Chờ hướng dẫn của UBND Tp.Hà Nội
Hiện nay, các trường đại học trên địa bàn Thủ đô vẫn đang triển khai việc học trực tuyến và chờ sự hướng dẫn của UBND Tp.Hà Nội để xây dựng kế hoạch cho sinh viên tới trường.
Việc đi học của sinh viên vẫn phải chờ quyết định của nhiều bên.
Trao đổi với ĐS&PL, PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: “Việc cho sinh viên đi học lại phụ thuộc vào quy định của Thành phố. Trường chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn sàng về điều kiện y tế, cơ sở vật chất để đón các em, tuy nhiên vẫn cần phải theo sự hướng dẫn của cấp trên. Theo tình hình hiện tại, ít nhất nếu các bạn học sinh THPT được đi học thì chúng tôi mới có thể xem xét triển khai học trực tiếp.
Nhà trường cũng đã làm việc với cơ sở y tế của Quận về vấn đề hỗ trợ tiêm vắc-xin cho sinh viên, các sinh viên nội trú cũng đã được tiêm 100%. Tuy nhiên, tiêm chủng chỉ là một trong những yếu tố để quyết định việc học trực tiếp của trường, vì các em ở các tỉnh thành cũng chưa được tiêm đầy đủ”.
Cùng thông tin về vấn đề trên PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Hiệu Phó trường Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ: “Trường chúng tôi mới triển khai cho các em sinh viên tại Hà Nội được đến trường làm thí nghiệm phục vụ cho học tập. Còn về kế hoạch cụ thể cho việc trở lại trường thì vẫn phải theo chính sách của thành phố và Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch ở các tỉnh thành khác vẫn chưa ổn định nên chúng tôi cũng cân nhắc vấn đề này”.
TS.Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu Phó trường Đại học Hà Nội cũng cho hay, việc cho sinh viên đi học trở lại còn phù thuộc vào quyết định của chính quyền. "Đa phần các em đều đang ở các địa phương nên khó có thể kiểm soát được tình hình dịch. Nhà trường mới bước đầu triển khai khảo sát việc tiêm 2 mũi vắc-xin. Phần lớn chỉ những sinh viên ở Hà Nội thì đều đã được tiêm, còn ở các tỉnh thành các số các bạn được tiêm vắc-xin còn hạn chế.
Ngoài ra, theo khảo sát các bậc phụ huynh cũng vẫn còn lo lắng khi cho các con đi học, vì ở bậc đại học cũng khá đặc thù là sinh viên đến từ nhiều nơi khác nhau, không khoanh theo vùng như các cấp học dưới”.
Trường đại học Mở Hà Nội cũng đang tiến hành khảo sát tình hình tiêm vắc-xin của sinh viên, trao đổi với ĐS&PL, ThS. Đỗ Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Truyền thông, trường Đại học Mở Hà Nội thông tin: “Nếu số lượng sinh viên được tiêm đủ 2 mũi có tỉ lệ cao trường chúng tôi mới có kế hoạch cho sinh viên đi học. Về việc học trực tuyến của nhà trường vẫn đảm bảo chất lượng giảng dạy nên không quá vội vàng khi quết định cho quay lại trường. Chúng tôi cũng đã có những phương án kết hợp cả hai hình thức học, đối với những em ở khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận thuộc vùng an toàn thì có thể học trực tiếp tại trường.
Tuy nhiên, nhà trường cũng mong muốn sớm được triển khai cho các em trở lại vì đối với những ngành học cần phải thực hành, việc học trực tuyến vẫn sẽ cản trở việc truyền tải kiến thức”.
Thông tin từ lãnh đạo Vụ Đại học cho biết, các trường Đại học có quyền tự chủ về vấn đề này và theo quy định chung về việc triển khai cho các em học sinh, sinh viên đi học.
Tranh thủ "thời gian vàng"
Hiện nay, về phía ngành y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) đánh giá Thủ đô đạt ít nhất hai tiêu chí phân loại dịch bệnh ở cấp độ 1 (vùng xanh) theo hướng dẫn của của Bộ Y tế. Tuy nhiên, vẫn phải chờ sự quyết định của Thành phố về việc xác nhận cấp độ dịch của Hà Nội mới có thể cho các em đi học trở lại.
Trước đó, chiều 20/10, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Công điện số 22/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trên địa bàn thành phố. Trong đó đề nghị ở Sở GD&ĐT căn cứ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, chủ trì khẩn trương xây dựng Kế hoạch và tổ chức triển khai kịp thời các hoạt động giáo dục và đào tạo tương ứng cấp độ dịch tại các địa bàn thuộc thành phố đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo quy định của Trung ương và thành phố.
Nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội vẫn là nơi tiềm ẩn nguy cơ do là huyết mạch giao lưu với các địa phương. Trong khi đó hiện 3 triệu học sinh các cấp của Hà Nội chưa được tiêm vắcxin phòng Covid-19.
Ở góc độ chuyên môn, theo TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, Hà Nội nên cho phép trẻ em đến trường mà không cần phải đợi tiêm vắc- xin cho trẻ từ 12 - 18 tuổi hay phủ vắc-xin mũi 2 cho người dân.
Trong văn bản mới nhất của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn học sinh đi học trực tiếp trở lại cũng đề nghị các địa phương thuộc vùng 1, vùng 2 theo xác định cấp độ dịch của Bộ Y tế (nguy cơ thấp, trung bình) nên xem xét cho học sinh quay trở lại trường học trực tiếp...
Ngoài Hà Nội, khu vực phía Bắc còn có Hưng Yên là địa phương kiểm soát dịch tốt trong đợt dịch thứ 4 nhưng hiện cũng là địa phương vẫn "kiên trì" với việc cho học sinh ngừng đến trường, dạy học trực tuyến, qua truyền hình. Trong khi đó, một số tỉnh khác như Bắc Ninh, Hà Nam, Phú Thọ... có phương án linh hoạt hơn khi tranh thủ ngay "thời gian vàng" cho học sinh đến trường và khi có dịch, khoanh vùng nhanh, cho học sinh chuyển sang học trực tuyến, qua truyền hình.
Hoa Trà
Bài đăng trên tạp chí in Đời sống& Pháp luật số Thứ 3 (172)