Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Từ phụ hồ thành giảng viên đại học, tấm gương cho những người trẻ

(DS&PL) -

Bằng nghị lực mạnh mẽ, ý chí kiên cường, anh chàng phụ hồ năm nào đã “chạm tay” đến ước mơ trở thành giảng viên của trường đại học Thương Mại Hà Nội.

Nhìn ánh mắt tự tin, phong thái đĩnh đạc của giảng viên Đỗ Công Nguyên mỗi khi đứng lớp, chắc không ai tưởng tượng được thầy giáo trẻ này từng chật vật mưu sinh với đủ thứ nghề như làm phụ hồ, bán vé số dạo, hàn thép... Trải qua bao gian truân, vất vả nhưng bằng nghị lực mạnh mẽ, ý chí kiên cường, anh chàng phụ hồ năm nào đã “chạm tay” đến ước mơ trở thành giảng viên của trường đại học Thương Mại Hà Nội.

Năm tháng nhọc nhằn mưu sinh, ráo mồ hôi là... hết tiền

Cơ duyên đặc biệt đã giúp PV ĐS&PL có cơ hội gặp gỡ anh Đỗ Công Nguyên (sinh năm 1982) tại lớp học nơi anh đang giảng dạy. Nụ cười thân thiện và tác phong chuyên nghiệp là những ấn tượng ban đầu mà tôi cảm nhận về người giảng viên trẻ này.

Từng “đứt gánh” giấc mơ vào đại học chỉ vì gia đình nghèo khó, anh Nguyên buộc phải rời quê hương phiêu bạt khắp nơi, bươn chải đủ nghề để kiếm sống. Tưởng rằng cuộc sống của anh sẽ gắn liền với những công việc chân tay nặng nhọc và những giọt mồ hôi mặn chát suốt đời, nhưng, bằng niềm đam mê nấu ăn và nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân, anh đã xuất sắc mang tấm Huy chương Vàng đầu tiên về ngành nấu ăn cho Việt Nam trong Hội thi Tay nghề ASEAN (2004). Hành trình khởi nghiệp của “vua bếp” năm nào bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh và hiện tại đã cán đích thành công khi mong muốn trở thành giảng viên khoa Khách sạn – Du lịch tại trường đại học Thương Mại Hà Nội của anh đã trở thành hiện thực...

Anh Nguyên sinh ra và lớn lên ở một gia đình nông dân nghèo thuộc vùng quê Thái Bình. Bố mẹ anh vốn thuần nông, ngày ngày còng lưng làm ruộng để nuôi 3 chị em ăn học. Sớm nhận thức được hoàn cảnh của mình, Nguyên luôn chăm chỉ làm việc, ngoài giờ học anh tranh thủ chăn trâu và phụ giúp cha mẹ việc đồng áng.

Nỗ lực được đền đáp vào một ngày giữa tháng 7/ 2000, anh vui sướng nhận giấy báo trúng tuyển của khoa Luật quốc tế, Trường đại học Luật Hà Nội. “Cầm trên tay tờ giấy nhập học, tôi vui sướng không nói nên lời. Cơ hội đến với giảng đường đại học cũng là cơ hội giúp cuộc đời tôi mở ra một trang mới, một trang tươi sáng tràn trề hy vọng”, anh Nguyên nghẹn ngào chia sẻ.

Giảng viên Đỗ Công Nguyên trong một tiết học trên lớp. (Ảnh: Phương Ly)

Nhưng, niềm vui bỗng chốc bị “dập tắt” trong chốc lát khi anh nghĩ đến số tiền 250.000 đồng gửi cho chị gái đang học đại học mỗi tháng. Số tiền chu cấp cho chị và lo cho đứa em trai đang học cấp 3 đã là quá sức với bố mẹ, nay anh đi học thì càng nhọc nhằn gấp bội phần. Anh Nguyên tự động viên mình đại học là con đường thuận lợi, song không phải là con đường duy nhất để “cập bến” thành công.

Cánh cổng đại học khép lại, anh Nguyên khăn gói lên Hà Nội đi làm với mong muốn có thu nhập ổn định và nhiều cơ hội học hỏi, trải nghiệm. Công việc đầu tiên của anh là xát gạo tại một cơ sở sản xuất cám gạo. Một ngày làm việc của anh bắt đầu từ 3h sáng và kết thúc vào 9h tối, công việc chính là xát gạo và khuân vác gạo. Tuy nhiên làm được một thời gian, anh xin chuyển sang làm phụ hồ ở các công trường xây dựng.

Nghĩ là làm, anh quyết định “Nam tiến” để bắt đầu công việc tại một miền đất mới. Chân ướt chân ráo tới vùng đất Bình Dương xa xôi, anh lang thang khắp nơi để “rải” hồ sơ xin việc. Sau một thời gian làm công việc hàn thép, đóng gạch thuê trong các khu công nghiệp độc hại, anh Nguyên vào TP.HCM để làm cơ khí. Vì thuê nhà trọ ở tận Bình Dương nên chiếc xe đạp cà tàng “phanh bằng chân” luôn là người bạn đồng hành cùng anh vượt chặng đường 35km để đi làm mỗi ngày.

Ròng rã hơn 2 năm bươn chải bám trụ nơi đất khách, anh Nguyên nhận ra nếu muốn ổn định và phát triển bản thân cần học một nghề. Tự nhận thấy mình có chút năng khiếu nấu ăn, anh quay trở lại Hà Nội thi vào trường Trung cấp Nghiệp vụ Du lịch (nay là Cao đẳng Du lịch Hà Nội – PV). Thi trượt hệ trung cấp, Nguyên làm đơn xin theo học hệ sơ cấp nấu ăn của trường.

Bước ngoặt cuộc đời từ tấm Huy chương Vàng kết tinh qua gian khổ

Trải qua bao khổ cực mới có cơ hội được học tập, chàng trai luôn tự nhủ phải cố gắng hết sức để theo đuổi ước mơ của mình. Không phụ sự cố gắng của anh, chỉ sau 1 năm học, anh đứng đầu lớp sơ cấp nấu ăn và giành được học bổng của trường.

Học trên lớp chưa đủ, không ít lần anh còn “học lỏm” những tiết học của lớp trung cấp nấu ăn. Anh kể một lần đi ngang qua lớp học trung cấp, anh lén lẻn vào trong lớp ngồi học, nhưng do không mặc đồng phục nên dễ dàng bị thầy giáo phát hiện. Hỏi ra mới biết anh mê mẩn cách trang trí hoa độc đáo của thầy giáo và nghĩ rằng nó có ích cho việc trang trí món ăn sau này nên mới vào lớp để “học lỏm”.

Không chỉ học tập trên lý thuyết, anh xin vào nấu ăn ở các nhà hàng để có kinh nghiệm thực tế. “So với những công việc tôi đã từng làm, nghề bếp không được coi là nặng nhọc, nhưng để làm được nghề này không chỉ cần sự khéo léo, tỉ mỉ mà còn phải trải qua thời gian rèn luyện khá vất vả. Thời gian đầu chưa quen, tay tôi chằng chịt vết dao cứa, nhiều hôm bàn tay phỏng rộp lên đau nhức vô cùng”, anh Nguyên chia sẻ...

Tấm Huy chương Vàng đã rẽ cuộc đời anh sang một trang mới, anh được khách sạn Hilton cho đi đào tạo ngắn hạn ở Nhật Bản và một số nước khác về công việc làm bếp. Khi anh trở về từ Nhật Bản, Việt Nam có chính sách khuyến khích, ưu tiên các trường hợp giành giải cao trong các kỳ thi kỹ năng nghề được tuyển thẳng vào đại học. Cánh cổng đại học từng khép chặt và ước mơ “bỏ ngỏ” năm nào nay rộng mở thênh thang chào đón anh.

Với kinh nghiệm và kỹ năng trong lĩnh vực khách sạn tích luỹ được, anh chọn học khoa Khách sạn – Du lịch tại trường Đại học Thương Mại Hà Nội. Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, đến nay chàng trai nghèo phụ hồ năm nào đã trở thành thạc sĩ, giảng viên của trường đại học Thương mại, một trong những trường đại học top đầu tại Hà Nội.

Khi được hỏi về những tháng ngày “vắt sức” ở công trường, anh Nguyên bồi hồi kể lại: “Hồi đi làm phụ hồ, tôi làm việc quần quật ngày đêm không quản vất vả, mệt nhọc, nhưng cứ ráo mồ hôi là lại hết tiền. Khi đó tôi cảm thấy nếu chỉ “bán sức” thế này thì tuổi trẻ của mình thật hoài phí, tôi cần phải đi đến những vùng đất mới để tìm “ kiếm cơ hội cho mình”.

Bằng những trải nghiệm của bản thân, chàng giảng viên 8X muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ một thông điệp: “Chỉ cần cố gắng hết mình, mọi nỗ lực sẽ được đền đáp xứng đáng”.

Phương Ly 

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 2 (135)

Tin nổi bật