Trong lúc đang làm việc tại một công trình xây dựng ở Lào, 3 lao động người Nghệ An không may bị điện giật. Vụ việc khiến 1 người tử vong tại chỗ, 2 người khác bị thương nặng hiện đang được cấp cứu tại một bệnh viện ở nước bạn.
Rời vùng quê nghèo sang Lào làm thuê, hy vọng có tiền phụ giúp gia đình, chưa đầy 20 ngày, anh Lô Văn H. (SN 1979), trú tại bản Na, xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã gặp họa, bị điện giật tử vong.
Nghe hung tin, vợ anh H., chị Kha Thị Hoa (SN 1982) chết lặng. Mặc dù sự việc xảy ra từ ngày 26/10, nhưng mấy ngày sau, thi thể anh H. mới được đưa trở về quê để tổ chức tang lễ. Nhận tin dữ, chị Hoa không ăn uống gì, người mệt lả vì kiệt sức và khóc nhiều.
Hơn 3 ngày chờ đợi trong mòn mỏi, cuối cùng khi thấy thi thể của anh H. được đưa về thì chị ôm riết, nức nở than khóc. Người phụ nữ ấy như cái xác không hồn vì không biết cuộc sống của mẹ con chị sẽ ra sao khi thiếu anh, trụ cột của cả gia đình.
Gia đình chị Hoa tổ chức tang lễ cho chồng. |
Vợ chồng anh anh Lô Văn H. và chị Kha Thị Hoa có 3 người con, trong đó người con đầu đang học lớp 7. Ở cùng với vợ chồng chị còn có người cha già 92 tuổi, bị tàn tật, câm điếc, không còn sức lao động. Vì vậy, dù rất nỗ lực làm việc nhưng cuộc sống của gia đình chỉ ở mức đủ ăn, thậm chí có những năm phải rơi xuống hộ cận nghèo.
Do gia đình chỉ có vài hecta nương rẫy, trong khi những người con đang lớn dần, nên anh H. mới bàn với vợ đi sang Lào để làm thuê kiếm tiền, gồng gánh gia đình.
“Trong bản cũng có nhiều người đi rồi. Nghe anh em trong bản nói sang đó có hơi vất vả nhưng thu nhập khá cao, nên anh H. cũng đi làm hộ chiếu để sang Lào làm cùng mọi người. Thế nhưng, mới đi được hơn 16 ngày thì mẹ con tôi nghe tin anh mất. Tiền thì chưa thấy đâu mà nay người đã không còn”, chị Hoa òa khóc.
Chị Hoa kể, do mới sang nên anh H. chưa gọi điện về kể nhiều, chị chỉ biết chồng cùng mọi người làm tại một công trường xây dựng. Công việc khá vất vả, nhưng anh H. nói chịu được nên chị cũng yên tâm. Cho đến tối 26/10, chị Hoa nhận được cuộc gọi của một số lạ, nghe máy thì mới hay tin anh H. đã tử vong vì bị điện giật khi đang làm việc. Nghe tin động trời, chị Hoa khóc nấc rồi ngất xỉu, các con chị phải gọi dân bản tới giúp đỡ.
Đến ngày 29/10, thi thể anh H. được đưa về trao cho gia đình, tổ chức tang lễ. “Gia đình hiện nay chỉ có phụ nữ, trẻ nhỏ và người già nên không thể làm gì được, mọi việc phải nhờ dân bản cùng làm ở bên đó lo liệu giúp. May mà người trong bản ở công trường đó cũng nhiều nên đã hỗ trợ đưa thi thể anh về quê nhà, nếu không tôi cũng không biết phải làm sao nữa. Tôi không biết cuộc sống của gia đình khi thiếu vắng anh sẽ phải làm sao đây”, chị Hoa nức nở.
Ông Lô Đình Thụ, Chủ tịch UBND xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn cho biết, sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương xã Hữu Lập đã đến thăm viếng, động viên gia đình nạn nhân. Hiện, thi thể người đàn ông xấu số đã được đưa về quê mai táng theo phong tục địa phương. “Gia đình chị Hoa dù đã thoát khỏi hộ nghèo, nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là hiện nay, anh H. lao động chính của gia đình đã mất. Trong nhà còn có người bố là cụ Lô Văn Nghĩa, là người tàn tật, câm điếc nay đã hơn 92 tuổi”, ông Thụ nói.
Anh Lương Văn Túng, trú bản Na, xã Hữu Lập là người đưa thi thể của anh Lô Văn H. trở về quê nhà. Anh Túng kể: “Vào chiều 26/10, có tất cả 38 công nhân làm việc tại công trường. Chủ thầu công trình này là một người Trung Quốc, hôm xảy ra tai nạn ông chủ đang về nước, chỉ có anh em công nhân tự làm. Trong lúc các công nhân đang thi công đổ bê tông thì cần cẩu vướng vào dây điện cao thế phía trên, khiến một luồng điện mạnh trên dây điện phóng xuống phía các công nhân đang thi công”.
Vụ tai nạn lao động khiến anh Lô Văn H. tử vong tại chỗ. Riêng anh Lô Văn Hợi cùng trú tại bản Na, xã Hữu Lập và một người đàn ông (chưa rõ danh tính) trú ở huyện Con Cuông bị thương nặng, hiện đang được cấp cứu tại một bệnh viện ở Lào. “Anh H. là người điều chỉnh gàu bê tông nên bị điện phóng trúng chết tại chỗ. Còn anh Hợi và 1 công nhân khác, sau một tiếng nổ lớn thì bị bỏng nặng phải nhập viện cấp cứu. Do anh H. mới sang làm nên cũng chưa có hợp đồng lao động, chỉ là lao động tự do nên không có chế độ gì.
Tuy nhiên, phía chủ đầu tư cũng có hỗ trợ một ít, còn lại thì anh em quyên góp để đưa thi thể anh H. trở về quê nhà”, anh Túng chia sẻ. Về việc này, ông Lữ Đại Xuân, Bí thư xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn cho biết thêm, đi cùng đợt với anh Lô Văn H. có 3 người ở cùng xã Hữu Lập, tất cả đều là anh em, họ hàng, là lao động phổ thông, không có tay nghề. Từ trước đến nay, trong xã cũng có rất nhiều người dân đi sang Lào làm ăn.
“Họ vốn là người dân trước nay chỉ biết làm nương, làm rẫy. Tuy nhiên vì cuộc sống khó khăn, vốn liếng làm ăn không có, nên đàn ông trai tráng ai còn có sức khỏe đều rời đi làm ăn, kiếm thu nhập cho gia đình. Biết là đi xa thì vất vả nhưng sang đó thì làm được nhiều tiền nên mọi người bất chấp. Có người làm được gửi tiền về, cũng có người phải ôm nợ”, ông Xuân nói.
Anh Ngọc
Bài đăng trên báo in Đời sống & Pháp luật Tháng số 45