Hơn 1 năm sau khi thành phố Vũ Hán gỡ bỏ lệnh phong tỏa, "nhịp đập" nơi đây đã phục hồi trở lại nhưng "di chứng" của đại dịch COVID-19 thì vẫn còn hiện hữu.
Chợ hải sản Hoa Nam Vũ Hán vẫn chưa thể hoạt động trở lại sau khi bị phong tỏa vào cuối năm 2019. Ảnh: Nikkei Asian |
Nửa cuối tháng 12/2019, một nhóm người được cho là liên quan đến chợ hải sản Hoa Nam (thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), bị viêm phổi không rõ nguyên nhân.
Các nhà khoa học Trung Quốc sau đó cho rằng chứng viêm phổi lạ này có liên quan tới một chủng virus corona mới, ban đầu gọi là 2019-nCoV, sau đó được đổi tên thành virus SARS-CoV-2 gây ra dịch bệnh COVID-19.
Ngày 10/1/2020, thành phố Vũ Hán ghi nhận ca tử vong đầu tiên do COVID-19. Các ca nhiễm mới sau đó gia tăng nhanh chóng, buộc Chính phủ Trung Quốc phải phong tỏa toàn bộ thành phố hơn 11 triệu dân này vào ngày 23/1 cùng năm.
Tất cả các phương tiện giao thông công cộng, bao gồm xe buýt, đường sắt, chuyến bay và dịch vụ phà sẽ bị đình chỉ. Sân bay Vũ Hán, nhà ga đường sắt Vũ Hán, tàu điện ngầm và các đường cao tốc ra vào Vũ Hán đều bị đóng cửa.
Bằng các biện pháp chống dịch mạnh mẽ, Trung Quốc sau đó về cơ bản đã đẩy lùi và kiểm soát được dịch bệnh. Đúng 0h ngày 8/4/2020, Vũ Hán tuyên bố chiến thắng dịch bệnh bằng cách chính thức được gỡ bỏ phong tỏa thành phố sau 76 ngày,
Một năm sau, thành phố Vũ Hán từng bị coi là tâm dịch của thế giới, đã gần như sạch bóng virus và tự hào khẳng định đây là nơi an toàn nhất.
Những gương mặt từng khiến cả Trung Quốc lo lắng
Bức ảnh từng khiến bao trái tim phải xúc động trong thời gian cả Trung Quốc đối đầu với dịch bệnh. Ảnh: The Paper |
Trong đợt dịch năm 2020 ở Vũ Hán, một bức ảnh tựa đề "bác sĩ và bệnh nhân cùng ngắm hoàng hôn" đã khiến vô số người xúc động.
Bức ảnh ghi lại cảnh bác sĩ Lưu Khải đang hộ tống một bệnh nhân Vương Thưởng (khi đó 87 tuổi) đi chụp CT, đã đặc biệt dừng lại và cùng bệnh nhân này thưởng thức cảnh hoàng hôn sau hơn 1 tháng nằm trong 4 bức tường của phòng bệnh. Khoảnh khắc ấm lòng này nhanh chóng trở thành một hiện tượng trên mạng xã hội.
Bệnh nhân Vương Thưởng ở thời điểm hiện tại. Ảnh: CCTV |
Sau đó, dưới sự điều trị đầy đủ của bác sĩ, tình trạng của cụ Vương đã cải thiện rất nhiều. Ngày 9/4/2020, một ngày sau khi Vũ Hãn dỡ bỏ phong tỏa, cụ Vương đã bình phục và xuất viện sau khi nhận được giấy chứng nhận "người chiến thắng".
Giờ đây, sau hơn 1 năm chống chọi với căn bệnh COVID-19 và những di chứng của nó, sức khỏe của cụ Vương ngày càng tốt hơn, ông có thể đi ra ngoài hai vòng mỗi ngày. Là nghệ sĩ violin của Vũ Hán Philharmonic Orchestra, cụ Vương cảm thấy hạnh phúc nhất, đó là được cầm chiếc violin yêu quý của mình lên và để âm thanh du dương của nó vang vọng trong nắng xuân.
Vị bác sĩ "da đen"
Vào đầu năm 2020, bác sĩ Dịch Phàm của bệnh viện Trung tâm Vũ Hán không may bị nhiễm bệnh khi đang điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Tệ hơn nữa, anh ấy bị nhiễm trùng qua đường máu, vô cùng khó chữa.
Vào thời điểm đó, bệnh viện đã thử nhiều phương pháp điều trị nhưng không phương pháp nào có hiệu quả. Vào thời điểm quan trọng này, Viện sĩ Vương Thần đã đứng lên đưa ra phương án "thay ống thông ECMO". Đây được đánh giá là phương pháp khó và hệ số rủi ro cao nhưng vào thời điểm đó, không còn cách nào khác.
Bác sĩ Dịch Phàm trong thời gian điều trị COVID-19 (trái) và đang làm việc ở một phòng khám hiện tại. Ảnh: The Paper |
Sau khi kế hoạch điều trị được đặt ra, bác sĩ Dịch Phàm đã phải chịu đựng rất nhiều đau đớn, các loại thuốc trị liệu khiến làn da của ông trở nên đen sạm, sau đó, bức ảnh về "bác sĩ mặt đen" khiến dư luận Trung Quốc vô cùng xót xa.
May mắn thay, cuối cùng bác sĩ Dịch Phàm cũng thoát ra được "quỷ môn quan" và làn da của anh cũng dần dần phục hồi trở lại.
Ngày 26/10, Dịch Phàm trong quá trình hồi phục sức khỏe đã lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng với làn da trắng. Hơn 1 tháng sau đó, anh bình phục và đích thân đến tận Bắc Kinh để cảm ơn bác sĩ ân nhân của mình.
Hôm nay, Dịch Phàm đã trở lại với cương vị của một bác sĩ sau khi hoàn toàn bình phục và đảm nhận cương vị ở một phòng khám cách đây không lâu.
Thành phố "thức tỉnh" sau cơn "ác mộng" COVID-19
Hình ảnh dòng người qua lại đông đúc như minh chứng cho việc thành phố Vũ Hán đã "thức tỉnh" sau cơn "ác mộng" COVID-19. Ảnh: Getty |
Hơn 1 năm sau ngày Vũ Hán dỡ bỏ phong tỏa, hình ảnh giao thông tắc nghẽn, dòng người qua lại đông đúc đã thể hiện một cách rõ ràng rằng Vũ Hán đã "thức tỉnh" và nền kinh tế thành phố cũng đã "sục sôi" trở lại.
Tính đến hết năm 2020, tổng sản lượng kinh tế của Vũ Hán đã trở lại top 10 Trung Quốc và các chỉ số kinh tế chính trong quý đầu tiên của năm 2021 dự kiến sẽ tăng hơn 50%.
Ông Lý đã làm tài xế taxi ở Vũ Hán gần 30 năm và tận mắt chứng kiến sự phát triển của thành phố, cũng như những niềm vui và nỗi buồn mà vùng đất từng trải qua.
"Hơn 1 năm này, đời sống xã hội về cơ bản đã trở lại như xưa. Các tiệc cưới năm ngoái phải hoãn cũng được tổ chức rầm rộ năm nay, khiến tôi hầu như tháng nào cũng phải tiêu xài hoang phí...", tài xế Lý chia sẻ.
Ông cho biết thêm, cuộc sống đã ổn định trở lại nhưng ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn còn tồn tại ít nhiều, ví dụ như mọi người đã quen với việc đeo khẩu trang khi ra ngoài.
"Hay như hoạt động kinh doanh taxi của tôi cũng đã suy thoái đáng kể và vẫn cần thời gian để phục hồi", ông Lý nói.
Một góc phố ẩm thực gần ga đường sắt Vũ Hán. Ảnh Getty |
Tại một cửa hàng mỳ xào nổi tiếng gần ga đường sắt Vũ Hán, đơn giá 30-40 tệ (107.000 - 142.000 đồng) cho một suất mỳ không phải là rẻ nhưng cả quán ăn hơn chục bàn cũng đã kín khách.
"Các nhân viên đã không rời đi trong thời gian xảy ra dịch bệnh và cửa hàng của chúng tôi đã kinh doanh trở lại ngay sau khi Vũ Hán được mở cửa. Dù việc kinh doanh vẫn chưa thể so với trước khi xảy ra dịch bệnh nhưng mấy tháng gần đây, cảnh đợi bàn kiểu này diễn ra rất phổ biến", chủ quầy thu ngân cửa hàng chia sẻ.
Theo quan điểm của người Vũ Hán, sau tết Thanh Minh là thời điểm tuyệt vời nhất để thưởng thức đặc sản tôm hùm đất. Thanh Minh năm ngoái, người dân nơi đây đã không thể thưởng thức món ăn địa phương này nhưng giờ đây, khói và hương thơm đã bốc lên nghi ngút tái các nhà hàng tôm hùm đất trên phố ẩm thực Sa Hồ.
Vào giờ cao điểm, tại các cửa hàng nhỏ và có tiếng ở địa phương, thực khách sẽ phải chờ hơn nửa tiếng đồng hồ để có thể thưởng thức món ăn nức tiếng này.
Điểm sáng nhất chính là các lĩnh vực như sản xuất công nghiệp và bất động sản, đều tăng trưởng nhanh hơn mức bình quân của cả nước trong hai tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2019.
Ngành công nghiệp ôtô là ngành công nghiệp lớn nhất thành phố. So với năm 2019, doanh số bán hàng của Dongfeng Honda Automobile, liên doanh của Honda tại Trung Quốc, đã tăng 40,6% lên 135.000 xe trong hai tháng đầu năm 2021.
Doanh số bất động sản tại thành phố 11 triệu dân cũng gia tăng, nhất là khi giá nhà đất tại Thượng Hải và Bắc Kinh ngày càng cao. Một nhà môi giới bất động sản tiết lộ doanh số bán căn hộ chung cư tăng vọt. "Những người giàu có đã mua hàng trở lại sau khi trì hoãn do đợt bùng dịch", cô chia sẻ.
Bên cạnh đó, các hoạt động thương mại, văn hóa và thể thao khác nhau ở Vũ Hán cũng lần lượt bắt đầu.
Vết thương chưa hoàn toàn lành lặn
Nhiều cửa hàng bản lẻ hay cả trung tâm thương mại ở Vũ Hán đã phải đóng cửa vĩnh viễn vì không trụ nổi qua đại dịch. Ảnh: Nikkei Asian |
Dù nền kinh tế Vũ Hán đang trên đà trở lại mạnh mẽ nhưng quá trình phục hồi được cho là mới chỉ được nửa chẳng đường.
Theo Nikkei Asian Review, doanh thu bán lẻ và du lịch của Vũ Hán còn ở dưới mức trung bình quốc gia. Các cửa hàng vừa và nhỏ bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Đây được xem là "tác dụng phụ" của chính sách chống dịch mạnh mẽ mà Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng hơn 1 năm trước.
Nikkei ghi nhận vào một ngày cuối tuần, tại trung tâm mua sắm Guanggu International Plaza, nằm ở trung tâm thành phố, chỉ lác đác vài người qua lại.
"Hết cửa hàng này đến cửa hàng khác đóng cửa kể từ tháng 7 năm ngoái do dịch COVID-19. Giờ, chỉ còn khoảng 10 cửa hàng tại đây", một nhân viên của trung tâm cho hay.
Một trung tâm mua sắm khác là Luxiang Plaza Shopping Center thậm chí còn phải đóng cửa vĩnh viễn cả tòa nhà vào hôm 1/4/2021.
Hồi tháng 7 năm ngoái, ông Vương, 40 tuổi, phải đóng cửa hàng bánh của mình và chịu lỗ 500.000 NDT (hơn 1,7 tỷ đồng) do công việc kinh doanh đình trệ vì dịch bệnh.
"Giờ, tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc làm tài xế taxi", ông Vương than thở.
Hoa Vũ (Theo The Paper, Nikkei Asian)