Theo thông tin từ Dân Trí, trưa 6/5, TAND quận Hai Bà Trưng, Hà Nội quyết định tạm dừng phiên tòa xử vụ ông Dương Thế Hảo (66 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) khởi kiện yêu cầu Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân) bồi thường gần 44 tỷ đồng do có hành vi giữ bằng cử nhân và nhiều giấy tờ tùy thân quan trọng của ông suốt thời gian dài.
Hội đồng xét xử cho rằng đơn khởi kiện ban đầu của ông Hảo và trình bày tại phiên tòa có nhiều điểm khác biệt. Số tiền nêu ra trong đơn khởi kiện lúc đầu trên 36 tỷ đồng nhưng tại phiên tòa sáng 6/5, ông Hảo đã điều chỉnh tăng lên gần 44 tỷ đồng.
Vì thế, hội đồng xét xử đề nghị ông Hảo cung cấp bảng đánh giá chi tiết, làm rõ căn cứ của từng khoản tiền đề nghị bồi thường để tòa án có cơ sở xem xét, đánh giá đầy đủ, chặt chẽ.
Vì sao cựu sinh viên kiện Đại học Kinh tế quốc dân?
Báo Thanh Niên cho biết, theo trình bày của nguyên đơn, năm 1981, ông Hảo thi đậu khoa Kinh tế của Trường Đại học Kinh tế kế hoạch (tiền thân của Đại học Kinh tế quốc dân ngày nay), khóa năm 1984.
Đến năm 1989, ông hoàn thành tất cả môn học, vượt qua kỳ thi tốt nghiệp với số điểm đạt trở lên và được cấp giấy xác nhận đã thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, ông chờ mãi vẫn không được cấp bằng.
Ông Hảo cho biết bản thân nhiều lần đến trường hỏi về chuyện bằng cấp, nhưng khi thì nhà trường bảo lãnh đạo đi vắng, chưa xin chữ ký được, khi lại nói hết phôi in, hoặc có lần không trả lời. Không có tấm bằng trong tay, ông Hảo không thể làm việc trong doanh nghiệp hay thăng tiến.
Nguyên đơn Dương Thế Hảo tại TAND quận Hai Bà Trưng, ngày 6/5. Ảnh: Dân Việt
Nguyên đơn cũng cho rằng đã nộp hồ sơ quân nhân, lý lịch quân nhân, quyết định xuất ngũ, địa chỉ tạm trú cho trường. Bằng tốt nghiệp chưa được cấp, toàn bộ hồ sơ gốc thì trường giữ lại khiến ông không thể làm thủ tục đăng ký kết hôn, làm tạm trú, khai sinh cho con…
Đến năm 2004, ông Hảo mới được trường Đại học Kinh tế quốc dân cắt tạm trú tại trường, để đăng ký về quận Hoàng Mai (Hà Nội), làm chứng minh nhân dân và đăng ký hộ khẩu.
Năm 2007, ông gửi đơn đến trường và được trường xác nhận không tìm thấy hồ sơ cá nhân, không thấy tên trong sổ cấp bằng tốt nghiệp Đại học, chỉ thấy tên trong sổ điểm.
Ông Hảo quyết định khởi kiện và đến tháng 7/2019 thì trường giao bằng tốt nghiệp. Vì vậy, ông đã rút đơn. Nhưng một thời gian sau, ông Hảo tiếp tục đâm đơn khởi kiện trường, vì cho rằng mình ra trường năm 1989 nhưng bằng tốt nghiệp lại ghi năm 1995. Ông đề nghị trường cấp lại bằng, đồng thời yêu cầu bồi thường 36,7 tỷ đồng, sau đó tăng lên gần 44 tỷ đồng.
Khoản tiền này theo tính toán của ông gồm: mất thu nhập, gây tổn thất tinh thần, uy tín danh dự; mất cơ hội tiếp tục học tập, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ; mất quyền ứng cử, bầu cử, tham gia các tổ chức Đảng, chính quyền, quyền sở hữu và định đoạt các tài sản thiết yếu như ô tô, xe máy, nhà, đất; mất quyền tham gia thành lập và sở hữu, điều hành doanh nghiệp; chi phí liên quan đến gửi nuôi con, xin học, hàn gắn hôn nhân gia đình...
Phía nhà trường nói gì?
Tại phiên tòa, Đại diện phía nhà trường - luật sư Trần Hồng Phúc đưa ra nhiều lập luận khẳng định Trường Đại học Kinh tế quốc dân "không giữ bằng" của ông Hảo như tố cáo. Luật sư đưa ra một số tài liệu cho rằng ông Hảo ban đầu là sinh viên lớp công nghiệp khóa 26 (niên khóa 1984 - 1988). Tuy nhiên trong quá trình học, ông bị lưu ban và chuyển sang học tiếp với lớp khóa 27.
Về lý do ông Hảo không được xét tốt nghiệp vào thời điểm năm 1989, luật sư cho biết ông Hảo đã vi phạm quy chế thi, dẫn đến việc bị tạm hoãn công nhận tốt nghiệp. Theo quy định, sinh viên vi phạm như vậy có thể bị tạm hoãn trong 1-2 năm.
Tuy nhiên phải đến năm 1994, tức sau 5 năm, ông Hảo mới được đưa vào danh sách xét công nhận tốt nghiệp. Giải thích về thời gian kéo dài này, đại diện cho biết nhà trường không tìm thấy giấy tờ liên quan đến việc ông Hảo đã nộp hồ sơ xét tốt nghiệp từ năm 1989. Mãi đến năm 1994, nhà trường mới ghi nhận tên ông Hảo trong danh sách xét tốt nghiệp.
Luật sư tiếp tục khẳng định "phải đến 2017 ông Hảo mới có thư gửi đến trường hỏi có thể cấp bằng tốt nghiệp và lấy lại hồ sơ giấy tờ không". Nhà trường đã họp phân công cán bộ phụ trách trực tiếp triển khai tìm kiếm và tìm thấy hồ sơ của ông Hảo "trong một khe tủ".
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân). Ảnh minh họa
Việc chậm trễ trả hồ sơ theo luật sư là do "nguyên nhân khách quan". Trong thời gian đó, trường liên tục chuyển địa điểm, nhiều cán bộ nghỉ hưu hoặc qua đời, việc quản lý hồ sơ gặp nhiều khó khăn.
"Theo quy định, sinh viên phải chủ động đến trường đề nghị cấp bằng tốt nghiệp chứ không có thông báo nào?" , chủ tọa đặt vấn đề.
Luật sư khẳng định sinh viên phải chủ động đến đề nghị nhà trường cấp bằng tốt nghiệp tùy theo nhu cầu công việc. Nguyên tắc có lợi cho sinh viên, nhà trường sẽ bảo lưu kết quả cho đến khi sinh viên đến trường liên hệ đề nghị cấp bằng.
"Từ năm 1994 đến trước 2017 ông Hảo không có động thái nào liên hệ nhà trường, mà phải đến năm 2017 mới có thư gửi đến nhà trường hỏi có thể lấy bằng tốt nghiệp không. Do đó phải đến năm 2019 trường mới cấp bằng lần đầu cho ông Hảo", luật sư nói.
Về số tiền bồi thường, vị đại diện cho rằng không có căn cứ để chấp nhận do ông Hảo không đưa ra được chứng cứ chứng minh thiệt hại thực tế, trực tiếp liên quan đến số tiền yêu cầu.
"Ví dụ tổn thất về lương, ông phải chứng minh được doanh nghiệp không tiếp nhận ông vào vị trí có mức lương đó do ông không có bằng tốt nghiệp Đại học và hộ khẩu", đại diện bị đơn nêu quan điểm, theo Tuổi trẻ Online.