Bổ sung nước quá nhiều trong một lần uống
Việc uống quá nhiều nước một lúc khiến hệ tiêu hóa phải dung nạp một cách đột ngột, cản trở hoạt động trao đổi chất, gây ra tình trạng khó thở, tim đập nhanh, buồn nôn…
Nếu nghiêm trọng, bạn có thể bị đau đầu, lú lẫn, hôn mê, co giật do nhiễm độc nước và khiến cho natri trong máu hạ đột ngột. Do đó, bạn không nên uống quá nhiều nước và uống quá nhanh trong một lần, thay vào đó nên uống từ từ từng ngụm nhỏ.
Chỉ uống nước khi khát
Thời điểm bạn cảm thấy khát, cơ thể đã mất một lượng nước khá lớn. Tình trạng thiếu nước sẽ tác động không tốt tới quá trình trao đổi chất của cơ thể. Cơ thể bị thiếu nước trong thời gian dài có khả năng gây ra tình trạng cô đặc máu, ảnh hưởng tới tim.
Ngoài ra, việc thiếu nước kéo dài còn có thể khiến bạn mắc các bệnh về bài tiết như sỏi thận, táo bón. Thêm nữa, nếu đợi đến lúc cảm thấy khát mới uống, cơ thể sẽ khó hấp thụ hoặc phải hấp thụ nước gấp gáp trong một quá trình ngắn, gây quá tải, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Uống nước ngay sau khi vận động mạnh
Uống nước ngay sau khi chơi thể thao, tập thể dục, vận động mạnh… có thể khiến tim và các bộ phận trong cơ thể bị áp lực, dẫn tới nhiều tác hại nghiêm trọng. Vì thế, bạn nên nghỉ ngơi một chút rồi mới uống nước. Việc này giúp lượng nước đưa vào cơ thể được hấp thu dễ dàng hơn.
Uống nước trong lúc ăn
Việc uống nước khi ăn không giúp tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn như nhiều người vẫn nghĩ. Trái lại, việc đó có thể làm các dịch vị được tiết ra để tiêu hóa thức ăn bị pha loãng, ảnh hưởng tới chức năng tiêu hóa của dạ dày, làm tăng lượng insulin và tích tụ chất béo.
Không chỉ vậy, nước còn rửa trôi nước bọt – thứ chứa enzyme cần thiết để bổ trợ cho quá trình tiêu hóa.
Uống nước ngay trước khi đi ngủ
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết uống nhiều nước trước khi đi ngủ là hành động không tốt. Nước sẽ khiến bạn khó ngủ hơn, gây gián đoạn giấc ngủ khi bạn phải dậy đi vệ sinh nhiều lần.
Thêm vào đó, thận hoạt động chậm hơn vào ban đêm. Việc uống nhiều nước trước khi đi ngủ sẽ ép thận phải làm việc. Chân tay và mặt của bạn có thể bị sưng phù vào sáng hôm sau.
Bên cạnh đó, nó còn có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như viêm đường tiết niệu, cản trở cân bằng điện giải, gây áp lực cho thận và nguy cơ co giật cao.
Uống nước đun lại nhiều lần
Nước được đun đi đun lại nhiều lần sẽ trải qua quá trình thủy phân ngừng bốc hơi khiến hàm lượng nitrat, các kim loại nặng trong nước tăng lên. Các chất này khi hấp thụ vào cơ thể sẽ dẫn đến các bệnh nguy hiểm đối với sức khỏe.
Uống nước vừa được đun sôi
Thói quen uống nước khi vừa đươc đun sôi sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư. Nguyên nhân là vì khi vừa được đun sôi, chất clo dùng để khử trùng nước sẽ kết hợp với các chất hữu cơ có sẵn trong nước, tạo thành các chất gây ung thư như halogen hóa hydrocacbon, chloroform.
Uống càng nhiều nước càng tốt
Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm vì tình trạng dư thừa nước tự do trong cơ thể có khả năng gây rối loạn các chất điện giải trong máu. Việc này ảnh hưởng đến các tế bào và hoạt động của tế bào trong cơ thể, đặc biệt là tế bào não.
Đinh Kim (T/h)