UBND xã Bình Triều đang thực hiện việc trả lại tiền cho người dân mà đội thu gom, tiêu hủy lợn chết vì dịch tả châu Phi thu không đúng quy định.
Theo Lao động và Dân trí, ngày 9/8, ông Nguyễn Ba - Chủ tịch UBND xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam - cho biết: "Từ ngày 8/8, UBND xã Bình Triều thực hiện việc trả lại tiền cho người dân mà đội thu gom, tiêu hủy lợn chết thu không đúng quy định. Tổng số tiền phải hoàn trả lại cho người dân là 214 triệu đồng. Đến thời điểm hiện tại, việc chi trả được chúng tôi hoàn thành ở thôn 3 và thôn 4.
Dự kiến toàn bộ số tiền mà đội thu gom, tiêu hủy lợn bệnh đã thu của người dân thôn 1 và thôn 2 sẽ được hoàn trả trong 2 ngày cuối tuần", ông Ba nói.
Thông tin từ UBND xã Bình Triều, quy định của nhà nước đối với heo mắc bệnh phải tiêu hủy có trọng lượng lớn hơn 70kg, nhà nước sẽ hỗ trợ chi phí 150.000 đồng/con. Trong khi người dân đã nộp cho đội xe vận chuyển 300.000 đồng/con, phần kinh phí người dân đã nộp vượt quy định (150.000 đồng/con) sẽ được địa phương xoay xở để bù lại theo đúng quy định của Nhà nước.
Vụ dân phải đóng phí tiêu hủy lợn dịch tả: Xã đã trả lại tiền. Ảnh: Thanh niên |
Trước đó, như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin, vào tháng 7/2019, người dân xã Bình Triều bức xúc trước việc heo của họ bị bệnh dịch tả châu Phi, chính quyền địa phương khi tiêu hủy đã yêu cầu người chăn nuôi phải đóng tiền vận chuyển tùy vào trọng lượng heo.
Theo đó heo từ vài chục ký đến dưới 100kg thì đóng phí 200.000 đồng/ con, heo trên 100kg thu 300.000 đồng/con.
Nếu hộ nào không đóng tiền thì sau khi cân xong sẽ bị bỏ lại và phải tự chở đến điểm tiêu hủy tập trung của xã chôn lấp.
Chính quyền xã Bình Triều giải thích việc đội tiêu hủy thu tiền của người dân là không đúng với quy định. Tuy nhiên nhà nước chưa cấp tiền để chi trả cho số người làm công tác vận chuyển này nên chính quyền thuê người vận chuyển xác heo đi tiêu hủy rất khó khăn. Do đó, có xảy việc thu tiền của người dân để chi trả, việc này giúp nhanh chóng thu dọn heo chết sớm đi tiêu hủy, còn để lâu ngày bị hôi thối, sau khi có tiền nhà nước hỗ trợ sẽ trả lại cho dân.
Sau đó, UBND huyện Thăng Bình đã có công văn gửi các xã, thị trấn về việc chấn chỉnh, dừng ngay tình trạng thu tiền của người dân trong quá trình tiêu hủy heo bị dịch tả châu Phi.
Huyện đề nghị các xã sử dụng nguồn ngân sách dự phòng và các nguồn ngân sách khác của địa phương để triển khai phòng chống dịch, tuyệt đối không thu tiền của người dân.
Vũ Đậu (T/h)