Những gì khán giả xem trên truyền hình chưa chắc đúng như thế. Những trận cãi vã của các thí sinh hay những màn đấu khẩu chẳng kiêng nể nhau của các huấn luyện viên… có thể chỉ là sản phẩm của đội ngũ biên tập.
Thật giả khó lường
Mấy ngày vừa qua, khán giả không thôi lên án những cuộc cãi vã, thậm chí dùng đến tay chân của các thí sinh trong chương trình Vietnam’s Next Top Model. Quả thật, hiếm ai có thể đồng cảm với những người đang hoạt động trong ngành văn hóa nghệ thuật nhưng lại có những phát ngôn, hành động thiếu văn hóa. Tuy nhiên, chương trình truyền hình thực tế luôn bị tác động của sự dàn dựng và biên tập. Do đó, nhiều khán giả nghi ngờ, đây chỉ là chiêu trò của nhà sản xuất để tạo ra kịch tính, thu hút sự quan tâm của khán giả.
Trước đó, chương trình The Face cũng khiến dư luận dậy sóng khi huấn luyện viên Minh Tú chửi mắng Lan Khuê ngay trên sóng truyền hình. Cô đã hứng chịu rất nhiều “gạch đá”; nhiều người miệt thị, chửi rủa, thậm chí chỉ trích siêu mẫu châu Á thiếu văn hóa.
Trước sức ép của dư luận, Minh Tú đã hứa sẽ trả lời 100% sự thật khi tìm được quán quân. Cô cũng cho rằng, chương trình quay 2 ngày và khán giả chỉ được theo dõi mỗi tập từ 45 đến 65 phút nên không thể truyền tải hết toàn bộ nội dung câu chuyện. Vì vậy, đến lúc này, mâu thuẫn của hai huấn luyện viên thật giả thế nào hay chỉ là sản phẩm dàn dựng của đội ngũ biên tập chương trình vẫn là một bí ẩn đối với người xem truyền hình.
Người mẫu Xuân Lan cho biết, hợp đồng tham gia chương trình truyền hình thực tế luôn có các điều khoản ràng buộc, trong đó nhà sản xuất có quyền cắt, dựng và biên tập. Cả huấn luyện viên lẫn thí sinh không có quyền can thiệp vào hình ảnh hiền hay dữ của mình. Mỗi tập, khán giả chỉ xem chừng 1 tiếng đồng hồ nhưng thực chất được quay trong khoảng 2 ngày. Do đó, đội ngũ biên tập có thể cắt, dựng tạo hiệu ứng gay cấn. Có thể, mâu thuẫn của những người tham gia chương trình không đến nỗi căng thẳng nhưng qua bàn tay “ma thuật” của đội ngũ biên tập lúc lên sóng khán giả sẽ thấy cảnh tượng hoàn toàn khác.
Một người mẫu xin giấu tên từng là thí sinh chương trình truyền hình thực tế cho biết, khi tham gia cuộc chơi thì phải chấp nhận. Đối với các thí sinh nếu có tiềm năng nhưng “nhạt”, không tạo được gay cấn, thu hút truyền thông sẽ sớm bị loại. Bên cạnh đó, đôi khi, lúc quay thấy các thí sinh quá “hiền”, đội ngũ chương trình cũng yêu cầu cách “hành động” để có điểm nhấn khi biên tập và phát sóng.
Lừa dối sẽ dần bị khán giả tẩy chay
Xuân Lan cho biết, hầu hết các thí sinh trong Vietnam’s Next Top Model đều từng là học sinh của mình. Qua tiếp xúc thời gian khá lâu, cô nhận định những thí sinh này đều làm việc khá chuyên nghiệp, vui vẻ, tôn trọng đàn chị, đồng nghiệp.
Siêu mẫu Xuân Lan. |
Do đó, khi cô xem những màn đấu khẩu, sử dụng tay chân của thí sinh trong nhà chung thì rất bất ngờ. Cô nghĩ rằng, cách khai thác tính cách thô lỗ, xấu tính sẽ làm tăng lượng rating, tương tác cho chương trình nhưng ảnh hưởng lâu dài đến thí sinh. “Có lẽ, các thí sinh này cũng không mường tượng được những ảnh hưởng xấu đến hình ảnh trong tương lai của mình đến mức nào”, chị nói.
Người mẫu Ngọc Tình cho rằng, trong các chương trình truyền hình thực tế, người tham gia nhiều khi chỉ là con rối của nhà sản xuất và bộ phận biên tập. Anh từng làm việc với số đông các thí sinh trong Vietnam’s Next Top Model và đồng ý kiến với Xuân Lan.
Theo anh, nhiều thí sinh khi tham gia sợ bị mờ nhạt nên “phải gồng”, diễn nhiều dẫn đến làm lố. Và, đây là những chi tiết “đắt giá” mà đội ngũ biên đạo không thể bỏ qua để thu hút sự quan tâm của dư luận. Qua những sự việc vừa qua, anh nghĩ, về sau, nếu các đồng nghiệp nhận lời tham gia chương trình thực tế cần tỉnh táo, không nên để mình bị “giật dây” tạo hình ảnh xấu xí, tụt dốc.
Trong khi đó, siêu mẫu Hà Anh cho biết, chị chán nản với những chương trình truyền hình thực tế vì hầu như chỉ khai thác các cuộc cãi vã, đấu đá, nói xấu nhau. Chị cho rằng, chỉ có những người làm chương trình không đủ tầm, không đủ chuyên môn, không đủ sáng tạo nên không dựng được chương trình thu hút khán giả. Do đó, họ phải chọn các chi tiết đấu đá để kiếm rating. Chị tin rằng, cách làm chương trình như thế trước sau gì cũng sẽ bị khán giả chán và tẩy chay.
“Nếu Hà Anh là người sản xuất các chương trình đó, tôi sẽ có cách khai thác khác, đi sâu vào chuyên môn. Tôi sẽ tạo nên một thế giới thời trang lung linh, xinh đẹp, sành điệu và đúng chất. Từ đó, khai thác sâu vào những khó khăn, vất vả, học tập và rèn luyện của một người mẫu từ khi mới vào nghề cho đến lúc chạm tới thành công. Bên cạnh đó, tôi sẽ bổ sung thêm các kiến thức về thời trang nước nhà lẫn thế giới cho thí sinh và người xem. Các chương trình “sạch” và đem đến cái mới chắc chắn số lượng khán giả trung thành sẽ cao”, chị chia sẻ.
Theo Xuân Lan, các nhãn hàng chỉ mời quảng cáo những người mẫu nổi tiếng, có sức ảnh hưởng lớn. Hiển nhiên, những người mẫu như thế không thể có nhiều scandal. Với những người mẫu tạo dựng hình ảnh xấu rất khó lấy lại suy nghĩ tốt trong lòng khán giả lẫn các nhãn hàng. Do đó, các thí sinh khi tham gia chương trình truyền hình thực tế cần tỉnh táo, phải điều khiển được lý trí, đừng để rơi vào “bẫy” dàn dựng, cắt ghép khiến hình ảnh tụt dốc không phanh. |
Huy Cường
Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật Chủ nhật số 30