữu ích trong việc cứu hộ dưới nước.

Tuy nhiên, nhân viên an ninh của Nepal hầu hết đều thiếu các loại thiết bị và dụng cụ này.

Sự thờ ơ của chính phủ là một lý do chính đằng sau việc cứu hộ khẩn cấp nghèo nàn và không hiệu quả ở Nepal. Vấn đề về hoạt động ứng cứu thiên tai không nhận được sự quan tâm đúng mức trong các cơ quan lập pháp mặc dù Nepal là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước các loại thiên tai.

Các cơ quan giám sát hàng không toàn cầu đã đặt câu hỏi về vai trò kép của cơ quan hàng không dân dụng và kêu gọi Nepal chia cơ quan này thành hai cơ quan nhỏ - nhà cung cấp dịch vụ và cơ quan quản lý - để tăng cường an toàn cho hành khách đi máy bay. Tuy nhiên, chính phủ nước này chỉ miễn cưỡng thực hiện sự phân chia. 

Minh Hạnh (Theo Kahtmandu Post) 

 

Tin nổi bật