Defense Express công bố các bức ảnh về mảnh vỡ của máy bay không người lái (UAV) Geran-2 của Nga, do lực lực Ukraine bắn hạ trong các cuộc không kích gần đây. Bên cạnh các thiết bị tiêu chuẩn, máy bay không người lái này còn được trang bị thêm camera, thiết bị truy cập không dây 4G và bộ phận GPS vi sai (DGPS) - một công nghệ có thể cải thiện độ chính xác của các cuộc tấn công.
Cụ thể, DGPS là một công nghệ giúp cải thiện độ chính xác của việc định vị thiết bị định vị vệ tinh. DGPS được sử dụng trong cả lĩnh vực quân sự và dân sự, ví dụ như trong máy móc nông nghiệp.
Sự kết hợp giữa một camera được lắp trên thân UAV và khả năng sử dụng mạng không dây sẽ biến chúng thành một phương tiện trinh sát hình ảnh tầm xa, có độ bền tương đối cao, có khả năng hoạt động ngoài tầm nhìn trong thời gian thực.
Thiết bị định vị được tìm thấy trên UAV Shahed. Ảnh: Defense Express
"Đây có thể là cải tiến thô sơ, nhưng là giải pháp cho vấn đề rất lớn mà Nga đối mặt từ đầu xung đột với Ukraine. Điều này sẽ gây ra những hậu quả lớn cho Ukraine và chúng ta có thể đã chứng kiến trên chiến trường", biên tập viên Thomas Newdick và Tyler Rogoway của TWZ nhận định.
Nga từng sử dụng UAV Geran-2, có nhiều điểm tương đồng với dòng Shahed do Iran phát triển, tấn công nhiều mục tiêu tại Ukraine, trong đó có chiến dịch tập kích quy mô lớn nhằm vào hạ tầng năng lượng cuối năm 2022.
Ukraine tháng 12/2023 công bố ảnh một UAV Geran-2 lắp modem 4G và SIM của nhà mạng nước này. Giới chuyên gia phương Tây khi đó chưa rõ mục đích của Nga khi lắp các thiết bị nói trên lên Geran-2.
UAV Geran-2 gắn camera có thể bay tới khu vực phủ sóng mạng di động Ukraine và gửi video trinh sát về cho lực lượng Nga theo thời gian thực. Với tầm bay xa hơn nhiều máy bay không người lái cỡ nhỏ (drone), vốn hoạt động chủ yếu ở tiền tuyến, Geran-2 có thể hoạt động sâu hơn trong lãnh thổ Ukraine.
Việc gắn camera IP lên UAV được Nga thực hiện khá thô sơ với keo dán, ốc vít, nhưng nó phát huy hiệu quả và có thể giúp tăng tốc độ chỉnh sửa phương tiện, giảm chi phí sản xuất nhờ giải pháp đơn giản này. Đây cũng có thể mới là phương án thử nghiệm của Nga để kiểm tra mức độ hiệu quả của ý tưởng, trước khi lắp camera hiện đại hơn cho UAV.
Tuy nhiên, việc gắn thiết bị 4G vào UAV vào cũng có điểm hạn chế. Thiết bị kết nối mạng có thể khiến UAV phát ra tần số vô tuyến lớn, dễ bị phòng không Ukraine phát hiện hơn, khiến nguy cơ bị bắn hạ cao hơn.
Phương Uyên (T/h)