Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Công ty CP Hàng không Vietjet (Vietjet Air) tổ chức mới đây, lãnh đạo Vietjet đã bày tỏ quan điểm về việc Bộ Giao thông vận tải dự kiến tăng trần khung giá vé máy bay trung bình 3,75% từ quý II hoặc quý III năm nay. Trong đó, đường bay 1.280km cao nhất 4 triệu đồng/lượt, tăng 6,67% so với hiện tại.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Vietjet Air, việc điều chỉnh nâng giá trần là tốt, nhưng xa hơn nên nghĩ đến chuyện bỏ giá trần để cơ chế thị trường quan hệ cung cầu tự điều tiết.
Ông Sơn phân tích thêm, tại thị trường Việt Nam đang khai thác với 5 hãng hàng không trêm hầu hết các đường bay nên không có yếu tố độc quyền. Bởi vậy giá hoàn toàn do thị trường quyết định trên cơ sở cung cầu.
Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam có tính mùa vụ cao. Ông Sơn lấy ví dụ ngay trong mùa Tết âm lịch, những chuyến bay từ Nam ra Bắc thì đông nghịt và hết chỗ, trong khi ở chiều ngược lại hầu như không có nhu cầu.
Một lý do nữa ông Sơn đưa ra là giá xăng dầu tăng kéo theo chi phí hàng không tăng cao. Trong khi đó, việc điều chỉnh giá xăng dầu mất rất nhiều thời gian, mất rất nhiều khó khăn vì thông qua nhiều bộ, ngành thì đã có những trường hợp bán tất cả chuyến bay 1 chiều với giá trần cũng ko đủ bù chuyến bay khứ hồi vì chiều ngược lại hầu như không có khách.
Chủ tịch Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo. Ảnh: Chụp màn hình/Vietnamnet
Đồng quan điểm với ông Sơn, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Vietjet Air cho hay, hiện tại đã có 5 hãng hàng không, thì giá vé nên để cho thị trường điều tiết.
Lấy dẫn chứng thực tế từ đường bay Phú Quốc, bà Thảo chia sẻ, mùa này chúng ta thường nghe câu “Trời ơi sao giá vé máy bay đi Phú Quốc mắc thế!”. Nhưng thực ra, chuyến bay Phú Quốc chỉ lấp đầy ở chiều đi, còn chiều về không có khách, chỉ có tôm cua mực, nên chi phí 1 chiều của chuyến bay nâng lên để gánh cho cả 2 chiều.
Do vậy, bà Thảo nhận định giá vé nên để cho thị trường điều tiết thì lợi ích cho người tiêu dùng, nền kinh tế sẽ là tốt nhất, vì cạnh tranh lành mạnh.
Không riêng Viejet Air, các hãng hàng không khác cũng cùng quan điểm nên tiến tới bỏ trần giá vé máy bay nội địa.
Theo VTV, đại diện Bamboo Airways kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương xem xét điều chỉnh giá trên cơ sở đúng quy định pháp luật theo thực tế yếu tố đầu vào. Bỏ giá trần với những đường bay có từ 3 hãng khai thác trở lên nhưng vẫn duy trì sự quản lý Nhà nước nếu đường bay nào chỉ có 1 hãng khai thác. Bỏ giá trần hay nâng giá trần không ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà đa dạng chính sách giá để cung ứng sản phẩm chất lượng tốt nhất đến khách hàng.
Ông Lương Hoài Nam, chuyên gia giao thông, giá trần vé máy bay còn tồn tại đến nay là sự vô lý khủng khiếp và cần chấm dứt càng sớm càng tốt bởi giá vé trần đã lấy đi các hãng hàng không cơ hội về tăng doanh thu, lợi nhuận trong giai đoạn cao điểm (giai đoạn Hè vào tháng 6-7 và dịp Tết chỉ cao điểm 1 chiều).
Trong khi đó, theo VTC News, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP.HCM, nêu quan điểm, đề xuất bỏ trần giá vé máy bay là phù hợp thị trường cạnh tranh, tuy nhiên thực hiện phải có lộ trình, tránh biến động đột ngột, ảnh hưởng tới khách hàng.
Vân Anh (T/h)