Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vì sao các doanh nghiệp đua nhau bán lợn “không lợi nhuận”?

(DS&PL) -

Loạt doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn trong nước như Dabaco, Mitraco, Hòa Phát hay C.P Vietnam... mới đây đều báo lãi "khủng".

Loạt doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn trong nước như Dabaco, Mitraco, Hòa Phát hay C.P Vietnam... mới đây đều báo lãi "khủng". Tuy nhiên, sau đó, giá thịt lợn hơi tại các địa phương đồng loạt giảm mạnh, kéo giá mặt hàng này tại chợ cũng dần hạ nhiệt, và các "ông lớn" trong ngành bán lẻ cũng đua nhau bán hàng không lợi nhuận.

Thị trường giá thịt lợn đang dần ổn định.

Giá lao dốc

Sau một thời gian neo ở mức cao, những ngày gần đây giá thịt lợn trên cả nước có xu hướng giảm mạnh. So với hồi cuối tháng Bảy, giá lợn hơi xuất chuồng giảm khoảng 7.000 - 10.000 đồng/kg tùy loại.

Tại thị trường miền Bắc, lợn hơi lao dốc trong ngày đầu tuần mới, có nơi giảm đến 4.000 đồng/kg. Lượng thịt lợn những ngày gần đây từ trang trại cũng như hộ chăn nuôi đổ ra thị trường nhiều do người chăn nuôi lo sợ dịch tả. Lợn hơi khu vực phía Bắc đang giao dịch trong khoảng 80.000 - 84.000 đồng/kg, lợn đẹp mới có giá 86.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Trung và miền Nam, dù neo giá cao hơn các tỉnh phía Bắc, song giá lợn cũng dần hạ nhiệt, giảm còn 80.000 - 86.000 đồng/kg.

Lãnh đạo một doanh nghiệp chăn nuôi lớn tại Việt Nam cho hay, đơn vị này đã giảm giá lợn hơi xuất chuồng xuống 80.500 đồng/kg, giá thịt lợn mảnh bán sỉ giảm còn 102.000 đồng/kg để phù hợp với thị trường giữa lúc sức mua giảm sút. Dịp này, các "ông lớn" trong ngành bán lẻ ở nước ta cũng đua nhau giảm giá, thậm chí cam kết bán thịt lợn không lợi nhuận.

Nguyên nhân giá lợn giảm được các chuyên gia phân tích là do sản phẩm lợn tái đàn bắt đầu được tung ra thị trường. Đồng thời, sau khi bộ NN&PTNT cho phép nhập khẩu heo sống từ Thái Lan để giết mổ làm thực phẩm, nguồn cung thịt heo tăng lên.

Báo cáo của các sở NN&PTNT địa phương cho thấy, đã tái đàn được khoảng 80% so với tổng đàn thời điểm trước dịch. Dự kiến từ cuối quý này sang đầu quý sau, nguồn cung thịt lợn, nhất là sản phẩm lợn tái đàn sẽ đáp ứng được cơ bản nhu cầu thịt lợn trên thị trường.

Đại gia nuôi lợn lãi lớn

Mới đây, loạt doanh nghiệp chăn nuôi heo lớn trong nước như C.P Vietnam, Dabaco, Mitraco, Dolico... đều lần lượt báo lãi "khủng". Đầu tiên phải kể đến C.P Vietnam - một doanh nghiệp với quy mô áp đảo tại thị trường trong nước.

Báo cáo nửa đầu năm của C.P Group cho thấy giá thịt lợn tăng 84% kể từ đầu năm đã giúp cho doanh thu C.P Việt Nam tăng mạnh 35% đạt 52,49 tỷ THB (gần 39.000 tỷ đồng).

Cụ thể, doanh thu mảng gia súc tại thị trường Việt Nam tăng 42% lên 43,35 tỷ THB, trong khi mảng nuôi trồng thủy sản tăng chậm hơn với 11% lên 9,14 tỷ THB. Còn xét theo chuỗi giá trị Feed- Farm-Food, doanh thu từ Farm (chăn nuôi thịt lợn, gia súc, thủy sản...) chiếm 70% doanh thu toàn thị trường Việt Nam, đạt 36,75 tỷ THB và cũng là mảng có mức tăng trưởng cao nhất lên đến 60%.

Một doanh nghiệp chăn nuôi lớn tại miền Bắc là tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) ghi nhận doanh thu thuần tăng 40% lên hơn 4.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cao kỷ lục hơn 750 tỷ đồng, gấp hơn 27 lần bán niên 2019. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) nửa đầu năm đạt 7.160 đồng.

Bóc tách từng mảng, hoạt động sản xuất con giống, chăn nuôi và chế biến thực phẩm khác có lợi nhuận trước thuế hơn 676 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 54 tỷ) nhờ hưởng lợi từ giá heo tăng cao; trong khi mảng bán thức ăn chăn nuôi có lợi nhuận tăng 55% lên 185 tỷ đồng.

Dabaco hiện có hệ thống các trang trại nuôi giữ, lai tạo lợn giống gốc cụ kỵ, ông bà thuộc các giống được nhập khẩu từ Canada, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Mỹ... và sản xuất con giống hạt nhân, giống bố mẹ, giống thương phẩm, tinh lợn cung cấp cho hệ thống chăn nuôi gia công của tập đoàn và bán ra thị trường. Ngoài lợn, tập đoàn này còn có trại gà giống bố mẹ được nhập khẩu từ Pháp.

Dù không có quy mô lớn, công ty Chăn nuôi - Mitraco (UPCoM: MLS) lại bất ngờ có tỉ suất sinh lời trên vốn rất cao. Doanh thu thuần bán niên tăng 80% lên gần 200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cải thiện mạnh lên 56 tỷ đồng (từ mức lỗ 20 tỷ cùng kỳ năm trước). Chỉ số EPS đạt đến 13.923 đồng, gần gấp đôi Dabaco.

Mitraco được thành lập vào năm 2004 với 2 trung tâm sản xuất lợn giống chất lượng cao tại Hà Tĩnh, quy mô tổng tài sản chỉ khoảng 115 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh tích cực giúp chất lượng nguồn vốn được cải thiện đáng kể khi doanh nghiệp đã chuyển từ lỗ lũy kế gần 50 tỷ đồng hồi đầu năm sang có lợi nhuận chưa phân phối gần 6 tỷ đồng.

Chăn nuôi Phú Sơn (UPCoM: PSL) cũng vừa thoát lỗ lũy kế khi có lãi bán niên gần 50 tỷ đồng, gấp 12 lần cùng kỳ năm 2019. Doanh thu công ty nuôi lợn tại Đồng Nai này tăng 39% lên 101 tỷ đồng.

Kế hoạch cho quý III, Phú Sơn đặt mục tiêu doanh thu 35 tỷ đồng, tiêu thụ 17 tấn lợn giống, 325 tấn heo thịt và có lợi nhuận thêm 16 tỷ đồng. Công ty có quy mô đàn lợn có mặt thường xuyên khoảng 32.000-35.000 con, ngoài ra còn có trại gà và đàn cá sấu.

Nông Súc Sản Đồng Nai (Dolico,UPCoM: NSS) thông báo tổng doanh thu nửa đầu năm đạt 170 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thu về hơn 70 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch năm (34,6 tỷ). Tỉ suất lợi nhuận trước thuế/vốn điều lệ đạt hơn 80%. Đây cũng là mức lãi cao hơn nhiều so với các năm trước đó.

Dù mảng kinh doanh chính là thép xây dựng, Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) thông qua công ty Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát, tập đoàn đang kinh doanh các mảng thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi lợn, bò và gia cầm.

Doanh thu mảng nông nghiệp tăng 42% trong nửa đầu năm đạt hơn 5.043 và là mảng có đóng góp lớn thứ 2 chỉ sau thép (đóng góp tỷ trọng gần 13%). Lợi nhuận sau thuế bán niên đạt hơn 841 tỷ đồng, gấp 7,7 lần cùng kỳ năm 2019.

MAI HOA

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật kỳ 2 số Chủ Nhật (34)

Tin nổi bật