Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ người đàn ông chăn bò thành "Giám đốc" bất đắc dĩ: Hé lộ đường vòng vướng vào lao lý của cán bộ hải quan

(DS&PL) -

Từ một người đàn ông chăn bò, ông Cường hóa thành Giám đốc công ty lớn. Trớ trêu thay, công ty này đang bị điều tra vì nhập hàng lậu từ Trung Quốc về tiêu thụ.

Từ một người đàn ông chăn bò, ông Cường hóa thành Giám đốc công ty lớn. Trớ trêu thay, công ty này đang bị điều tra vì nhập hàng lậu từ Trung Quốc về tiêu thụ. Sau đúng hai năm, kỳ án bi hài đã kết thúc với những cái kết không tưởng.

Cựu cán bộ hải quan Nguyễn Quang Dũng (trên) cùng đồng bọn hầu tòa.

Kỳ án ông chăn bò thành “Giám đốc”

Ngược thời gian, năm 2018, báo ĐS&PL nhận được lời kêu cứu của anh Nguyễn Cao Cường (SN 1983, trú xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) về việc bị kẻ xấu mạo danh vi phạm pháp luật. Theo lời anh, vào giữa tháng 12/2017, anh tá hỏa khi lần lượt các cơ quan chức năng từ công an, biên phòng, hải quan... đến nhà làm việc về “Giám đốc công ty May Gia Đạt Nguyễn Cao Cường nhập lậu hàng từ Trung Quốc”.

Nạn nhân cho hay, anh đã năm lần bảy lượt báo cáo với cơ quan chức năng rằng, anh không biết công ty May Gia Đạt ấy và chưa bao giờ thành lập doanh nghiệp nào hết. Thực hiện xong nghĩa vụ quân sự, anh về địa phương rồi luẩn quẩn với mấy con bò.

Từ ngày thành “Giám đốc” bất đắc dĩ, từ ngày công an về tìm hiểu, biết bao phiền phức, lời dị nghị của láng giềng cứ thế mà đổ lên gia đình anh. Trước tình cảnh éo le của nạn nhân, PV báo ĐS&PL đã vào cuộc tìm hiểu ngọn ngành. Và rồi, những sự thật đã được hé lộ trên từng trang báo.

Ngày 22/11/2017, khi lực lượng Phòng chống ma túy và tội phạm bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng TP.Đà Nẵng ập vào một kho hàng trên địa bàn phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng thì 2 xe đầu kéo số hiệu EGSU 9067608 và TCNU 2894795 vận chuyển hàng gồm máy giặt, tủ lạnh, điều hòa và nồi cơm điện đã bị bắt quả tang... Số hàng này không có giấy tờ, chứng từ hợp lệ. Qua xác minh, công ty May Gia Đạt (trụ sở xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) do ông Nguyễn Cao Cường làm Giám đốc là chủ sở hữu.

Anh Cường khổ một, thì các cơ quan chức năng cũng khổ mười. Họ ngày đêm lặn lội gõ cửa anh Cường “Giám đốc” để làm sáng tỏ vụ việc nhưng chỉ gặp được một ông Cường “chăn bò”. Manh mối vụ án rối như tơ vò. Vậy công ty kỳ lạ này từ đâu ra? Bà Huỳnh Thị Mỹ Nhân, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, sở KH-ĐT tỉnh Quảng Nam cho PV biết rằng, qua rà soát thì đã có “một người phụ nữ bí ẩn” đến làm thủ tục thành lập công ty May Gia Đạt.

“Giấy ủy quyền” giả mạo đã biến anh Cường “chăn bò” thành Cường “Giám đốc” buôn lậu. 

Cụ thể, ngày 6/7/2017, Sở nhận được “Giấy ủy quyền” của người tên Nguyễn Cao Cường ủy quyền cho bà Phạm Thị Thúy (SN 1983, trú phường An Xuân, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) về việc nộp hồ sơ và nhận kết quả đăng ký thành lập công ty May Gia Đạt. Giấy này do ông Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Đàn ký.

Căn cứ trên hồ sơ, ngày 11/7/2017, sở KH-ĐT tỉnh Quảng Nam đã cấp giấy phép đăng ký doanh nghiệp cho công ty May Gia Đạt với vốn điều lệ 2 tỷ đồng do cái tên Nguyễn Cao Cường làm Giám đốc. Nhưng thực tế, điều tra của PV từ UBND xã Tam Tiến khẳng định trên địa bàn hoàn toàn không có một doanh nghiệp hay cơ sở này tên May Gia Đạt.

Còn ông Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Đàn, người ký chứng thực vào “Giấy ủy quyền” cũng nói rằng, thời điểm đó, cán bộ cấp dưới trình lên thì ký chứ ông không biết có mặt anh Cường tại xã hay không. Ông sẽ cho kiểm tra lại và nếu cán bộ nào đã trình sai và phải chịu trách nhiệm.

Làm việc với Hải quan Quảng Nam, PV được cung cấp các số liệu rằng, trong một thời gian ngắn (từ 10/8/2017 - 20/11/2017) công ty May Gia Đạt đã liên tiếp mở 11 tờ khai hải quan điện tử tại chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà để nhập ồ ạt 11 lô hàng khai là các thiết bị “máy may công nghiệp, máy vắt sổ công nghiệp, máy cắt vải, máy dập nút công nghiệp...” mới 100% xuất xứ từ Trung Quốc.

Và rồi manh mối đặc biệt đã hé lộ. Theo đó, trong 11 lô hàng mà doanh nghiệp này nhập về thì lô 1 và lô 7 thông quan theo dạng luồng đỏ, các lô còn lại là luồng vàng. Theo quy định, với 2 lô hàng luồng đỏ, doanh nghiệp này phải đưa hàng về tại chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà để mở niêm phong niêm chì, kiểm tra trực tiếp đúng mặt hàng như tờ khai hay không mới cho thông quan.

Việc kiểm tra là bắt buộc và phải có sự chứng kiến của đại diện doanh nghiệp và cán bộ hải quan để cùng ký vào biên bản. Vì sao một công ty “ma” có thể nhập 11 lô hàng? Đại diện doanh nghiệp và cán bộ hải quan ở đây lúc nhập số hàng này?

Ông Phan Văn Phú, Chi Cục phó chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà thời điểm ấy cho rằng, do thực hiện hải quan điện tử nên doanh nghiệp tự khai và tự chịu trách nhiệm. Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà không cần phải kiểm tra lại cũng không cần xác minh địa chỉ doanh nghiệp làm gì?!

PV đã đặt mối nghi vấn về việc có hay không sự tiếp tay của cán bộ hải quan trong vụ việc thì được ông Đoàn Đình Nhi, Chi cục trưởng chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà nói rằng, luật cho phép doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, điều này đã tạo kẽ hở cho các đối tượng xấu lợi dụng. Đơn vị ông đã làm đúng luật định và không hề buông lỏng quản lý, tiếp tay. Nhưng hãy để cơ quan điều tra làm rõ, ai sai phải chịu trách nhiệm?!

Lô hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng được công ty “ma” May Gia Đạt nhập lậu. 

Trong khi đó trước những diễn biến ngày mỗi diễn biến phức tạp, Cơ quan điều tra bộ đội Biên phòng TP.Đà Nẵng tiến hành khởi tố vụ án Buôn lậu. Không lâu sau, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.Đà Nẵng tiếp nhận hồ sơ, tang vật điều tra theo thẩm quyền.

Đại tá Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra Tội phạm kinh tế và Chức vụ Công an TP.Đà Nẵng tiết lộ rằng, đây là vụ án phức tạp. Công an đảm bảo sẽ điều tra theo đúng quy định pháp luật.

Cái kết được dự báo trước?!

Và rồi sau những phản ánh của Báo và quá trình điều tra gian nan trải suốt nhiều năm liền của cơ quan chức năng, toàn bộ vụ án đã được hé lộ. Nỗi oan của ông Cường “chăn bò” đã được giải. Tiếp nữa là những cái kết không tưởng nhưng kỳ thực đã được báo ĐS&PL dự báo trước. Đó là cán bộ hải quan vướng lao lý. Tháng 1/2020, TAND TP. Đà Nẵng xét xử sơ thẩm đối với 4 bị cáo trong vụ án Buôn lậu nói trên. Theo cáo trạng, Nguyễn Đình Thuần (trú TP.HCM) chuyên nhập lậu hàng điện tử, điện lạnh cũ từ nước ngoài vào Việt Nam. Tháng 5/2017, Thuần nhờ Nguyễn Quang Dũng (SN 1977) cán bộ phòng Nghiệp vụ Hải quan Quảng Nam tìm doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu loại hàng trên và trả công cho Dũng 40 đến 60 triệu đồng/container.

Dũng liên hệ Đinh Hải Tiến (SN 1985), Trưởng phòng kinh doanh một công ty ở TP.Đà Nẵng để thuê kho hàng và bốc vác với giá 3,5 triệu đồng/container. Biết đây là hàng lậu nhưng Tiến vẫn gật đồng tham gia. Để qua mắt cơ quan chức năng cũng như thoát tội về sau, Dũng tiếp tục liên hệ đến Lê Bảo Hoài Linh (SN 1975, trú tỉnh Quảng Nam). Dũng đưa 10 triệu đồng và hướng dẫn Linh mượn CMND của 2 người dân để mở công ty về lĩnh vực may. Nhưng thực chất là lập công ty “ma” làm bình phong để nhập lậu hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng.

Công ty “ma” May Gia Đạt với ông Cường “chăn bò” được thành lập là vì lẽ này. Sau khi thành lập được công ty, Lê Viết Vương (SN 1993, trú tỉnh Quảng Nam) cũng tham gia vào phi vụ với trách nhiệm kiểm tra, ghi chép số lượng, chủng loại, sắp xếp, giao hàng cho người mua. Mỗi container hàng Thuần trả công cho Vương 500 ngàn đồng...

Quá trình chuẩn bị hoàn tất, Dũng tiến hành “đạo diễn” 20 lần nhập 26 container, khai là máy móc ngành may mới 100% để được 0% thuế nhập khẩu, nhưng bên trong là hàng lậu điện lạnh, điện tử cũ, bị cấm nhập từ tháng 6 – 10/2017.

Cựu cán bộ hải quan Nguyễn Quang Dũng được xác định là chủ mưu trong vụ án. Với những hành vi trên, HĐXX TAND TP.Đà Nẵng đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Quang Dũng 4 năm tù, Đinh Hải Tiến 3 năm 6 tháng tù, Lê Viết Vương và Lê Bảo Hoài Linh cùng 3 năm tù về tội Buôn lậu. Riêng Thuần đang bị truy nã.

NHÂM THÂN

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời Sống & Pháp Luật số 10

Tin nổi bật