Công ty cổ phần VNG (VNG) vừa công bố BCTC hợp nhất quý III với doanh thu thuần đạt 2.100 tỷ đồng, giảm 3,7% so với cùng kỳ.
Chi phí tài chính giảm mạnh từ mức 7,4 tỷ đồng trong quý 3/2021 xuống còn 0,69 tỷ đồng. Song khoản chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của VNG lần lượt tăng 12,2% và 29,8% so với cùng kỳ năm trước, lên 714,8 tỷ đồng và 380,1 tỷ đồng.
Thêm vào đó do chịu khoản lỗ 27,6 tỷ đồng từ công ty liên kết và lỗ khác 26,1 tỷ đồng, trừ đi chi phí về thuế, VNG báo lỗ sau thuế quý III 254,5 tỷ đồng. Đây là quý thua lỗ thứ 4 liên tiếp của VNG.
Công ty cổ phần VNG (VNG) vừa công bố BCTC hợp nhất quý III/2022.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, VNG lỗ sau thuế 764 tỷ đồng, lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 419,3 tỷ đồng. Doanh thu sau 9 tháng đạt 5.763 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, VNG đặt mục tiêu năm 2022 đạt doanh thu 10.178 tỷ đồng và lỗ sau thuế 993 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng 2022, "kỳ lân" này đạt 56,6% kế hoạch doanh thu và lỗ sau thuế tiệm cận kế hoạch dự kiến.
Kết quả kinh doanh VNG thời gian qua luôn bị bào mòn bởi khoản lỗ tại các công ty liên kết, công ty con. Trong đó, Công ty cổ phần Zion - đơn vị vận hành ví điện tử ZaloPay, lỗ khoảng 1.212,5 tỷ đồng trong năm ngoái, đánh dấu mức kỷ lục trong chuỗi thời gian kinh doanh dưới giá vốn liên tục từ năm 2016. Đây vốn được xem là mảng "đốt tiền" của VNG trong thời gian qua.
Đến cuối tháng 9 năm nay, chủ quản ZaloPay báo giá trị đầu tư vào ví điện tử này tăng 26,5% so với đầu năm, lên hơn 2.560 tỷ đồng. Tuy vậy, VNG trích lập dự phòng gần 2.270 tỷ đồng, tăng hơn 214 tỷ đồng so với giữa năm.
Hội đồng quản trị VNG vẫn xác định mục tiêu cần phát triển các dự án và cơ hội đầu tư cho công ty liên quan đến các sản phẩm về Zalo, ZaloPay, Cloud, AI... Trong đó, các mảng thanh toán, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây được xem là các lĩnh vực kinh doanh chiến lược để doanh nghiệp này "tham gia vào làn sóng công nghệ tiếp theo".
Ngoài ZaloPay, báo cáo tài chính kỳ này còn tiết lộ thêm các khoản lỗ trong công ty liên kết khác. Đến cuối tháng 9, công ty lỗ lũy kế 46 tỷ đồng tại Telio (thương mại điện tử), lỗ 21 tỷ đồng tại Funding Asia (quỹ đầu tư) và lỗ 19 tỷ đồng tại Ecotruck (logistics)... Riêng Tiki Global - đơn vị vận hành sàn thương mại điện tử Tiki, VNG đã lỗ toàn bộ hơn 500 tỷ đồng đầu tư từ giữa năm 2019 đến nay.
Trong 9 tháng qua, DealStreetAsia cũng tiết lộ VNG đang lên kế hoạch thực hiện niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ) vào cuối năm nay với 12,5% cổ phần có thể được chào bán ra công chúng.
Hồi đầu tháng 6, VNG cho biết VNG Limited dự kiến sẽ nhận chuyển nhượng 16,9 triệu cổ phần, tương đương 47,359% tổng số cổ phần của VNG từ 13 cổ đông nước ngoài. Thương vụ phải đảm bảo quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá 49%.
Ban lãnh đạo VNG đồng thời đề xuất AGM 2022 thông qua việc miễn trừ chào mua công khai đối với giao dịch chuyển nhượng cổ phần của VNG Limited – một pháp nhân mới được thành lập đầu tháng 4/2022 tại Cayman Islands. Động thái này được cho là tạo bước đệm để VNG tiến gần hơn đến cột mốc chào bán cổ phiếu ra công chúng.
Trước đó, vào tháng 8/2021, Bloomberg đưa tin VNG - một trong hai kỳ lân công nghệ của Việt Nam cùng với VNLIFE thời điểm đó cân nhắc việc niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua sáp nhập với một SPAC. Thương vụ này có thể định giá VNG ở mức 2 - 3 tỷ USD.
Mộc Miên (T/h)