Đã bước sang ngày kiểm phiếu thứ 4 của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, lợi thế đang nghiêng về phía đại diện đảng Dân chủ Joe Biden. Dưới đây lý do khiến ông Trump thất thế trong cuộc đua này.
Theo Ram Madhav, thành viên Hội đồng Thống đốc Ấn Độ, cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 nhìn chung là "về Tổng thống Mỹ Donald Trump". Dù chiếm lợi thế với vị trí tổng thống đương nhiệm, vốn đã gây nhiều ấn tượng với các cử tri, song cánh cửa vào Nhà Trắng của ông Trump đang dần khép lại khi liên tiếp bị đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden dẫn trước ở những bang chiến địa quan trọng.
Nhận định về vấn đề trên, ông Ram Madhav cho biết, kết quả và những số liệu hiện tại đã chỉ ra rằng người dân Mỹ không muốn ứng viên đảng Cộng hòa có thêm một nhiệm kỳ lãnh đạo đất nước nữa. Điều này có khả năng đưa ông Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên sau 20 năm không thể tái đắc cử.
Tổng thống Trump hiện đang thất thế trong cuộc đua vào Nhà Trắng, cơ hội tái đắc cử của ông ngày một thu hẹp. Ảnh: NPR |
Ông Madhav viết: "Ông Trump đã mang một tinh thần chiến đấu vô cùng lớn. Ông đã đối đầu cùng lúc với ông Joe Biden, đảng Dân chủ, giới truyền thông và cả những người chỉ trích mình. Trong khi đó, cuộc chiến ở phía ông Biden có vẻ nhẹ nhàng hơn".
Theo đó, nhà phân tích Ấn Độ chỉ ra, cách Tổng thống Trump cùng đội ngũ của ông xử lý đại dịch COVID-19 đã trở thành chủ đề chính để đảng Dân chủ nhắm tới công kích.
Dưới sự lãnh đạo của ông Trump, nước Mỹ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đáng nói nhất đó là nền kinh tế được cải thiện và vực dậy đáng kể. Dù nhiều người tin vào năng lực chèo lái nên kinh tế của tổng thống Mỹ, nhưng phần lớn còn lại vẫn nghi ngờ khả năng đối phó với đại dịch của ông, vốn đã khiến hơn 11 triệu người Mỹ rơi vào cảnh thất nghiệp trong 8 tháng qua.
Nhà phân tích nhận xét: "Sai lầm lớn nhất của ông Trump là việc ông ấy không thể xây dựng một bộ máy hiệu quả. Một đất nước có tầm vóc như Mỹ không thể hoạt động nếu thiếu bộ máy lãnh đạo".
Chỉ trong 4 năm nhiệm kỳ đầu tiên, văn phòng bộ Quốc phòng đã thay thế liên tục tới 5 vị bộ trưởng. Trong đó, người nắm quyền hạn ngắn nhất là ông Richard Spencer trong thời hạn vỏn vẹn 8 ngày. Bản thân Bộ trưởng đương nhiệm Mark Esper cũng có nhiều mâu thuẫn đối với tổng thống Mỹ trong các chính sách liên quan tới quân sự. Chưa dừng lại ở đó, ông Trump còn thay tới 6 cố vấn an ninh, có những người chỉ ở cạnh ông làm việc được vài ngày. Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross là người duy nhất tại vị toàn nhiệm kỳ.
Rất nhiều quan chức cũ của Nhà Trắng rời đi với sự bất mãn và phản đối tổng thống Mỹ. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa ông Trump và thành viên đảng Cộng hòa cũng không mấy tốt đẹp. Minh chứng rõ ràng nhất chính là phong trào Lincoln của các đảng viên Cộng hòa được thành lập để phản đối ông chủ Nhà Trắng tái đắc cử.
Điều này đã khiến ông dường như cô độc trong chính trường Mỹ. Đây được xem là lý do lớn nhất khiến ông Trump thất thế trong cuộc bầu cử năm nay.
Về phía ông Joe Biden, nhiều cầu hỏi cũng đã đặt ra về những gì ông có thể làm và liệu ông ấy có thể sửa chữa những sai lầm mà tổng thống đời trước đã gây ra?
Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, liên minh đảng Dân chủ Biden-Harris từng nói rằng ưu tiên hàng đầu của họ sau khi đắc cử là xử lý dịch bệnh, vấn đề chủng tộc và nền kinh tế Mỹ. Nhưng không chỉ có vậy, thách thức lớn nhất đối với đại diện đảng Dân chủ là việc tạo ra những thay đổi lớn trong trường quốc tế, khác vời thời kỳ ông Trump lãnh đạo.
Đầu tiên là mối quan hệ với Trung Quốc. AP cho biết, Bắc Kinh từng hy vọng có thể cải thiện quan hệ với Washington nếu ông Biden đắc cử, giảm bớt căng thẳng trong các vấn đề như cuộc chiến thương mại, thuế quan... Nếu ông Biden đắc cử, có thể ông sẽ giúp xoa dịu những căng thẳng trước đó. Ngoài ra, quan hệ giữa Mỹ với Nga cũng là một điểm đáng chú ý trong 4 năm nhiệm kỳ tới.
Bên cạnh đó, thách thức của tân tổng thống còn nằm ở cách ông sửa chữa quan hệ của Mỹ với các nước đồng minh, đặc biệt là khu vực Đại Tây Dương. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) và thỏa thuận với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có vẻ sẽ được đưa trở lại bàn đàm phán.
Một vấn đề là việc khôi phục chỗ đứng của Mỹ tại Liên hợp quốc. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Trump đã rút, hoặc dọa rút khỏi nhiều hiệp ước quốc tế bao gồm thỏa thuận hạt nhân Iran và hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu. Ông Biden từng tuyên bố sau cuộc bầu cử rằng ông sẽ đưa Mỹ trở lại hiệp ước Paris sau khi nhậm chức.
Ông Madhav nhận định, với mong muốn "khiến Mỹ trở nên vĩ đại thêm một lần nữa", ông Trump có lẽ đã quá vội vàng ưu tiên phát triển kinh tế mà khiến vị thế của Mỹ trong trường quốc tế sụt giảm đáng kể. Đó là lý do thứ 2 khiến người dân không thể tín nhiệm ông thêm một lần nữa.
Minh Hạnh (Theo Indian Express, AP)