Số người chết trong vụ nổ ở thủ đô Beirut tăng lên thành 135 người. Ngoài ra có hàng chục người mất tích, khoảng 5.000 người bị thương.
Người đàn ông bị thương nằm phía sau một chiếc ôtô trước khi được đưa khỏi hiện trường vụ nổ ở Beirut, Lebanon hôm 4/8. Ảnh: AFP. |
Đài Al Manar TV của Li Băng ngày 5/8 dẫn lời Bộ trưởng Y tế nước này thông báo số người chết trong vụ nổ ở thủ đô Beirut đã tăng lên thành 135 người. Ngoài ra có hàng chục người mất tích, khoảng 5.000 người bị thương.
Li Băng đang rơi vào khủng hoảng sau vụ nổ kinh hoàng. Nội các nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong 2 tuần, đồng thời trao quyền kiểm soát an ninh thủ đô cho quân đội.
Thống đốc Beirut Marwan Abboud nói với kênh Al Hadath TV rằng thiệt hại sau vụ nổ có thể lên tới 10- 15 tỷ USD, gồm cả tổn thất trực tiếp và gián tiếp liên quan đến kinh doanh.
Thống đốc Beirut Abboud cho biết số lượng lúa mì có sẵn hiện bị hạn chế và cảnh báo cuộc khủng hoảng sẽ nghiêm trọng nếu không có sự hỗ trợ quốc tế.
Vụ nổ ở cảng Beirut đã gây thiệt hại lớn cho trung tâm thủ đô Lebanon. “Khu vực số 0”, nơi gần nhất vụ nổ và bị ảnh hưởng nặng nề nhất, từng là khu sầm uất với nhiều nhà kho, nhà hàng, chung cư, cửa tiệm.
Thế nhưng rạng sáng 5/8 thực tế lại khác hẳn. Đa phần phía đông Beirut không còn ở được nữa. Số ít cư dân và chủ tiệm đang đào bới đống đổ nát cũng đang nghĩ như vậy: “Tôi không biết chúng tôi sẽ vượt qua kiếp nạn này như thế nào”, Issam Nassir, chủ một tiệm xăm lốp, nói với Guardian. “Bạn nghĩ Hiroshima còn tệ hơn thế này ư?”.
Bên kia đường, một tiệm bán quan tài cũng bị thiệt hại. Một số quan tài bị lật sang bên, một số khác bị tung nắp. Quận Gemmayze, nơi tập trung các quán café, nhà hàng, được coi là bị ảnh hưởng nặng nhất, theo Guardian. Charbel Bassil, chủ nhà hàng Le Chef, bị thổi bay cả người vào tủ lạnh, giờ đang hồi phục tại nhà.
“(Lúc đó) 6 người lớn tuổi đang ngồi trên ghế đằng kia”, Malik, 36 tuổi, lao động di cư người Iraq, nói với Guardian. “Tôi thề là tôi chuyển đến đâu, cái chết đuổi theo đến đấy”.
Bệnh viện St. George gần cảng bị vụ nổ tác động trực diện, và một số nhân viên y tế thiệt mạng. Lãnh đạo bệnh viện phải ra quyết định không tưởng đối với họ, là không nhận thêm bệnh nhân nữa.
“Chúng tôi không còn lựa chọn khác. Một số đồng nghiệp tôi mắc kẹt. Có nơi các mảnh trần nhà còn rơi xuống”, một bác sĩ giấu tên nói với Guardiani.
“Hầu hết bệnh nhân khoa chăm sóc đặc biệt (ICU) của chúng tôi đã thiệt mạng... lẽ ra họ nên được tính vào thương vong tổng cộng. Cái chết của họ sẽ còn ám ảnh tôi một thời gian dài”.
Bệnh viện Dieu gần đó nhận “không dưới 400” bệnh nhân bị vỡ lá lách hay các chấn thương liên quan tới vụ nổ, gồm nhiều trường hợp nguy kịch. “Chúng tôi quá tải... phải dùng nhiều sinh viên ngành y và thực tập sinh. Chúng tôi cũng phải chữa trị cho nhiều đồng nghiệp. Chúng tôi đều có người trong gia đình và bạn bè đang vật lộn”, bác sĩ Fady Haddad nói với Guardian.
“Chúng tôi phải mở ít nhất 60 phòng (cấp cứu) ở các tầng khác để cấp cứu bệnh nhân. Chúng tôi mở đồng thời 10 phòng cấp cứu và các bác sĩ phẫu thuật ở đó xuyên đêm cho đến 8h sáng. Tôi mất đi hai người bạn”.
Trước đó, kho chứa 2.750 tấn amoni nitrat tại cảng ở Beirut phát nổ ngày 4/8 với sức công phá ngang 240 tấn TNT, tàn phá hơn nửa thành phố, thiệt hại ước tính lên đến 5 tỷ USD.
Amoni nitrat được dùng phổ biến làm phân bón, nhưng cũng là hóa chất thường được khủng bố sử dụng để chế bom, gây ra nhiều thảm kịch.
Cự Giải (T/h)