Quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, vào đầu tuần này, một máy bay không người lái trinh sát MQ-9 Reaper (Ác điểu) của Không quân Mỹ đã bị Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Washington hậu thuẫn bắn hạ tại Syria,
"Sự cố này là do hỏa lực từ các lực lượng đối tác đang tiến hành các hoạt động trong khu vực, những người đã xác định nhầm máy bay không người lái là mối đe dọa", vị quan chức trên thông tin với Tạp chí Air & Space Forces.
Theo đó, UAV bị rơi khi đang thực hiện nhiệm vụ chống lại nhóm khủng bố IS vào ngày 9/12.
"Lực lượng Mỹ đã thu hồi các bộ phận máy bay phù hợp và phá hủy các phần còn lại của UAV. Không quân Mỹ đang tích cực đánh giá các hành động dẫn đến sự cố và sẽ điều chỉnh các chiến thuật, kỹ thuật và quy trình để bảo vệ các lực lượng Hoa Kỳ, liên minh và đối tác cùng các tài sản liên quan của họ", vị quan chức khẳng định, nói thêm rằng sự cố này không ảnh hưởng đến quan hệ đối tác giữa Lầu Năm Góc và lực lượng quân sự do người Kurd lãnh đạo ở Syria.
MQ-9 Reaper (Ác điểu) của Không quân Mỹ
SDF chưa bình luận về thông tin, song lực lượng này hôm 10/12 công bố video bắn rơi phi cơ mà họ cho là UAV Thổ Nhĩ Kỳ. Chưa rõ đây có phải chiếc MQ-9 Mỹ hay không.
MQ-9 Reaper là UAV vũ trang do tập đoàn General Atomics của Mỹ chế tạo cho không quân nước này. Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ cho biết mỗi chiếc có giá xuất xưởng khoảng 30 triệu USD.
MQ-9 Reaper được triển khai cho các nhiệm vụ giám sát và trinh sát tầm xa; được trang bị hệ thống giám sát tiên tiến bao gồm: Hệ thống theo dõi mục tiêu đa quang phổ, nhiệt hồng ngoại AN/DAS-1 MTS-B; radar tích hợp nhận diện vật thể trên bề mặt AN/APY-8 Lynx II; radar đánh dấu và theo dõi SeaVue.
UAV MQ-9 Reaper cũng trang bị một loạt các loại vũ khí tối tân như: Tên lửa không đối đất AGM-114 Hellfire; tên lửa không đối không AIM-92 Stinger; tên lửa không đối đất Brimstone,...
MQ-9 Reaper có thể hoạt động trên không tới 14 tiếng đồng hồ với vận tốc tối đa đạt 482 km/h.
Vụ việc trên làm nổi bật điểm yếu của MQ-9 Reaper, loại UAV tinh vi nhưng dễ bị tổn thương trong không phận tranh chấp. Trước đây, ngay cả các nhóm vũ trang có công nghệ thấp như Houthi ở Yemen cũng từng bắn hạ MQ-9 nhiều lần.
Dù vậy, MQ-9 vẫn là tài sản quan trọng nhờ khả năng bay ở độ cao 15.240 m, duy trì hoạt động suốt 24 giờ, hỗ trợ các nhiệm vụ tình báo, giám sát và tấn công. Nhiều quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản vẫn tích cực mua sắm MQ-9 để tăng cường năng lực quân sự.
Xác phi cơ được cho là UAV MQ-9 Mỹ rơi tại miền bắc Syria hôm 9/12. Ảnh: X/BabakTaghvaee1
Giao tranh hiện đang diễn ra ác liệt tại miền bắc Syria giữa SDF và lực lượng Quân đội Quốc gia Syria (SNA) được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, khi hai bên tìm cách giành quyền kiểm soát khu vực này sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh trong NATO, song Ankara lại coi SDF là kẻ thù, bất chấp lực lượng này là đối tác của Washington trong cuộc chiến chống IS. Tiêm kích F-16 Mỹ từng bắn hạ UAV Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối năm ngoái nhằm ngăn nó tập kích lực lượng SDF.
Washington đang kêu gọi Ankara và các nhóm vũ trang do nước này hậu thuẫn ngừng giao tranh với SDF. Mỹ cũng làm trung gian giúp hai bên đạt thỏa thuận ngừng bắn hôm 9/12 ở thành phố Manbij, nơi diễn ra giao tranh ác liệt những ngày qua.