Sau khi uống rượu ngâm nấm ngọc cẩu, cả 6 người trong một gia đình ở huyện Krông Năng (Đắk Lắk) đã có dấu hiệu ngộ độc phải đi cấp cứu.
Một vụ ngộ độc tại Đắk Lắk. Ảnh: Infonet |
Infonet đưa tin, theo thông tin từ sở Y tế Đắk Lắk, trong Tết Canh Tý 2020 (từ ngày 23 đến 30/1), toàn tỉnh có 66 trường hợp ngộ độc thực phẩm, rượu, bia và thực phẩm...
Trong 66 trường hợp ngộ độc này có 7 trường hợp ngộ độc do rượu, bia; 8 trường hợp ngộ độc thức ăn và 59 trường hợp ngộ độc do một số nguyên nhân khác.
Đáng chú ý, vào ngày 27/1 (mồng 3 tết) tại thôn Tam An, xã Ea Tam, huyện Krông Năng xảy ra một vụ ngộ độc tập thể.
Theo đó, có 6 người trong gia đình uống rượu ngâm nấm ngọc cẩu. Sau đó cả 6 người này phải nhập viện và điều trị kịp thời tại Trung tâm Y tế huyện Krông Năng.
Theo Báo Nghệ An, trong tháng 2/2017, tỉnh Nghệ An ghi nhận 1 vụ ngộ độc rượu ngâm ở huyện Tân Kỳ. 6 bệnh nhân ở xã Phú Sơn đã bị buốt đầu, đau bụng quằn quại, đi ngoài liên tục, nôn mửa, chân tay co rút, phải vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Kỳ sau khi uống rượu ngâm “sâm Hàn Quốc”.
Điều tra nguyên nhân ngộ độc, được biết: Củ “sâm Hàn Quốc” hóa ra là củ cây Thương Lục - một loại củ rất giống sâm, có độc tính mạnh, nếu uống đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng thận.
Cần phân biệt linh chi hay nấm độc, khuyến cáo người dân không nên ngâm rượu những loại cây mà không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Báo Nghệ An |
“Đừng chết vì rượu ngâm” - đó là khuyến cáo của Thạc sỹ, Bác sỹ Nguyễn Thị Thùy Linh - Khoa Nội Thận - Tiết niệu - Lọc máu, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An: “Trong dân gian vẫn tồn tại quan niệm ngâm rượu thuốc uống để bồi bổ cơ thể, mạnh gân cốt, bổ thận, tráng dương, sinh tinh lực. Thế nhưng hiện nay vẫn chưa có công trình khoa học nào chứng minh các loại rượu thuốc ngâm từ động vật, cỏ cây, côn trùng tốt cho sức khỏe. Những loại rượu này có thể chứa chất độc mà người dùng không biết. Ngộ độc rượu thuốc có thể bị vô niệu hoàn toàn do hoại tử ống thận cấp và cuối cùng là suy thận".
Bác sỹ Bùi Thanh Hải - Hội Đông Y tỉnh Nghệ An cho biết: Hằng năm có hàng trăm trường hợp ngộ độc do rượu ngâm, nếu nhẹ thì có biểu hiện nôn mửa, rối loạn hành vi, một số khác nặng hơn thì bị hôn mê sâu, trụy mạch, mặc dù được cứu chữa khỏi ngộ độc nhưng vẫn có thể phải mang di chứng nặng nề. Người dân khi có nhu cầu sử dụng các loại rượu ngâm dược liệu, nên tìm mua dược liệu ở các cơ sở Đông dược có tư cách pháp nhân và cần có sự tư vấn của thầy thuốc y học cổ truyền. Đặc biệt không nên dùng rượu ngâm động vật bởi rất dễ gây dị ứng và ngộ độc.
Minh Khôi (T/h)