Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ lừa đảo ở công ty Alibaba: VKS không chấp nhận đề nghị đổi tội danh cho các bị cáo

  • Việt Hương
(DS&PL) -

Sáng nay (21/12), TAND TP.HCM tiếp tục diễn biến phiên xét xử vụ Nguyễn Thái Luyện (cựu Chủ tịch Công ty Alibaba) và các bị cáo tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền.

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử (HĐXX) cho đại diện Viện Kiểm sát đối đáp với các luật sư và nội dung các bị cáo tự bào chữa; đồng thời nêu quan điểm truy tố đối với vợ chồng ông trùm Công ty Alibaba là đúng.

Tiền phong thông tin diễn biến phiên tòa, theo đại diện Viện Kiểm sát, cả 58 dự án của Công ty Alibaba đều chưa chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ), chưa được phê duyệt. Đơn cử như dự án 176 ha tại Bình Thuận, mới trả 105 tỷ/175 tỷ đồng, nhưng Công ty Alibaba đã phân lô bán nền.

Ngoài ra, các bị cáo quảng cáo nhiều tiện ích của dự án như gần trường học, chợ, sân bay… trong khi thực tế những nội dung này là không có thật.

Các bị cáo tại tòa. (Ảnh: Tiền phong)

 

Tại phiên tòa, luật sư của bị cáo Nguyễn Thái Luyện đề nghị Viện Kiểm sát chuyển từ tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản như Viện Kiểm sát đang truy tố và Tòa án đang xét xử, sang tội Vi phạm quy định về đất đai theo điều 228 Bộ luật hình sự.

Về đề nghị này, Viện Kiểm sát cho rằng, ngày 22/1/2018 Nguyễn Thái Lĩnh (em trai Luyện), đã bị UBND huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) xử phạt vi phạm hành chính trên 3.000 m2 đất, nhận 92 thửa đất nông nghiệp, sau đó ký ủy quyền cho bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) và Trần Huy Phúc (cựu Giám đốc Công ty Chiến Binh Thép) phân lô trái pháp luật, quảng cáo sai sự thật. Viện Kiểm sát nhận thấy truy tố bị cáo Nguyễn Thái Luyện tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là đúng.

Đối với Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện), luật sư bào chữa cho bị cáo này cũng đề nghị chuyển tội danh, bị cáo Mai có tình tiết giảm nhẹ (có thai, thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác cơ quan, bị hại có đơn yêu cầu giảm nhẹ án, có bác ruột là liệt sĩ, ông bà nội tham gia kháng chiến…). Bị cáo cũng kêu oan tội “Rửa tiền”.

Viện Kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố.

Theo Tuổi trẻ, trong vụ này có nhiều luật sư và có sự lặp lại các nội dung bào chữa, trong đó có nhiều luật sư cho rằng các bị cáo không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và khẳng định hành vi của bị cáo phạm tội vi phạm quy định về sử dụng đất.

Về quan điểm này, viện kiểm sát cho rằng các loại đất được chuyển quyền sử dụng đất thì được kinh doanh quyền sử dụng đất, trong vụ án này nhiều dự án chỉ là đất nông nghiệp, đất quốc phòng.

Luật kinh doanh bất động sản quy định, bất động sản trước khi đưa vào kinh doanh phải được Nhà nước cấp phép, hoàn thiện hạ tầng cơ sở kỹ thuật. Nhiều dự án trong vụ án này mới chỉ ký hợp đồng đặt cọc chưa công chứng nhưng Công ty Alibaba đã... lập dự án, phân lô và thu tiền của khách hàng.

Trong vụ án này, các bị cáo khi giới thiệu dự án thì đều khẳng định là bán đất thổ cư đã hoàn thiện pháp lý và đất giá rẻ gần sân bay để khách hàng tin về lời giới thiệu này. Ngoài ra, Công ty Alibaba nâng vốn điều lệ lên 1.600 tỉ đồng thực ra chỉ đặt vỏ bọc cho công ty chứ thực tế không có số tiền 1.600 tỉ vốn điều lệ như đăng ký.

Viện kiểm sát khẳng định, cả 58 dự án đều không nhận được sự phê duyệt của cơ quan chức năng.

Như vậy, đối chiếu với quy định của pháp luật thì việc truy tố các bị cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản là đúng căn cứ pháp luật. Nên viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố và tội danh.

Việt Hương (T/h)

Tin nổi bật