Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Viện trưởng VKSND Tối cao "điểm danh" các vụ án đặc biệt nghiêm trọng

  • Việt Hương
(DS&PL) -

Theo Viện trưởng VKSND Tối cao, tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu và môi trường tăng nhiều nhất, xảy ra trong các lĩnh vực tài chính, chứng khoán, ngân hàng, đấu thầu, mua sắm tài sản công nhằm chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn.

Báo cáo công tác của ông Lê Minh Trí - Viện trưởng VKSND vừa được gửi đến Quốc hội để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5.

Tại báo cáo (thời hạn đánh giá từ ngày 1/10/2022 đến ngày 31/3/2023), Viện trưởng Lê Minh Trí nhận định, tội phạm kinh tế diễn biến phức tạp, nổi lên là sai phạm trong các lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, đất đai, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, lợi dụng chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều vụ án tham nhũng, lợi dụng chức vụ với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp, có quy mô, tổ chức gây hậu quả đặc biệt lớn tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

VietnamNet cho hay, ông Trí dẫn chứng điển hình như vụ án Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng đồng phạm sử dụng 3 công ty thành viên phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ.

Hay vụ án Trương Mỹ Lan, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng đồng phạm phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng trăm nghìn tỷ đồng của người dân trong thời gian 2018-2019…

Ông Lê Minh Trí - Viện trưởng Viện KSND Tối cao. (Ảnh: VNN)

Viện trưởng VKSND Tối cao cũng cảnh báo tình trạng cưỡng đoạt tài sản dưới hình thức đòi nợ, đòi nợ thuê cho cá nhân, tổ chức núp bóng doanh nghiệp.

Cụ thể như vụ án Nguyễn Quốc Hùng thuê pháp nhân đứng tên Công ty TNHH Luật Việt Pháp (TP.HCM) ký hợp đồng tư vấn pháp lý với các ngân hàng, công ty tài chính thực chất là đòi nợ thuê, nhận công 20-35% số tiền đòi được, hưởng lợi hơn 73 tỷ đồng.

Vụ án công ty cổ phần kinh doanh F88 đăng ký kinh doanh cầm đồ, cầm cố tài sản, tổ chức phân công các đối tượng liên hệ, nhắn tin, đe doạ người vay, người thân của họ để đòi nợ khi không thanh toán đúng hạn…

Với tội phạm tham nhũng, chức vụ, theo ông Lê Minh Trí, đã khởi tố mới 459 vụ (tăng 109,6%). Trong đó, tiếp tục phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ án lớn, tính chất tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, có sự cấu kết chặt chẽ giữa cán bộ Nhà nước với các công ty, doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong các lĩnh vực đất đai, chứng khoán, trái phiếu, y tế, giáo dục và đăng kiểm, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Viện trưởng Lê Minh Trí chỉ ra thực tế cán bộ vi phạm pháp luật không chỉ là tội phạm tham nhũng mà nhiều trường hợp là tội phạm kinh tế, chức vụ nhưng không có yếu tố vụ lợi. Vì thế, trong chính sách hình sự cần cân nhắc sửa đổi mức hình phạt, mức tính hậu quả thiệt hại hiện nay và tăng chế tài phạt tiền, giảm chế tài phạt tù để có chính sách xử lý hiệu quả hơn, vừa nghiêm trị, vừa nhân văn, thuyết phục.

Dân trí cho hay, nói về giải pháp, Viện trưởng VKSND tối cao cho biết đã chỉ đạo người đứng đầu các cấp Kiểm sát phải đánh giá đúng khả năng công tác của mỗi cán bộ để sắp xếp, phân công, chuyển đổi vị trí công tác. Việc này nhằm khắc phục tính trì trệ, "ở quá lâu tại một vị trí, lĩnh vực công tác", qua đó phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ.

Ngành kiểm sát cũng tăng cường thanh tra đột xuất, kiểm tra theo chuyên đề, tập trung vào những lĩnh vực, khâu công tác và đơn vị còn hạn chế, yếu kém; làm rõ và xử lý vi phạm đối với cán bộ, đảng viên. Nếu thông qua kiểm tra, thanh tra của cấp trên phát hiện vi phạm và xử lý thì sẽ xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm người phụ trách, người đứng đầu đơn vị đó.

Việt Hương (T/h)

Tin nổi bật