Theo Báo Tuổi Trẻ đưa tin, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) chiều 8/4, ông Lê Văn Tuấn, cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, cho biết tháng 3 vừa rồi bộ tổ chức ba cuộc đấu giá đối với ba khối băng tần B1, C2 và C3.
Việt Nam đấu giá thành công sóng băng tần 5G thu lợi về hơn 10.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa.
Kết quả, Tập đoàn Viettel trúng đấu giá khối băng tần B1 (2.500 - 2.600 MHz) với giá 7.533 tỷ đồng; Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) trúng đấu giá băng tần C2 (3.700 - 3.800 MHz) với giá 2.581 tỷ đồng. Hai cuộc đấu giá thành công đã mang về cho ngân sách nhà nước tổng cộng hơn 10.000 tỷ đồng.
Riêng khối băng tần C3 (3.800 - 3.900 MHz), do chỉ có một doanh nghiệp nộp tiền đặt trước để tham gia đấu giá, nên theo quy định tại Luật Đấu giá tài sản năm 2016, không có đủ số lượng tối thiểu doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá theo quy định. Vì vậy, cuộc đấu giá khối băng tần C3 không thành công.
VTC News chia sẻ thêm về sự kiện này, sau khi có kết quả đấu giá, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phê duyệt các quyết định kết quả trong đấu giá các khối băng tần. Sau đó, theo quy định, Bộ ra thông báo về nộp tiền, cấp quyền sử dụng tần số vĩnh viễn Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, việc đấu giá thành công là điều kiện cần thiết, là tiền đề để triển khai thương mại hóa 5G trên toàn quốc trong năm 2024, cụ thể hóa mục tiêu phổ cập hạ tầng số quốc gia, thúc đẩy phát triển các ứng dụng số và hệ sinh thái dịch vụ số, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động.
H.T (T/h)