Với việc lương cơ sở 2021 không tăng sẽ dẫn đến một số khoản trợ cấp cho người lao động vẫn sẽ giữ nguyên như hiện nay.
Quốc hội đã “chốt” lương cơ sở năm 2021 không tăng. |
Nhiều khoản thu không tăng
Ngày 12/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021. Trong đó nêu rõ nêu rõ trong năm 2021 chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở.
Vì chưa thực hiện điều chỉnh lương cơ sở năm 2021 nên theo quy định tại Nghị định 38/2019/NĐ-CP về mức lương cơ sở đối với cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì mức lương cơ sở năm 2021 vẫn là 1.490.000 đồng/tháng.
Việc giữ nguyên mức lương cơ sở khiến cho nhiều khoản thu của người lao động không tăng theo dự kiến như tiền lương theo hệ số lương của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Cụ thể, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang = Hệ số lương x 1.490.000 đồng.
Ngoài ra, với việc lương cơ sở 2021 không tăng sẽ dẫn đến một số khoản trợ cấp về BHXH cho người lao động vẫn sẽ giữ nguyên như hiện nay, cụ thể: Thứ nhất, trợ cấp một lần khi sinh con, trợ cấp dưỡng sức sau sinh, trợ cấp lao động nam có vợ sinh con.
Theo quy định tại Điều 38, luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.
Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con. Đồng thời, trợ cấp dưỡng sức sau sinh cho lao động nữ hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày sẽ bằng 30% mức lương cơ sở.
Như vậy, mức lương cơ sở là căn cứ để tính trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp dưỡng sức sau sinh, trợ cấp lao động nam có vợ sinh con.
Thứ hai, trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau. Tại Điều 29, luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 - 10 ngày trong một năm. Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Có thể thấy, mức trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau của người lao động cũng được tính trên mức lương cơ sở, vì vậy việc lương cơ sở 2021 không tăng cũng sẽ dẫn đến mức trợ cấp này sẽ không thay đổi.
Thứ ba, trợ cấp một lần hoặc trợ cấp hàng tháng do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Người lao động bị tai nạn lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây dẫn đến suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên sẽ được hưởng chế độ tai nạn lao động: Một là, tại nơi làm việc và trong giờ làm việc. Hai là, ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động. Ba là, trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.
Bên cạnh đó, người lao động bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do bộ Y tế và bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại dẫn đến suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên sẽ được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp.
Mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tính như sau: Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5 - 30% thì được hưởng trợ cấp một lần với mức suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 5 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hàng tháng với mức suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở.
Thứ tư, trợ cấp mai táng, tiền tuất hàng tháng: Người lao động thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp mai táng theo quy định tại khoản 1 Điều 66, luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người này chết. Trường hợp do Tòa án tuyên bố là đã chết thì thân nhân sẽ được hưởng trợ cấp mai táng.
Theo đó, mức trợ cấp mai táng 2021 vẫn là 1.490.000 đồng x 10 = 14.900.000 đồng nếu lương cơ sở 2021 không tăng.
Về tiền tuất hàng tháng: Việc không tăng lương cơ sở 2021 còn ảnh hưởng đến trợ cấp tiền tuất hàng tháng. Bởi lẽ, mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở theo quy định tại khoản 1 Điều 68 luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Việc lương cơ sở 2021 không tăng sẽ dẫn đến các khoản trợ cấp sẽ vẫn giữ nguyên mức 1.490.000 đồng x 50% = 745.000 đồng như hiện tại.
Thứ năm, lương cơ sở không tăng, một số khoản đóng góp của người lao động cũng được giữ nguyên.
Quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội
Như đã biết, lương cơ sở cũng là căn cứ dùng để tính đóng một số chế độ bảo hiểm. Do đó, khi không tăng lương cơ sở, những người tham gia bảo hiểm xã hội sẽ không phải đóng số tiền cao hơn.
Cụ thể, mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tối đa: Hàng tháng, người lao động trích 8% mức tiền lương tháng của mình để tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (theo Điều 5 và khoản 3 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH). Mức đóng BHYT tối đa: Mỗi tháng người lao động đóng 1,5% (theo Điều 18 Quyết định 595/QĐ-BHXH).
Mức đóng BHYT hộ gia đình: Người thứ 1 đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ 2, thứ 3, thứ 4 đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất (theo Điểm e khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018).
Hoàng Mai
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số Chủ Nhật (46)