Vệ tinh Cao Phân 10 sẽ được dùng chủ yếu vào vào mục đích quản lý tài nguyên đất đai, giám sát môi trường sinh thái, phòng ngừa và cứu trợ thảm họa.
TTXVN đưa tin, sáng 5/10, Trung Quốc đã phóng thành công vệ tinh quan sát phân giải cao Cao Phân 10 (Gaofen-10) từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên ở tỉnh Sơn Tây, miền Bắc Trung Quốc.
Theo Tân Hoa xã, vệ tinh Cao Phân 10 được phóng lên quỹ đạo Trái Đất vào lúc 2h51 (giờ địa phương), bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 4C (Long March-4C). Đây cũng là sứ mệnh phóng thứ 314 của dòng tên lửa đẩy Trường Chinh.
VOV thông tin thêm, vệ tinh Cao Phân 10 (GF-10) sẽ được dùng chủ yếu vào vào mục đích quản lý tài nguyên đất đai, giám sát môi trường sinh thái, phòng ngừa và cứu trợ thảm họa, phát triển quy hoạch đô thị, sản xuất nông nghiệp và đồng thời phục vụ cho mục đích quân sự.
Trung Quốc phóng vệ tinh quan sát Trái Đất bằng tên lửa đẩy Trường Chinh. Ảnh: ChinaNews |
Vệ tinh Cao Phân 10 nằm trong hệ thống dự án Cao Phân của Trung Quốc nhằm nâng cao khả năng quan sát Trái đất bằng hình ảnh có độ phân giải cao của nước này. Dự án được khởi động từ tháng 5/2010 và đến nay Trung Quốc đã phóng thành công lên quỹ đạo các vệ tinh Cao Phân 1, 2, 3, 4, 5, 6, 8, 9 và 11. Trước đó vệ tinh Cao Phân 10 đã thất bại tại lần phóng vào ngày 1/9/2016.
Được biết, trước đó, ngày 12/9, Trung Quốc đã phóng 1 vệ tinh quan sát tài nguyên thiên nhiên và hai vệ tinh nhỏ lên quỹ đạo từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên.
Các vệ tinh này được phóng vào lúc 11h26 theo giờ Bắc Kinh với sự trợ giúp của tên lửa đẩy Trường Chinh-4B.
Vệ tinh quan sát tài nguyên ZY-1 02D do Viện Công nghệ Không gian Vũ trụ Trung Quốc (CAST) phát triển. Vệ tinh này sẽ cung cấp dữ liệu quan sát phục vụ công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên, giám sát môi trường sinh thái, phòng ngừa và cứu trợ thảm họa, bảo vệ môi trường, phát triển đô thị, quản lý giao thông vận tải và xử lý những sự kiện bất ngờ. Với tuổi đời hoạt động khoảng 5 năm, ZY-1 02D sẽ hình thành một mạng lưới với nhiều vệ tinh khác theo sau.
ZY-1 02D sẽ hoạt động trong quỹ đạo Mặt Trời ở độ cao 778 km so với Trái Đất. Được trang bị camera cận hồng ngoại có thể thu được hình ảnh trong phạm vi bán kính 115 km, vệ tinh này có thể quan sát các thành phố lớn và vừa, và được sử dụng cho công tác quy hoạch đô thị. Nó cũng được trang bị một máy ảnh siêu âm 166 băng tần, có thể chụp được 166 bức ảnh với các màu sắc khác nhau cùng một lúc.
Vũ Đậu (T/h)