Từ vụ việc nam thợ điện phải nộp phạt 90 triệu đồng do đổi 100 USD, người dân nên thực hiện việc mua bán ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài để tránh bị phạt ngoài ý muốn.
Sau khi thông tin nam thợ điện Nguyễn Cà Rê (ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) bị xử phạt hành chính 90 triệu đồng do đổi 100 USD tại tiệm vàng không được phép thu đổi ngoại tệ được báo chí đưa tin những ngày gần đây, đã khiến cho người dân không khỏi hoang mang, lo lắng. Bởi phần lớn mọi người đều không nắm rõ được luật định.
Trao đổi với Người Đưa Tin, chị Thanh Thuỷ - nhân viên văn phòng tại Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: "Tôi không hiểu vì sao UBND TP.Cần Thơ lại có quyết định xử phạt nặng như vậy đối với người đổi tiền. Thực tế, tôi thường đi du lịch nước ngoài và luôn đổi tiền USD tại cửa hàng vàng, như vậy tôi có bị xử phạt hay không?".
Anh Thanh Lâm - người dân tại Nam Từ Liêm, Hà Nội cũng tỏ ra lo lắng không kém vì có người nhà ở nước ngoài, thường gửi USD về cho gia đình. "Để sử dụng được tiền đó, tôi bắt buộc phải đổi từ USD thành VND. Có lần đổi ở ngân hàng với số lượng lớn, nhân viên ngân hàng truy hỏi nguồn gốc tiền ở đâu, phải chứng minh rất phức tạp nên việc đổi tiền ở cửa hàng vàng vừa tiện mà tỷ giá vẫn lợi hơn”, anh Lâm cho hay.
Vậy người dân được phép bán, mua ngoại tệ ở đâu và cần đáp ứng những yêu cầu gì để không vi phạm pháp luật?
Tiệm vàng Thảo Lực, nơi diễn ra việc thu mua 100 USD trái phép khiến nam thợ điện bị phạt 90 triệu đồng. Ảnh: Người Đưa Tin |
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết: “Người dân thường có suy nghĩ các tiệm vàng khi đổi tiền nhỏ lẻ thì sẽ thuận tiện hơn, dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn, không lằng nhằng các loại thủ tục giấy tờ. Đồng thời không cần chứng minh nguồn gốc của ngoại tệ. Nhưng số lượng tiệm vàng được cấp phép mua bán ngoại tệ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chỉ có 1 đến 2 tiệm vàng được phép thu đổi ngoại tệ ở trung tâm thành phố”.
Điều kiện để tiệm vàng được cấp phép thu đổi ngoại tệ được thể hiện trong Quyết định 21 do Ngân hàng Nhà nước ban hành. Quyết định 21 không quy định vốn đối với các điểm mua bán ngoại tệ nhưng các điểm này phải đặt ở nơi đông người nước ngoài qua lại như cơ sở du lịch, khu nghỉ dưỡng, khách sạn từ 3 sao trở lên, cửa khẩu quốc tế; khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài được cấp phép theo quy định pháp luật; văn phòng bán vé của các hãng hàng không, hàng hải, du lịch của nước ngoài và văn phòng bán vé quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam; khu du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị có khách nước ngoài tham quan, mua sắm.
Theo ông Minh, tại TP.HCM hiện nay có 2.200 điểm giao dịch của Ngân hàng được cấp phép hoạt động ngoại hối, mua bán ngoại tệ với người dân. Bên cạnh đó, TP.HCM còn có 97 đại lý thu đổi ngoại tệ của các tổ chức kinh tế được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động.
Cho biết thêm, ông Minh khuyến khích việc người dân nên chủ động tìm hiểu việc mua bán ngoại tệ trái quy định sẽ bị xử phạt như thế nào để tránh không mắc phải.
Người dân có thể mua bán ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại để tránh bị phạt ngoài ý muốn. |
Cũng giải đáp thắc mắc vấn đề đang được người dân rất quan tâm, luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho biết, hiện tại, hầu hết ngân hàng thương mại đều được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mua, bán ngoại tệ. Vì vậy, tất cả chi nhánh và phòng giao dịch của ngân hàng thương mại đều là các điểm trao đổi USD, ngoại tệ hợp pháp.
Về việc trao đổi ngoại tệ, người dân cần có sự tham khảo trước tỷ giá niêm yết tại mỗi ngân hàng để so sánh và lựa chọn địa chỉ phù hợp. “Cũng giống như lãi suất, tỷ giá ngoại tệ hiện nay được các ngân hàng niêm yết công khai trên website chính thức và đều tuân thủ theo khung biến động do Ngân hàng Nhà nước quản lý”, ông Truyền chia sẻ.
Ngoài các ngân hàng thương mại trong nước, người dân cũng có thể tìm đến các điểm kinh doanh của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp phép kinh doanh ngoại tệ. Các tổ chức tín dụng này đều phải công khai danh sách địa điểm mua, bán ngoại tệ tiền mặt của toàn hệ thống trên trang tin điện tử để người dân nhận biết.
Để nhận biết các tổ chức có được phép trao đổi mua bán ngoại tệ hay không, luật sư Truyền cho biết: “Các cơ sở kinh doanh ngoại tệ phải có bảng hiệu ghi tên tổ chức tín dụng ủy quyền. Vì các cơ sở này chỉ là đơn vị được tổ chức tín dụng, ngân hàng ủy quyền để trở thành đại lý mua, bán ngoại tệ và tỷ giá tại đây cũng phải công khai tuân thủ theo tổ chức tín dụng ủy quyền. Mỗi cửa hàng chỉ được làm đại lý cho một tổ chức tín dụng, và chỉ được đặt tại địa điểm trên địa bàn nơi tổ chức tín dụng có trụ sở chính hoặc chi nhánh”.
Việc xử phạt các hành vi vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ được quy định tại Nghị định 96/2014 của Chính phủ. Cụ thể, Nghị định này hướng dẫn xử phạt người có hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được cấp giấy phép kinh doanh sẽ bị xử phạt 80 - 100 triệu đồng. Cơ sở kinh doanh không có giấy phép nhưng vẫn thực hiện thu mua, quy đổi ngoại tệ cũng sẽ bị xử phạt theo khung 500-600 triệu đồng. Ngoài ra, tại khoản b, điểm 5, Điều 24 của Nghị định này cũng nêu rõ: Phạt tiền từ 150 - 200 triệu đồng đối với hành vi thực hiện giao dịch hối đoái không đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đối với tổ chức không có giấy phép đổi ngoại tệ mà thực hiện hành vi đổi ngoại tệ thì bị xử phạt hành chính từ 500 - 600 triệu đồng theo khoản 7, điều 24 Nghị định 96/2014. |
Nguyễn Phượng (T/h)