Trà cam sả
Giống như gừng, sả không chỉ là loại gia vị được sử dụng trong nhà bếp mà còn được sử dụng rộng rãi để chữa bệnh. Bên cạnh đặc tính chữa bệnh, sả cũng giàu vitamin và khoáng chất như vitamin A, vitamin C, vitamin B, folate, kẽm, magiê, sắt, kali, mangan và canxi. Trong khi đó, cam là loại quả chứa rất nhiều vitamin C, chất xơ, chất chống oxy hóa,... giúp tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa bệnh về tim mạch.
Khi kết hợp tính nóng của sả - giúp làm ấm cơ thể và phòng ngừa cảm lạnh, với vitamin C trong cam - tăng cường sức đề kháng, chúng ta có một loại thức uống vừa thơm ngon vừa tốt cho sức khỏe trong những ngày mưa gió.
Công thức pha trà cam sả cũng rất đơn giản, chỉ cần 3 - 4 lát sả đập dập ngâm trong nước sôi và hòa cùng 100ml nước vắt cam tươi.
Ảnh minh họa
Trà chanh + gừng + mật ong
Chanh, gừng và mật ong cũng là những nguyên liệu giữ nhiệt tốt cho cơ thể, đặc biệt giúp ích với người đang bị ho khan, ho có đờm hay đang bị nhiễm lạnh.
Gừng cắt nhỏ, ngâm nước ấm tầm 5 - 10 phút rồi lọc lấy nước, thêm nước cốt chanh, mật ong, nước ấm vào khuấy đều là có thể thưởng thức ngay.
Trà gừng
Nếu bạn không có nhiều thời gian, có thể thử pha trà gừng thay cho trà chanh gừng mật ong. Chỉ cần cho gừng tươi cho vào cốc trà nóng hoặc mua gói trà gừng pha nhanh tại hiệu thuốc hay các siêu thị là chúng ta có ngay một thức uống vừa tốt cho sức khỏe vừa tiết kiệm thời gian, công sức.
Một cốc trà gừng ấm giúp long đờm, chống đầy hơi và hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động. Quan trọng hơn cả là vào mùa mưa, một cốc trà gừng ấm sau khi đi mưa về sẽ giúp phòng ngừa cảm lạnh và tăng cường sức mạnh cho đường hô hấp.
Trà xanh
Trong trà xanh có chứa đến hơn 300 hợp chất chống oxy hóa và kháng khuẩn, giúp tăng cường sức khỏe, hỗ trợ chống lại quá trình lão hóa và các bệnh như béo phì, giảm nguy cơ ung thư.
Trà có thể là trà tươi hoặc trà khô đều được. Khi pha một cốc trà xanh ấm vào ngày mưa, bạn sẽ cảm thấy thân nhiệt của mình được tăng lên trong vài phút.
Sữa ấm
Sữa ấm giàu protein, canxi và khoáng chất vừa giúp bạn ngủ ngon, vừa duy trì thân nhiệt. Tuy nhiên, những người không dung nạp đường sữa hoặc bị dị ứng sữa cần chú ý, một ly sữa mỗi tối có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa và khiến bạn khó ngủ hơn.
Trà bạc hà
Các bệnh liên quan tới hô hấp hay nhiễm trùng có xu hướng tăng cao vào mùa mưa, trong đó cảm lạnh, ho khan, viêm họng,... là một trong những bệnh phổ biến nhất. Để giảm nguy cơ mắc bệnh trong mùa mưa, bạn có thể thử uống trà bạc hà.
Bạc hà có chứa nhiều tinh dầu the mát, là một thảo dược sát trùng tự nhiên có tác dụng làm dịu cổ họng, đồng thời hỗ trợ hệ tiêu hóa được hoạt động tốt hơn.
Bạn chỉ cần rửa sạch lá bạc hà tươi rồi đun với nước lọc trong 3 - 5 phút là đã có một cốc trà nóng hổi, dễ uống.
Chocolate nóng
Đã có một vài nghiên cứu chỉ ra rằng, chocolate có tác dụng giúp các tế bào máu giảm bớt đi sự nhạy cảm với các gốc tự do và khi nhiệt độ xuống thấp, từ đó cơ thể bạn có thể chịu đựng tốt hơn.
Bạn có thể uống một cốc chocolate nóng hoặc ăn một thanh chocolate cho bữa phụ để giữ ấm cho cơ thể và chống đói.
Sữa đậu nành nóng
Người Việt không còn xa lạ với việc uống một cốc sữa đậu nành nóng vào những ngày mưa rét. Nhưng không nhiều người biết rằng trong sữa đậu nành có chứa nhiều vitamin A, vitamin E, vitamin K và vitamin B6 cùng với protein có tác dụng giữ ấm cơ thể cực tốt.
Tuy nhiên, do uống nhiều có thể gây khó tiêu nên những người đang gặp vấn đề về tiêu hóa, thận yếu hay bệnh dạ dày nên hạn chế uống.
Nước cam nóng cùng hoa đinh hương và quế
Ngoài trà cam sả, cam còn kết hợp được với rất nhiều nguyên liệu khác. Đinh hương và quế giúp làm ấm cơ thể, khi uống với cam giúp tăng sức đề kháng, bảo vệ sức khỏe của bạn từ bên trong.
Trần Mỹ Trang (T/h)