Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Văn hóa từ chức nhìn từ triết lý “tàu lá chuối” của Bí thư Nguyễn Sự

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Thông tin ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An (tỉnh Quảng Nam) “treo ấn” về hưu sớm khiến cho dư luận hết sức bất ngờ.

(ĐSPL) - Thông tin ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An (tỉnh Quảng Nam) “treo ấn” về hưu sớm khiến cho dư luận hết sức bất ngờ vì ông rất được người dân và tổ chức tín nhiệm.

Có người xem đây là chuyện hi hữu và bất thường. Tuy nhiên, cũng không ít người còn ca ngợi việc từ chức về hưu của vị Bí thư Thành uỷ Hội An là hành động rất đáng ghi nhận. Lý giải về câu chuyện này, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc từ chức của ông Nguyễn Sự được xem là chuyện bất thường chứ không phải... bình thường.

[mecloud]kGanlDQzGn[/mecloud]

Hành động bình thường hay... bất thường?

Câu chuyện ông Nguyễn Sự từ chức nếu xét trong văn hoá "quan trường" của Việt Nam từ suốt chiều dài lịch sử thì không có gì lạ. Chúng ta từng biết đến những vị quan thanh liêm như Chu Văn An, Phan Huy Chú, Nguyễn Siêu... cùng nhiều tên tuổi khác nữa vì nhiều lý do mà xin về hưu. Và đặt trong bối cảnh của thế giới từ cổ chí kim thì việc này cũng là chuyện bình thường.

Tuy nhiên, việc ông Nguyễn Sự “treo ấn” từ quan mấy ngày qua được dư luận chú ý và xem đó là một chuyện hi hữu đang cho thấy một sự "bất thường" văn hóa "quan trường" hiện nay.

Hình ảnh giản dị đạp xe đạp đi làm hằng ngày của ông "treo ấn" Nguyễn Sự.

Được biết, trước khi xin nghỉ, ông Nguyễn Sự đã có hai nhiệm kỳ ấn tượng trên cương vị Bí thư Thành uỷ Hội An và được ghi nhận có đóng góp lớn đối với sự phát triển của thành phố cổ này. Với những quyết định đầy bất ngờ nhưng hết sức đúng đắn trong việc tôn tạo giữ gìn nhà cổ, khởi xướng cho những dự án đêm phố cổ, phố không động cơ xe máy, treo đèn lồng trên phố... đã đưa Hội An trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất châu Á.

Người dân ở Hội An đã quen với hình ảnh của một vị lãnh đạo sâu sát, gần dân. Họ cũng đã quen với những quyết định cấp tiến và tin tưởng ở sự sáng suốt từ những quyết định đến từ vị Bí thư này. Chẳng hạn, ông đưa ra chủ trương Cù lao Chàm không sử dụng túi nilon sau chuyến đi công tác tại Cù lao Chàm vào tháng 5/2012. Nhờ quyết định trên, san hô và các sinh vật dưới lòng biển được hồi sinh và phát triển. Cù lao Chàm được công nhận là khu Dự trữ sinh quyển thế giới, đồng thời trở thành điểm hấp dẫn du khách hiện nay.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Phan Hồng, Chủ tịch hội Nông dân phường Cẩm Châu, TP.Hội An cho biết, trong thời gian làm lãnh đạo, ông Sự có những đóng góp rất lớn cho sự phát triển của du lịch thành phố. Bằng nhiều quyết định đúng đắn, ông đã góp phần giúp Hội An trở thành một thành phố du lịch chuyên nghiệp.

Ông Nguyễn Sự còn được biết đến là một lãnh đạo không hề ngại “va chạm” để bảo vệ chính kiến của mình. Nhờ những quyết định sáng suốt, năm 2001, ông được UNESCO trao giải thưởng kiệt xuất về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa khu phố cổ Hội An; Năm 2005, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; Năm 2012, được trao giải thưởng “Văn hóa Phan Chu Trinh”.

Có lẽ phần thưởng lớn nhất của ông Nguyễn Sự đó chính là sự tín nhiệm và tin yêu của người dân Hội An và được người dân cả nước biết đến về hình mẫu của một “công bộc” gần dân và tràn đầy năng lực. Khi quyết định từ chức, ông Nguyễn Sự đưa ra một lý do rất đơn giản: “Nhường đường cho thế hệ trẻ phát triển”.

Hành động của ông Nguyễn Sự được bàn luận sôi nổi. Trong bối cảnh nhiều người chạy đua để giữ chức, giữ ghế thì quyết định của ông Nguyễn Sự khiến nhiều người phải suy nghĩ. Sau khi nghe tin, nhiều người dân Hội An đến gặp ông bày tỏ nguyện vọng muốn ông làm lãnh đạo lâu hơn nữa. Tuy nhiên, sau khi nghe ông chia sẻ, họ đã hiểu và cảm ơn về những đóng góp của ông đối với thành phố này.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, GS.TS Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc học viện Hành chính Quốc gia cho rằng: “Được biết, Bí thư TP.Hội An lần từ chức này không phải là lần đầu. Xét về khoa học chính trị, nếu còn ít thời gian nữa là hết nhiệm kỳ thì việc xin từ chức (lần đầu) được cho là “khôn ngoan”.

Thực tế, người đó có giữ ghế cũng khó nhận được lá phiếu của cử tri. Bởi vậy, cách an toàn nhất đó là xin từ chức, luân chuyển sang vị trí mới. Còn trường hợp từ chức của ông Nguyễn Sự rất đáng trân trọng vì trước đó ông này đã nhiều lần làm đơn và ý định này đã có từ cách đây vài năm. Việc từ chức của ông Sự được nhiều người quan tâm bởi ở ta, việc từ chức được xem là việc làm khá nặng nề, còn phương Tây thì đó là việc bình thường. Thực tế, ở ta chức tước, địa vị được xem là một cái gì đó to tát lắm, quyền lực lắm, bởi vậy ai cũng cố giữ lấy. Chính vì vậy, hành động từ chức của ông Sự lẽ ra bình thường lại trở thành bất thường”.

Văn hóa từ chức đang ở đâu?

Xung quanh chuyện ông Nguyễn Sự từ chức, trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương cho rằng: “Hành động của ông Nguyễn Sự rất đáng hoan nghênh. Đó là một hành động xuất phát từ nhận thức đúng đắn về tính hiệu quả trong công việc và nghệ thuật dùng người vì lợi ích chung.

Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương.

Lẽ ra, việc từ chức của quan chức là hết sức bình thường, không có gì phải quan tâm, bởi anh làm chỉ được thế thôi, đến lúc làm không hiệu quả nữa thì từ chức, hay anh làm chưa tốt cũng nên từ chức. Còn ở ta, việc từ chức nhiều người xem là bất bình thường, xem như một chuyện lạ và thậm chí còn nghi ngờ phải chăng có vấn đề gì mới phải từ chức. Đáng trân trọng đó là ông Sự “từ quan” không phải gần hết nhiệm kỳ, mà việc này ông Bí thư đã có ý định từ trước, cách đây vài năm. Nếu gần hết nhiệm kỳ mới xin về thì lại một nhẽ khác”.

Cũng theo ông Nguyễn Đình Hương, qua việc làm của ông Sự cho thấy, đây là một tín hiệu tốt để những ai đang ngồi trong bộ máy công quyền tự soi lại mình đã làm được gì cho nhân dân, cho đất nước mà thấy xấu hổ.

Sở dĩ văn hóa từ chức ở ta hiếm cũng bởi chiếc ghế quyền lực thường kèm theo những bổng lộc đối với những cán bộ tha hóa về đạo đức, làm việc không lấy dân, lấy lợi ích đất nước làm trọng mà vì tư lợi. Đã đến lúc văn hóa từ chức cần được phát huy một cách tự giác của người cán bộ, có như thế đất nước mới phát triển.

Liên quan đến vấn đề này, nhà xã hội học, TS.Phạm Bích San nhận định: “Không chỉ bản thân tôi mà đông đảo người dân đánh giá rất cao những việc làm của Bí thư TP.Hội An. Tôi chưa tiếp xúc với ông Sự, nhưng qua việc ông từ chức cho thấy ông là một người có lòng tự trọng, thẳng thắn, làm việc một cách nghiêm túc suốt nhiều năm qua.

Theo tôi, ông Nguyễn Sự nghỉ hưu không phải do quản lý có vấn đề mà ông ý thức được khi thấy nhiệm vụ mà nhân dân giao phó khó đạt hiệu quả như mong đợi. Ông Nguyễn Sự là tấm gương lớn, bởi hiện không ít người có tư tưởng cố hữu cứ bám vào ghế “quan chức” để trục lợi cá nhân”.

“Tôi không muốn là tàu lá chuối”

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Sự đã tóm tắt lý do nghỉ hưu của mình trong triết lý “tàu lá chuối” một cách đơn giản nhưng sâu sắc: “Trong khi những cây khác lá vàng tự động rụng xuống cho lá xanh vươn lên thì tàu lá chuối luôn bám chắc vào thân cây khi đã héo quắt. Những tàu lá chuối héo bám chắc đến nỗi nếu muốn bứt nó ra thì phải cắt bỏ.

Tôi không muốn làm một tàu lá chuối. Ở lâu trên cương vị thì có nhiều kinh nghiệm nhưng sẽ không còn nhanh nhạy, chậm theo kịp cái mới. Mình tiếp tục ngồi lại sẽ cản đường anh em, khiến họ không có cơ hội thử sức, sáng tạo, cống hiến và phát triển”.

V.CHƯƠNG - T.PHÚC - Q.HUY 

Xem thêm video:

[mecloud]cgHhc1FOvG[/mecloud]

Tin nổi bật