Vào một buổi sáng cuối tháng 3, chúng tôi đến Trung tâm Tư vấn pháp luật. Dù mới hơn 7h sáng nhưng ông Nguyễn Ngọc Anh (cư trú tại phường Minh Hưng, thị xã Chơn Thành) đã có mặt để tìm kiếm sự tư vấn và hỗ trợ pháp lý.
Người dân đến Trung tâm nhờ các luật gia hỗ trợ tư vấn pháp luật.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc A. chia sẻ: “Gia đình tôi đang gặp vướng mắc về mảnh đất, chưa thể làm sổ, vì vậy hôm nay tôi đến nhờ các luật gia tư vấn về vấn đề đất đai.”
Tương tự, bà Nguyễn Thị Kiên, cư trú tại khu phố Phú Lợi (Tp.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), cũng tìm đến trung tâm để được tư vấn về chính sách dành cho người có công và quyền thừa kế đất đai.
Dưới sự điều hành của Luật gia Trịnh Văn Huy, Trung tâm đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, từ tư vấn trực tiếp, giải đáp thắc mắc qua điện thoại, đến hỗ trợ pháp lý miễn phí cho người nghèo, người lao động, phụ nữ bị bạo hành và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Luật gia Trịnh Văn Huy, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (áo trắng đeo kính) đang tư vấn pháp luật về lĩnh vực đất đai cho ông Nguyễn Ngọc Anh tại Trung tâm.
Luật gia Trịnh Văn Huy, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, chia sẻ với Người Đưa Tin, đa phần người dân tìm đến trung tâm đều có kiến thức pháp luật hạn chế. Vì vậy, luật gia phải nghiên cứu kỹ hồ sơ để tư vấn hiệu quả.
Khi giải quyết ly hôn, luật gia lắng nghe cả hai bên, phân tích hợp lý để giúp họ thấu hiểu và hòa giải. Với các vấn đề đất đai, cần xem xét kỹ hồ sơ và quy định pháp luật để đưa ra hướng xử lý phù hợp.
Đặc biệt, nhiều người nghèo, lao động tự do, phụ nữ và trẻ em không biết cách bảo vệ quyền lợi, nên trung tâm không chỉ tư vấn mà còn đồng hành, hướng dẫn họ sử dụng pháp luật để tự bảo vệ mình.
Ngoài tư vấn, Trung tâm còn phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền pháp luật tại khu dân cư, vùng sâu, vùng xa và can thiệp bảo vệ quyền lợi người dân trong các vụ việc phức tạp, góp phần xây dựng xã hội công bằng, thượng tôn pháp luật.
Đông đảo người dân trên vùng biên đến trụ sở UBND xã Tân Thành (huyện Bù Đốp) để nghe thông tin về pháp luật do Hội Luật gia tỉnh Bình Phước tổ chức tuyên truyền.
Luật gia Đỗ Minh Chánh, tư vấn viên pháp luật cho biết, Trung tâm không chỉ tư vấn, bào chữa, đại diện ngoài tố tụng mà còn tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động, phổ biến pháp luật qua loa truyền thanh và sinh hoạt cộng đồng, góp phần giữ vững an ninh trật tự địa phương.
Những hoạt động này giúp người dân nâng cao hiểu biết pháp luật, hạn chế tranh chấp, đồng thời hướng dẫn họ thực hiện quyền tiếp cận thông tin, góp ý văn bản pháp luật và giám sát chính quyền. "Nhờ đó, bà con tự tin, chủ động hơn trong quan hệ xã hội, đồng thời ngăn ngừa tình trạng lạm quyền, gây phiền hà", ông Nhứt nhấn mạnh.
Trung tâm Tư vấn Pháp luật tỉnh Bình Phước không chỉ tư vấn tại chỗ mà còn phối hợp với các xã vùng sâu, vùng xa để hỗ trợ pháp lý miễn phí, đặc biệt cho đồng bào dân tộc thiểu số. Hoạt động này thể hiện trách nhiệm cộng đồng và góp phần xây dựng hình ảnh luật gia gắn bó với nhân dân.
Luật gia Nguyễn Trọng Trí, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Bình Phước, khẳng định Trung tâm đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến pháp luật, giúp người dân hiểu và thực hiện đúng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, đồng thời góp phần xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững.
Tại buổi tư vấn có rất nhiều câu hỏi về lĩnh vực dân sự, hôn nhân – gia đình, lao động, đất đai được đặt ra nhờ các luật gia tư vấn.
Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh Bình Phước có lợi thế với đội ngũ chuyên sâu về luật, thuận lợi trong tư vấn, cung cấp dịch vụ pháp lý và trợ giúp miễn phí, giúp người dân tiếp cận pháp luật dễ dàng hơn.
Đội ngũ tư vấn viên, luật gia, luật sư luôn sẵn sàng hỗ trợ trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân – gia đình, lao động, đất đai, doanh nghiệp...
Luật gia Nguyễn Trọng Trí cho biết, Hội Luật gia tỉnh Bình Phước tích cực phối hợp với các cơ quan, đoàn thể để tư vấn, trợ giúp pháp lý cho người yếu thế và đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật.
Với tinh thần trách nhiệm và hướng về cộng đồng, trung tâm tiếp tục khẳng định vai trò là cầu nối đưa pháp luật đến gần hơn với người dân, góp phần xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.