Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vị tướng quyền lực nhất Trung Đông thiệt mạng: Phản ứng của dư luận quốc tế

(DS&PL) -

Cuộc không kích giết chết tướng Soleimani khiến hàng loạt quốc gia như Nga, Trung Quốc, Iraq và Syria đều lên án hành động của Mỹ.

Tướng Qasem Soleimani là nhân vật nổi tiếng không chỉ tại Iran mà còn trong toàn khu vực, với vai trò quan trọng trong các cuộc chiến tại Syria và Iraq.

Tư lệnh Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran Qasem Soleimani. Ảnh: AP

Theo Al Jazeera, tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, cùng chỉ huy dân quân Iraq Mahdi al-Muhandis đã thiệt mạng trong vụ không kích nhằm vào đoàn xe của quan chức tại sân bay quốc tế Baghdad sáng 3/1.

Bộ Quốc phòng Mỹ sau đó đã xác nhận thực hiện vụ không kích theo chỉ đạo của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Vụ việc khiến dư luận lo ngại có thể "thổi bùng" xung đột trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang leo thang liên quan đến diễn biến gần đây tại Iraq.

Phản ứng trước vụ việc, Nga, Trung Quốc bày tỏ quan ngại, trong khi Pháp và Đức cảnh báo tình hình nguy hiểm sau vụ không kích giết chết tướng Soleimani.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachev nói vụ không kích của Mỹ là sai lầm "dập tắt hy vọng cuối cùng về việc cứu vãn thỏa thuận hạt nhân với Iran" và có thể gây ra hậu quả.

"Iran có thể tăng tốc chế tạo vũ khí hạt nhân ngay lúc này dù trước đây họ không có kế hoạch làm điều đó", ông Kosachev nói.

Một quan chức của Bộ ngoại giao Nga nói rằng nước này coi "việc sát hại tướng Soleimani là bước đi phiêu lưu" của Mỹ.

Phía Trung Quốc bày tỏ quan ngại và "kêu gọi các bên, đặc biệt là Mỹ, bình tĩnh và kiềm chế", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng nói. "Trung Quốc phản đối sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế và gây leo thang căng thẳng trong khu vực", ông Cảnh cho biết.

Pháp là nước châu Âu đầu tiên lên tiếng về vụ không kích của Mỹ khiến tướng Suleimani thiệt mạng. "Chúng ta đang đối mặt với một thế giới nguy hiểm hơn. Leo thang quân sự đang diễn ra và luôn nguy hiểm", Thứ trưởng Ngoại giao Pháp Amelie de Montchalin nói trên đài phát thanh RTL.

Ông Montchalin cho biết các nỗ lực hòa giải khẩn cấp đang được thực hiện. "Tổng thống Emmanuel Macron và Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian đã tiếp cận với các bên trong khu vực", ông Montchalin nói.

Ảnh: Getty

Chính phủ Anh thúc giục các bên thận trọng và cho biết "xung đột leo thang không mang lại lợi ích cho chúng tôi". Ngoại trưởng Anh Dominic Raab ra tuyên bố thừa nhận "mối đe dọa từ lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran do Qasem Soleimani lãnh đạo", song không bày tỏ ủng hộ hay phản đối cuộc không kích của Mỹ.

Đức cho biết tình hình Trung Đông "leo thang nguy hiểm" và kêu gọi giải quyết các xung đột trong khu vực bằng biện pháp ngoại giao. "Vụ không kích của Mỹ là phản ứng với một loạt hành động khiêu khích quân sự của Iran như vụ tấn công hai cơ sở dầu khí của Arab Saudi và các tàu chở dầu trong khu vực", phát ngôn viên chính phủ Đức Ulrike Demmer nói.

Iraq, quốc gia đồng minh với Mỹ ở Trung Đông, đã lên tiếng chỉ trích cuộc không kích của Mỹ trên lãnh thổ nước này là "hành vi gây hấn chống lại đất nước, chính phủ và người dân Iraq". Thủ tướng Abdul Mahdi hôm nay ra tuyên bố cho biết việc thủ tiêu những người nắm vị trí quan trọng tại Iraq và "một quốc gia anh em" trên lãnh thổ nước này là "sự vi phạm chủ quyền nghiêm trọng".

Syria lên án mạnh mẽ và gọi vụ không kích của Mỹ là "hành động xâm lược vô đạo đức", cảnh báo tình hình trong khu vực "leo thang nguy hiểm". Bộ Ngoại giao Syria cho rằng cuộc tấn công tái khẳng định Mỹ chịu trách nhiệm đối với tình hình bất ổn của Iraq và "là một phần trong chính sách của họ nhằm tạo ra căng thẳng cùng kích động xung đột tại các quốc gia trong khu vực".

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rút ngắn chuyến thăm Hy Lạp và trở về nước để theo dõi tình hình sau vụ không kích. Quân đội Israel buộc một khu nghỉ mát trượt tuyết tại núi Hermon trên Cao nguyên Golan đóng cửa và chưa có biện pháp phòng ngừa khác.

Chân dung vị tướng Soleimani 

Ông Soleimani đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng của Iran tại Trung Đông, nơi Mỹ và các đối thủ của Iran trong khu vực như Ả rập Xê út hay Israel cũng tìm cách thiết lập ảnh hưởng.

Tướng Soleimani sinh ngày 11/3/1957 tại làng Qanat-e Malek, tỉnh Kerman, trong một gia đình nông dân nghèo. Thời trẻ, ông đã chuyển tới thành phố Kerman và làm công nhân xây dựng để kiếm tiền trả nợ thay cha.

Trong giai đoạn cách mạng Iran vào năm 1979, ông Soleimani đã bắt đầu chứng minh năng lực của mình trong lực lượng quân đội Iran.

Ông Soleimani được cho là chỉ mất 6 tuần huấn luyện chiến thuật trước khi tham gia cuộc chiến đầu tiên tại tỉnh West Azerbaijan của Iran. Ông bắt đầu nổi lên như một anh hùng dân tộc trong cuộc chiến Iran - Iraq vì những chiến dịch do ông dẫn đầu dọc biên giới của Iraq.

Ông Soleimani chiến đấu ở tiền tuyến với vai trò đại đội trưởng đơn vị gồm các binh sĩ đến từ tỉnh Kerman được chính ông tuyển chọn và huấn luyện.

Ông nhanh chóng được cấp trên chú ý vì sự dũng cảm và được thăng cấp nhờ vai trò quan trọng trong các chiến dịch nhằm giành lại lãnh thổ bị quân đội Iraq chiếm. Ông Soleimani trở thành sư đoàn trưởng Sư đoàn số 41 Sarallah khi chưa đầy 30 tuổi và tiếp tục góp mặt trong nhiều cuộc phản kích của IRGC.

Tướng Soleimani bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố và trở thành mục tiêu săn lùng của CIA và Mossad của Israel. Ảnh minh họa: Tim McDonagh

Sau chiến tranh, ông được triển khai tới biên giới phía đông Iran để đối phó nạn buôn ma túy từ Afghanistan. Ông Soleimani trở thành tư lệnh đặc nhiệm Quds vào năm 1998 và giữ vị trí này tới khi thiệt mạng.

Năm 1999, ông Soleimani cũng đã ngăn chặn thành công một cuộc đảo chính ở Iran nhằm chống lại Tổng thống Mohammad Khatami.

Ông cũng hoạt động bên ngoài lãnh thổ Iran, với việc hỗ trợ quân sự cho lực lượng người Kurd ở Iraq, phong trào Hezbollah ở Lebanon và Hamas tại Palestine.

Năm 2012, tướng Soleimani đã hỗ trợ chính phủ Syria, một đồng minh chủ chốt của Iran, chống lại các nhóm phiến quân trong cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông này. Ông được cho là có công lớn trong việc xây dựng và thành lập lực lượng Quốc phòng Quốc gia (NDF) ở Syria, góp phần giúp chính phủ Bashar al-Assad đảo ngược tình thế trong cuộc chiến với phe đối lập.

Dù rất được các nhóm phiến quân chống Mỹ tôn sùng, tướng Soleimani bị Washington liệt vào danh sách khủng bố và trở thành mục tiêu săn lùng của tình báo CIA của Mỹ và Mossad của Israel.

"Soleimani là nghệ sĩ rối tuyệt vời. Ông ấy ở khắp mọi nơi và chẳng ở đâu cả. Mọi thứ đều có thể đổ tội cho Soleimani", giáo sư Toby Dodge thuộc Đại học Kinh tế và Khoa học chính trị London mô tả chỉ huy Quds hồi năm 2014.

Tướng Soleimani nhiều lần bị đồn là đã thiệt mạng, liệu lần này có phải là sự thật? Ảnh: AP

Dù nắm giữ quyền lực rất lớn tại Trung Đông, ông Soleimani lại rất hiếm khi xuất hiện trước công chúng và gần như luôn biến mất trong đám đông. Điều này khiến nhà báo Dexter Filkins của New Yorker đặt cho ông Soleimani biệt danh "tư lệnh ngầm".

Ông Suleimani thường chỉ có mặt tại những sự kiện dành cho cựu chiến binh hoặc gặp lãnh đạo Khamenei. Ông không có vẻ nổi bật và gần như không bao giờ nói to. Dù vậy, nó lại mang đến sức cuốn hút với những người xung quanh.

"Ông ấy thấp bé nhưng sự hiện diện của Soleimani luôn được mọi người chú ý. Tư lệnh đặc nhiệm Quds sẽ không ngồi cùng đám đông, mà lặng lẽ chọn góc đối diện trong căn phòng. Ông ấy không phát biểu hay bình luận, mà chỉ ngồi nghe. Tuy nhiên, chính điều đó lại khiến tất cả mọi người phải nghĩ tới ông ấy", một cựu quan chức Iraq tiết lộ.

Dù luôn bị phương Tây chỉ trích, ông Soleimani được coi là anh hùng hoàn hảo trong mắt người Iran vì những thành tích trong cuộc chiến với Iraq. 

Mộc Miên (T/h)

Tin nổi bật