Tuần vừa qua được xem là tuần tồi tệ nhất của Tổng thống Mỹ Joe Biden kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1/2021 tới nay. Sự sụp đổ nhanh chóng của chính phủ Kabul trước Taliban đã khiến tỷ lệ tín nhiệm ông giảm xuống mức thấp kỷ lục từ đầu nhiệm kỳ. Bên cạnh đó, các thành viên đảng Dân chủ cũng đã bày tỏ nỗi thất vọng với quyết định của tổng thống Mỹ, điều được xem là nguyên nhân gây ra cảnh hỗn loạn tại Afghanistan hiện nay.
Những gì đã xảy ra trong tuần khó khăn nhất của Tổng thống Biden đã đặt ra nhiều câu hỏi lớn đối với chính ông. Về vấn đề đối nội của Mỹ, câu hỏi được đặt ra là liệu sự sụp đổ của Afghanistan có thể trở thành điểm mấu chốt, báo hiệu thời kỳ khó khăn sắp tới của tổng thống hay vấn đề này chỉ như một "vết thương", đau đớn nhưng sẽ sớm được chữa lành.
Tổng thống Joe Biden đã trải qua tuần khó khăn nhất từ đầu nhiệm kỳ sau sự sụp đổ của chính phủ Kabul. Ảnh: AP
Được biết, ngay cả khi không có sự sụp đổ của Afghanistan, trong thời gian qua, ông Joe Biden cũng đã phải đối mặt với nhiều vấn kề khó khăn. Trong đó, sự bùng phát của biến thể Delta đã đảo ngược thành công ban đầu của tổng thống Mỹ trong chiến dịch tiêm chủng và phòng dịch COVID-19 suốt nhiều tháng. Mỹ đang trở lại những ngày khó khăn với hơn 140.000 ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày, con số đỉnh điểm như khi dịch bệnh bùng phát tại nước này hồi mùa đông năm ngoái.
Sự thúc đẩy của tổng thống Biden đối với vấn đề cơ sở hạ tầng cũng không chắc chắn. Căng thẳng giữa các đảng viên Dân chủ ôn hòa và tiến bộ đặt ra câu hỏi liệu ông có thể thông qua hai đề xuất cơ sở hạ tầng riêng biệt của mình - một đề xuất trị giá khoảng 1 nghìn tỷ USD và một khoảng 3,5 nghìn tỷ USD - thành luật hay không, đặc biệt trong bối cảnh đảng của ông chiếm ưu thế trong Quốc hội với cách biệt sít sao.
Nền kinh tế Mỹ được xem là một điểm sáng của ông Joe Biden kể từ đầu nhiềm kỳ tới giờ, và điểm sáng này có thể tiếp tục được duy trì trong tương lai. Tuy nhiên, những lo ngại về lạm phát vẫn chưa được giải quyết triệt để ở Mỹ.
Trong khi đó, một trong những vấn đề ông Biden bị chỉ trích nhiều nhất là việc lượng người vượt biên trái phép qua biên giới Tây Nam của Mỹ gần như cao nhất mọi thời đại, gây ra một khủng hoảng biên giới. Tất cả những vấn đề trên, chưa cần kể tới tình hình Afghanistan hiện tại, đã đủ để khiến bất kỳ vị tổng thống nào đau đầu và gây ra vấn đề lớn cho họ.
Theo nhà báo Niall Stanage của The Hill, các thành viên đảng Cộng hoà có thể sẽ "tận dụng" sự sụp đổ của Afghanistan để định hình lại vị thế chính trị của Tổng thống Biden, người trước đây nhận được mức tín nhiệm cao và ổn định từ các cử tri Mỹ.
Trong đó, ông Matt Mackowiak, chiến lược gia đảng Cộng hoà và Chủ tịch đảng Cộng hoà ở Hạt Travis (bang Texas), nhận định: "Ông Biden phải đối mặt với cả vấn đề ngắn hạn và dài hạn. Vấn đề ngắn hạn là ông ấy sẽ phải giải quyết cuộc khủng hoảng đang tồi tệ theo từng phút này. Còn vấn đề dài hạn là ông phải tìm cách chứng minh với các cử tri về khả năng đưa ra quyết định đúng đắn của mình".
Ông Mackowiak nói thêm: "Cuộc khủng hoảng ở Afghanistan đã đặt ra câu hỏi và dấy lên nghi ngờ về khả năng lãnh đạo hiệu quả của tổng thống Mỹ và điều đó thật sự đáng buồn".
Bản thân Tổng thống Biden trong tuần này cũng đã khiến nhiều người thất vọng về cách phản ứng của ông trước tình hình trên. Cụ thể, ngày 16/8, ông Biden đã có bài phát biểu công khai đầu tiên trước toàn dân về tình hình ở Afghanistan. Ngay khi đó, bài phát biểu của ông đã vấp chỉ trích gay gắt vì tìm cách đổ lỗi cho người khác, bao gồm cả chính phủ Afghanistan, về những gì đang diễn ra.
Ông Biden từng nhận được tỷ lệ tín nhiệm cao và ổn định. Ảnh: WSJ
Các cuộc thăm dò cũng cho thấy thực tế đáng buồn là lượng người tín nhiệm ông Biden hiện đã giảm xuống mức thấp kỷ lục kể từ khi ông chuyển tới Nhà Trắng. Một cuộc thăm dò của Reuters/IPSOS hôm 16/8 cho thấy hiện nay chỉ khoảng 49% người Mỹ tán thành với hiệu quả công việc của ông. Trong khi trước đó, con số này từng là 54%.
Một cuộc thăm dò khác được thực hiện bởi tờ Economist/YouGov trong thời gian từ 14/8 đến 17/8 cho thấy tỷ lệ ủng hộ và phản đối ông Biden ngang nhau, đều là 47%.
Tuy nhiên, một cuộc thăm dò riêng của Reuters, được thực hiện hôm 16/8, chỉ tập trung vào vấn đề Afghanistan đã củng cố một số lập luận chính của Tổng thống Biden. Trong đó, 61% người trưởng thành ở Mỹ ủng hộ quyết định rút quân của tổng thống khỏi Afghanistan. Ngoài ra, có tới 68% người tán thành quan điểm của ông Biden rằng "cuộc chiến ở Afghanistan sẽ kết thúc tồi tệ bất kể khi nào Mỹ rời đi".
Một số thành viên đảng Dân chủ hiện vẫn lo ngại về cách các cử tri nhìn nhận thất bại ở Afghanistan như thế nào và liệu vấn đề này có thể gây ảnh hưởng tới quan điểm của họ về ông chủ Nhà Trắng hay không.
Chiến lược gia Basil Smikle của Đảng Dân chủ phát biểu: "Hầu hết người Mỹ tin rằng chúng tôi nên rời khỏi Afghanistan từ lâu, vì vậy tôi không nghĩ thời gian ông ấy đưa ra quyết định là một vấn đề lớn. Điều mà cử tri đang quan tâm là, liệu ông ấy có thể đưa ra quyết định đúng đắn vào những thời điểm khủng hoảng, vào những thời điểm mà cuộc sống của binh lính và công dân Mỹ ở nước ngoài đang bị đe dọa hay không?"
Ông Smikle nói thêm: "Đó là câu chuyện duy nhất về khoảnh khắc này có thể kéo dài đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ".
Hiện tại, Tổng thống Biden và các cố vấn của ông sẽ cần phải tìm cách xoa dịu cuộc khủng hoảng trước mắt. Chỉ sau khi điều đó hoàn thành, chúng ta mới thực sự biết được thiệt hại chính trị và việc này đã gây ra lớn thế nào đối với ông chủ Nhà Trắng.
Tổng thống Biden phát biểu hôm 16/8 sau khi Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul. Nguồn: Guardian
Minh Hạnh (Theo The Hill)