Vào năm 2023, Trung Quốc sẽ mất một lượng lớn đơn đặt hàng ngoại thương, các nhà máy lớn sẽ phải đối mặt với tình trạng sa thải nhân công khi chuỗi cung ứng của Apple có thể rút khỏi nước này. Thậm chí, Các nhà cung cấp nhiều khả năng sẽ dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc nhanh hơn nhiều so với dự đoán của các chuyên gia.
Các nhà cung cấp Apple được cho là đang đẩy nhanh quá trình dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Ảnh minh hoạ: 163
Theo Bloomberg, một đối tác sản xuất của Apple sẽ chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc do căng thẳng chính trị Mỹ-Trung leo thang. Công ty này cho biết đang đầu tư thêm 280 triệu USD vào một nhà máy mới ở Việt Nam, đồng thời cũng cân nhắc thêm việc mở rộng sản xuất sang Ấn Độ.
CEO của công ty này cho biết các công ty công nghệ Mỹ đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng. "Bắt đầu từ tháng trước, ngày nào cũng có rất nhiều khách hàng đến công ty chúng tôi. Trong đó, chủ đề thảo luận chính thường liên quan đến vấn đề chuyển nhà máy", ông nói.
Bloomberg nhận định căng thẳng Mỹ-Trung đang thúc đẩy quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp điện tử. Sự phụ thuộc của thế giới vào Trung Quốc trở nên rõ ràng trong những năm dịch bệnh, khi các hạn chế của chính phủ nước này đã gây ra hạn chế nguồn cung.
Các nhà cung cấp của Apple hiếm khi bình luận về suy nghĩ của họ, một phần là do công ty Mỹ nổi tiếng trong việc giữ bí mật chuỗi cung ứng toàn cầu của mình.
Được biết, 9 trong số 10 nhà cung cấp quan trọng nhất của Apple cũng đang lên kế hoạch chuẩn bị di cư quy mô lớn đến các quốc gia khác như Ấn Độ, nơi đã đưa ra các ưu đãi để thu hút sản xuất.
Nhà cung cấp Jabil của Apple đã bắt đầu sản xuất linh kiện cho AirPods ở Ấn Độ, mở đường cho việc sản xuất một phần sản phẩm thứ hai của Apple sau iPhone. Jabil hiện đang điều hành một cơ sở rộng 858.000 foot vuông (80.000 m2) sử dụng hơn 2.500 công nhân ở Pune, miền tây Ấn Độ. Công ty đã bắt đầu vận chuyển vỏ AirPods hoặc thân máy bằng nhựa đến Trung Quốc và Việt Nam, nơi Apple lắp ráp tai nghe không dây.
Rõ ràng, Apple tích cực tập trung vào việc giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, nơi đang bị cản trở bởi các hạn chế thương mại của Mỹ và sự gián đoạn liên quan đến COVID-19.
Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc cho rằng, việc Apple rời khỏi quốc gia tỷ dân là vì cần một thị trường rẻ hơn cho sự phát triển của mình trong tương lai.
Theo hãng tin 163 của Trung Quốc, trong hai năm qua, ngành sản xuất ở Đông Nam Á bắt đầu phát triển nhanh chóng, trong khi Ấn Độ cũng có số lượng lao động dồi dào, có thể cung cấp nhiều lao động hơn cho các nhà máy, giá thành cũng rẻ hơn.
Trước đây, Apple chọn Trung Quốc là khu vực có chuỗi cung ứng lớn nhất thế giới vì ngành sản xuất trong nước có chiều sâu và giá rẻ. Tuy nhiên, trình độ phát triển kinh tế của Trung Quốc đã được cải thiện qua từng năm và tiền lương của lực lượng lao động nước này cũng được cải thiện đáng kể, điều này khiến ngành sản xuất của Trung Quốc mất đi lợi thế.
Tuy nhiên, 163 nhận định, đối với Apple, thị trường Trung Quốc có tiềm năng lớn và còn nhiều dư địa để phát triển, hãng có thể kiếm được rất nhiều tiền ở Trung Quốc hàng năm. Theo thống kê, doanh số bán hàng tại thị trường Trung Quốc chiếm 1/4 tổng doanh số bán hàng của Apple và việc hãng này rút khỏi thị trường Trung Quốc là "điều gần như không thể".
Hơn nữa, so với Ấn Độ, các nhà máy của Trung Quốc có lợi thế về công nghệ hơn, sau nhiều năm phát triển, công nghệ sản xuất của Trung Quốc đang có xu hướng dẫn đầu thế giới. "Nếu chỉ bắt đầu từ nhân công giá rẻ, cuối cùng Apple có thể bị lỗ nặng", 163 bình luận.
Hoa Vũ (Theo Bloomberg, 163)