Khi vợ chồng bà Xuân cưu mang Bảo Cung, cậu bé này mới ba ngày tuổi, bị tật nguyền, mang đủ bệnh tật. 8 năm ròng rã, trải qua bao nhiêu cuộc phẫu thuật, đi khắp các bệnh viện, niềm hy vọng của vợ chồng nghèo này cũng được nhen nhóm. Cậu bé đã tự ăn cơm, nói và được đến lớp. Vợ chồng bà chỉ mong sau này khuất núi, Bảo Cung có thể nuôi sống bản thân và trở thành người có ích cho xã hội.
Cặp vợ chồng có tấm lòng nhân ái đó là ông Nguyễn Trọng Vĩnh (60 tuổi) và Nguyễn Thị Xuân (50 tuổi), trú tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Mặc dù, Nguyễn Bảo Cung không phải là đứa con đứt ruột đẻ ra nhưng là đứa trẻ khiến cho vợ chồng bà Xuân lao tâm khổ tứ nhất.
Để cậu bé ăn cơm, nói từng chữ,... và có thể đến lớp đi học đó là bao mồ hôi nước mắt và tình yêu bao la vợ chồng bà Xuân dành cho đứa con không máu mủ này. Ông bà đã cưu mang cháu Nguyễn Bảo Cung khi cậu bé mới 3 ngày tuổi. Bảo Cung bị bỏ rơi ở bệnh viện, bị đa dị tật bẩm sinh, không lưỡi. Theo bà Xuân, lúc nhận bé Bảo Cung là vào một ngày cuối tháng 7/2011. Thời điểm đó, bà Xuân đang trên đường đi thu mua lươn thì nghe tin có một bé trai 3 ngày tuổi bị bỏ rơi tại bệnh viện. Mặc dù đã có 7 đứa con, đứa con gái út bị tật nguyền nhưng ông bà vẫn vội vàng xuống bệnh viện để nhận con nuôi.
Bà Xuân kể về hành trình gian nan chữa trị cho đứa con nuôi. |
Đến nơi, vợ chồng mới biết được cậu bé con của một người mẹ ở tỉnh Phú Yên. Người mẹ này đã bỏ rơi đứa bé trên hè phố. Một gia đình hiếm muộn ở Nghệ An nghe tin đã xin nhận nuôi. Thế nhưng, sau khi đưa xuống bệnh viện kiểm tra, phát hiện cháu bé bị đa dị tật bẩm sinh, sứt môi, hở hàm ếch, tắc hai dây thanh quản, nhiễm trùng nặng và không có lưỡi, họ từ bỏ. “Nhìn đứa trẻ khóc ré, cánh tay dài ngoằng giơ lên như cầu cứu, tim tôi thắt lại. Tôi đã bàn với chồng nhận đứa trẻ về nuôi. Dẫu biết là sẽ vất vả và gian nan nhưng chúng tôi không bỏ rơi nó được”, bà Xuân rưng rưng nói.
Vợ chồng bà đã dang rộng đôi tay đón đứa trẻ về nhà nuôi nấng trước sự dị nghị của người đời. May mắn cho vợ chồng bà khi nhận đứa con nuôi về nhà mấy đứa con đều ủng hộ. Mấy đứa con trong nhà đều giúp bố mẹ chăm sóc em. Vì mang nhiều bệnh tật nên Bảo Cung phải thở bằng máy. Đến ngày thứ 28, các bác sĩ quyết định tiến hành phẫu thuật mở khí quản, tìm đường thở cho cháu. Đây được đánh giá là ca mổ mở khí quản đầu tiên và thực hiện thành công trên bệnh nhi đặc biệt nhất tại bệnh viện Sản nhi Nghệ An. Nhưng ngay cả khi đã phẫu thuật mở được khí quản, thì sự sống của em vẫn rất mong manh. Bởi ngoài căn bệnh hiểm nghèo, em còn bị nhiễm khuẩn nặng, khiến cơ thể vốn đã yếu ớt càng trở nên suy kiệt. Vợ chồng bà Xuân đã phải bỏ dở mọi công việc để chăm sóc Bảo Cung.
“Có nhiều lần, các bác sĩ thông báo gia đình chuẩn bị tinh thần nhỡ trường hợp xấu nhất xảy ra. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cố gắng chữa bệnh cho cháu. Nhưng rồi như một phép màu, Bảo Cung như nghe được lời cầu nguyện của bố mẹ đã giành giật lấy sự sống. Nó lại cựa quậy, hồi sinh. Vợ chồng chúng tôi vui mừng biết bao nhiêu”, bà Xuân rơm rớm nước mắt.
Vì không có lưỡi nên việc ăn uống của cháu bé gặp rất nhiều khó khăn. Trong khoảng 3 năm đầu, Bảo Cung hoàn toàn sống bằng sữa. Bà Xuân nhẩm tính, trung bình mỗi tháng tiêu tốn hết 5 triệu đồng tiền mua sữa cho con.
“Vợ chồng tôi làm nông, thu mua thêm con lươn kiếm ít đồng tiền lời, nhà lại đông con nên cứ đầu tháng lại lo chuyện tiền sữa cho đứa út”, bà Xuân chia sẻ.
Năm lên 5 tuổi, Bảo Cung được tiến hành phẫu thuật nâng hàm tại bệnh viện Trung ương Huế. Thời gian này, vợ chồng bà Xuân phải túc trục ròng rã cả hai tháng trời để đồng hành với con. “Để thực hiện ca phẫu thuật này, vợ chồng chúng tôi đã phải vay mượn số tiền khá lớn. Rất may, biết được hoàn cảnh của Bảo Cung, các bác sĩ trong bệnh viện ai cũng thương và chữa trị tận tình”, bà Xuân rưng rưng kể lại.
Đến nay, Bảo Cung đã tự thở được bình thường. Sau khi phẫu thuật hàm, Bảo Cung bắt đầu tập làm quen với những món ăn mềm như cháo. Hiện tại, Bảo Cung đã phẫu thuật hoàn chỉnh đường thở, cất lỗ thở. Sắp tới phải tiến hành kéo được gốc lưỡi, cuống họng và chỉnh hàm, nong hàm ra. Giờ cậu bé đã phát âm được tuy nhiên chỉ nói được tiếng một, không đọc được cả câu. Đến bây giờ bà Xuân chỉ còn nhớ đã trải qua 4 cuộc phẫu thuật lớn, còn phẫu thuật nhỏ người phụ nữ này không thể nhớ nổi. 8 tuổi Bảo Cung chỉ nặng19kg.
“Khi phẫu thuật ống thở, các bác sĩ dặn Cung về chịu khó tập thở bằng mũi và miệng. Sau đó, cho hồi sức cấp cứu, thì Bảo Cung tự nhiên nôn ra máu, người tím tái. Khi đó, chúng tôi cứ tưởng cháu chết. May mắn, sau đó tỉnh, Bảo Cung đòi mẹ vào chăm. Bảo Cung không cho mẹ đi đâu, kể cả đi ăn cơm. Bố nói cho mẹ đi ăn mà Cung bảo chỉ cần mẹ lúc này thôi. Tôi nhịn một ngày, 1 đêm thâu. Sau đó, nó nói mẹ nằm xuống ôm con. Con cố gắng vượt qua nhé. Bảo Cung là đứa trẻ rất tình cảm”, bà Xuân tâm sự về khoảnh khắc cận kề với cái chết của con.
Mặc dù thương Bảo Cung nhất nhà nhưng không vì thế mà vợ chồng bà Xuân nuông chiều con. Bảo Cung cũng được ông bà rèn dạy nghiêm khắc. Bảo Cung cho biết, sẽ không đi tìm bố mẹ đẻ của mình vì trước họ đã vứt đi. Dù có tật nguyền Bảo Cung cũng không đi ăn xin mà sẽ cố gắng học hành mai này kiếm nghề. Đối với bà Xuân, từ khi nhận Bảo Cung về nuôi chưa đêm nào người phụ nữ này có được một đêm yên giấc. Hiện tại đang nợ hơn 100 triệu đồng tiền ngân hàng để phẫu thuật cho con. Nhiều người bảo bà Xuân nuôi ròng rã 8 năm trời là được nên đi gửi vào trung tâm nhờ họ nuôi.
“Công tôi nuôi 8 năm trời, mẹ biết mặt con, con biết mặt mẹ. Có chết đi tôi cũng không trao cho người khác nuôi”, bà Xuân nói.
8 năm trời ròng rã, bà Xuân đưa con đi phẫu thuật khắp bệnh viện, Bảo Cung đã nói và được đi học. Điều đó khiến cho bà Xuân rất hạnh phúc. Hành trình hoàn thiệt của Bảo Cung còn rất gian nan và vất vả. Tuy nhiên, vợ chồng bà Xuân cho biết khi nào còn sống trên đời sẽ cố gắng chữa trị cho con hoàn thiện, thành người bình thường. Vợ chồng bà chỉ mong sau này vợ chồng khuất núi, Bảo Cung có thể tự lo được cho bản thân mình thôi.
Hà Hằng
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống&Pháp luật số 26