Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Từ 15/4, chủ nhà không đóng bảo hiểm xã hội, y tế cho người giúp viêc sẽ bị phạt tiền

(DS&PL) -

Theo Nghị định 28/2020, từ ngày 15/4 gia chủ không trả tiền bảo hiểm xã hội, y tế cho người giúp việc, giữ giấy tờ tùy thân sẽ bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng.

Theo Nghị định 28/2020, từ ngày 15/4 gia chủ không trả tiền bảo hiểm xã hội, y tế cho người giúp việc, giữ giấy tờ tùy thân sẽ bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng. Đây là quy định mới nhằm giúp cho người lao động có nhiều quyền lợi hơn. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV báo ĐS&PL, hiện nay đa số người lao động là giúp việc nhà vẫn tự thỏa thuận với chủ nhà về mức lương ban đầu.

Tiến sĩ Trương Văn Vỹ.

Nhiều quyền lợi mới cho người giúp việc nhà

Các chuyên gia cho rằng nếu áp dụng quy định này, thời gian tới chắc chắn sẽ có nhiều chủ sử dụng lao động giúp việc nhà vi phạm pháp luật. Câu hỏi đặt ra là quy định có khả thi hay không, khi mà đa số người lao động trong lĩnh vực đều là lao động tự do mang tính thời vụ. Trên thực tế, không ít trường hợp có nhu cầu làm việc mưu sinh bằng các thỏa thuận miệng, không có văn bản, giấy tờ xác nhận.

Theo quy định mới, người sử dụng lao động sẽ bị phạt cảnh cáo nếu khôngký hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình; không trả tiền tàu xe, đi đường khi người giúp việc thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Chủ nhà còn bị phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng nếu giữ bản chính giấy tờ tùy thân của người giúp việc gia đình; không- trả tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định. Mức phạt này cũng áp dụng với gia chủ thuê người cao tuổi làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Đây là những quy định mới được nêu tại Nghị định 28/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ 15/4. Nghị định này thay thế Nghị định 95/2013/NĐ-CP và 88/2015/NĐ-CP.

Nghị định mới quy định mức phạt từ 2 đến 5 triệu đồng nếu người sử dụng lao động có một trong các hành vi như: Không bảo đảm cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ chuyển ca, nghỉ về việc riêng, nghỉ không hưởng lương đúng quy định; không rút ngắn thời giờ làm việc với người lao động trong năm cuối cùng trước khi nghỉ theo quy định...

Nếu vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần, năm hoặc nghỉ lễ, Tết, tiền phạt từ 10 đến 20 triệu đồng. Mức phạt từ 20 đến 25 triệu đồng áp dụng khi người sử dụng lao động huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của họ...

Chị Đỗ Thị Linh (43 tuổi, là giúp việc nhà cho một gia đình tại phường Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM) khẳng định: “Tôi làm công việc này hơn 10 năm nay, và rất nhiều người bạn tôi làm công việc này nhưng ít người được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ.

Bởi vì đa số những người lao động như chúng tôi chỉ mong có công việc làm mang lại thu nhập hàng tháng để có tiền trang trải, trước khi nhận việc, chúng tôi thường đến công ty môi giới để tìm việc. Và, thường thì chúng tôi nhận lương cuối năm, hoặc giữa năm. Chủ nhà thường giữ chứng minh nhân dân của chúng tôi.

Nếu quy định mới, người giúp việc được đóng bảo hiểm xã hội được áp dụng thời gian tới, tôi tin rằng, không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người giúp việc khác sẽ vui hơn khi có quyền lợi, chế độ cụ thể”.

Còn chị Phạm Thị Hương, giúp việc nhà cho một gia đình tại quận 10 (TP.HCM) chia sẻ: “Thường chủ nhà sẽ gửi thêm cho tôi một khoản tiền tàu xe cuối năm về quê. Từ trước giờ chúng tôi chưa bao giờ được chủ nhà nói đến việc đóng bảo hiểm xã hội, hay bảo hiểm y tế. Chúng tôi làm việc theo thỏa thuận miệng từ đầu, không hề có một hợp đồng lao động nào được ký kết. Tôi nghĩ nếu xử phạt chủ sử dụng lao động khi họ không thực hiện chế độ đầy đủ cho người lao động thì sẽ phạt rất nhiều, gần như là đại đa số”.

Xử phạt có khả thi hay không?

Luật sư Nguyễn Quốc Cường, đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, căn cứ theo Điều 2 luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Theo đó, người lao động là công dân Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng; công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định. Pháp luật Việt Nam quy định như vậy nhằm mục đích đảm bảo quyền và lợi ích tối thiểu cho người lao động.

Tuy nhiên, một số người lao động, đặc biệt là một lượng lớn người lao động là giúp việc nhà chưa nhận thức được những quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia bảo hiểm xã hội. Do đó, có rất nhiều trường hợp người lao động đã thỏa thuận với người sử dụng lao động để không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Luật sư Cường khẳng định, về vấn đề bảo hiểm xã hội, quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để người lao động tự lo bảo hiểm.

Nhưng, với quy định mới, từ 15/4 nếu chủ sử dụng lao động không đóng bảo hiểm cho người lao động là giúp việc sẽ bị xử phạt thì chắc chắn sẽ có rất nhiều thay đổi, người lao động được hưởng lợi, còn người sử dụng lao động là giúp việc nếu vi phạm sẽ bị xử lý. Điều quan trọng là làm sao để người lao động nhận thức đầy đủ pháp luật và khai báo cơ quan chức năng kịp thời.

Tôi cho rằng, đây là quy định rất thiết thực, mang lại nhiều quyền lợi cho người giúp việc mà từ trước đến nay, một lực lượng lao động lớn trong lĩnh vực này phải chịu thiệt thòi.

Theo Tiến sĩ Trương Văn Vỹ, giảng viên xã hội học, trường ĐHKHXH&NV (đại học Quốc gia TP.HCM), hiện nay với sự phát triển nhanh của xã hội, đặc biệt quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, đa số gia đình trẻ lên thành phố lập nghiệp, công việc rất bận rộn, nên ít có thời gian chăm sóc gia đình, chăm sóc con nhỏ, người già... Điều đó đòi hỏi họ phải thuê giúp việc. Nhưng với tính chất công việc này chỉ đòi hỏi người giúp việc chăm chỉ, sạch sẽ... mà không cần trình độ tay nghề thì ít khi gia chủ ký hợp đồng lao động.

“Việc xử phạt theo quy định mới tôi cho là khó khả thi. Bởi vì, mục đích của người giúp việc chỉ muốn làm việc một thời gian nhất định chẳng hạn vài năm, hoặc 5 năm để giải quyết khó khăn tài chính rồi về quê, liệu họ có cần đóng hiểm? Hơn nữa, khi người lao động đã thỏa thuận với chủ sử dụng lao động thì cơ quan chức năng làm sao biết được mà xử phạt”, TS. Vỹ cho biết.

Bên cạnh đó, ông Vỹ cũng cho rằng, chế tài đã có, các cơ quan chức năng cần tăng cường biện pháp thực thi, bởi đảm bảo quyền lợi cho người lao động dưới mọi hình thức là việc làm đúng. Nay đã có chế tài, ai vi phạm cần xử lý nghiêm để quy định pháp luật thực sự đi vào đời sống dân sinh.

Nguyễn Lành

Bài viết đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 46

Tin nổi bật