Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ học sinh lớp 2 bị phạt tát 50 cái ở Hà Nội: 231 cái tát đau đớn ở Quảng Bình có lọt đến tai cô giáo?

(DS&PL) -

Khi sự việc nam sinh bị tát 231 cái ở Quảng Bình vẫn còn đang sục sôi dư luận thì một cô giáo ở Hà Nội lại tiếp tục chỉ đạo học sinh tát bạn 50 cái vì nói bậy.

Trong khi sự việc nữ giáo viên tại Quảng Bình bắt cả lớp tát một học sinh 231 cái vẫn còn đang sục sôi dư luận thì mới đây, ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội, người dân một lần nữa sốc nặng khi một cô giáo chủ nhiệm lại tiếp tục sử dụng hình thức xử phạt này bằng cách cho học sinh tát bạn 50 cái. Trước thông tin trên, nhiều chuyên gia phải đặt ra câu hỏi: "Liệu cô giáo có đọc báo?".

Theo đó, ngày 3/12, em P. - học sinh lớp 2A5, trường Tiểu học Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội đã bị bạn Đ. cùng lớp tát 20 cái dẫn đến bầm tím mặt.

Cụ thể, do em P. mắc lỗi “nói bậy”  nên cô T. - chủ nhiệm lớp, đã yêu cầu bạn Đ. tát vào mặt bạn P. 50 cái. Tuy nhiên, sau khi bạn Đ. tát đến cái thứ 20 thì bạn P. khóc lớn vì quá đau đớn nên cô giáo này yêu cầu dừng lại.

GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam bày tỏ sự nghi vấn về việc cô giáo Hà Nội có hay không cập nhật câu chuyện học sinh Quảng Bình bị tát 231 cái. Ảnh: Người Đưa Tin 

Trước sự việc nóng trên, trao đổi với PV Người Đưa Tin, GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: “Quá đau xót nếu đúng như sự việc mà báo chí phản ánh. Tôi không hiểu cô giáo này có theo dõi và cập nhật thông tin về câu chuyện 231 cái tát đối với một học sinh tại Quảng Bình hay không. Một sự việc rúng động như vậy, tôi nghĩ người bình thường còn đọc được huống chi một nhà giáo”.

GS.TSKH Phạm Tất Dong bày tỏ quan điểm, với sự việc này phải xử lý thật nghiêm và nặng hơn cô giáo tại Quảng Bình. Bởi, vụ việc 231 cái tát vừa mới diễn ra, sờ sờ và cụ thể như vậy, bị xã hội lên án mạnh mẽ. Vậy tại sao họ không coi đó là một bài học kinh nghiệm mà lại có hành động tương tự như thế!

Cùng chia sẻ với PV, Ths. Phạm Phúc Thịnh - Hiệu trưởng hệ thống trường Việt – Mỹ (VASCHOOLS) bất ngờ trước hành động này của cô giáo tại Hà Nội. Thầy Phạm Phúc Thịnh chia sẻ: “Thứ nhất, tôi nghĩ cô giáo không cập nhật thông tin thời sự. Thứ hai, cô giáo coi thường học sinh, nghĩ học sinh lớp 2 thì không biết gì.

Thứ ba, cô giáo không thực tâm với nghề và không yêu trẻ. Với những người không có tâm với nghề nghiệp thì ngay lập tức đuổi việc, loại bỏ họ ra khỏi ngành giáo dục. Có thể đó là một điều đau nhưng vụ việc là không thể chấp nhận được”, thầy Thịnh nói.

Thầy Phạm Phúc Thịnh một lần nữa khẳng định, với những giáo viên đang chọn con đường bạo lực để dạy học sinh thì đừng đi làm giáo viên nữa.

“Đó là lời chia sẻ thực lòng. Giáo viên hãy đặt câu hỏi tại sao học sinh lại không dám làm trái ý giáo viên. Có thể vì chúng nhỏ hơn giáo viên thôi. Còn đối với học sinh cấp 3 thì giáo viên khó có thể dạy chúng bằng bạo lực được. Tôi cho rằng, vị hiệu trưởng tại Hà Nội cũng chủ quan nghĩ rằng sự việc nó mới quá. Đúng ra khi sự việc 231 cái tát tại Quảng Bình xảy ra thì mỗi trường, trong họp giao ban đầu tuần phải nhắc giáo viên mình ngay, lấy đó làm bài học kinh nghiệm để không mắc những chuyện đau lòng như thế này”, thầy Phạm Phúc Thịnh bày tỏ.

Học sinh lớp 2 bị cô giáo phạt 50 cái tát vì nói bậy. Ảnh: Người Đưa Tin

Cũng có chung quan điểm như vậy, chia sẻ trên Infonet, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho ahy, khi nghe tin mà ông cũng ngỡ ngàng. Trong khi sự việc ở Quảng Bình vẫn nóng thì cô giáo giữa trung tâm Hà Nội lại bồi thêm "một cú tát" vào ngành giáo dục nữa.

Ông Hòa cho rằng, có thể cô giáo áp lực khi phải quản lớp tới 40 – 50 cháu, nhiều cháu không ngoan và cô mệt mỏi muốn đánh trò không được cô nghĩ ra cách cho bạn đánh bạn cô sẽ vô can và điều này thực sự nguy hiểm bởi cô không biết rằng dù trong hoàn cảnh nào thì bạo lực vẫn không thể ở trong nhà trường.

Về mặt tâm lý, ông Hòa cho rằng cô giáo này chắc có vấn đề về tâm lý, tâm lý không được bình thường bởi thời điểm này bất cứ ai là giáo viên muốn xuống tay với học sinh cũng phải chùng lại. Trong cuộc sống hàng ngày, một đứa trẻ hư ngay trong gia đình đôi khi cũng được cha mẹ, ông bà cho một hai cái tẹt vào mông để răn đe nhưng để đánh tới hàng chục, hàng trăm cái tát như thời gian qua thì không thể chấp nhận được.

Điều ông Hòa cảm thấy lạ lùng và luôn tự hỏi “Không biết cô giáo này có đọc tin tức về cô giáo ở Quảng Bình không?” Giữa Hà Nội ông Hòa cho rằng không thể nằm ngoài luồng tin này được bởi các tin tức báo chí, bản tin truyền hình đưa tin về vụ việc dày đặc thì cô không thể nào không biết được sự trừng phạt của dư luận với hành động của cô giáo ở Quảng Bình kia mà cô giáo lại cho bạn đánh trò như thế.

Còn theo PGS Trịnh Hòa Bình hành vi liên tục tát bạn thời gian qua đã chứng tỏ ngành giáo dục đang ôm bệnh thành tích, cô giáo mải mê kiếm sống chứ không còn là nghề giáo cao quý nữa. Và có lẽ hiện nay ngành sư phạm không còn là một nghề được yêu thích, trước đây ai cũng thích vào sư phạm được chăm sóc ưu ái từ lúc vào trường cho đến khi ra trường thì đến nay sinh viên sư phạm ra trường không xin được việc, các đãi ngộ cho ngành sư phạm không còn trong khi đó áp lực bệnh thành tích thì ngày càng dày lên. Rõ ràng ở đây ai cũng nhận thấy sự non yếu trong nghiệp vụ sư phạm, thậm chí là giáo viên đã sai trong phương pháp dạy và sai cả trong phương pháp giao tiếp, hành xử.

Nguyễn Phượng (T/h)

Tin nổi bật