Triều cường lên cao khiến nhiều tỉnh tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị ngập sâu, ảnh hưởng nặng nề tới sinh hoạt của người dân.
Người dân phải tìm cách "sống chung" với triều cường. Ảnh: Đại đoàn kết |
Mặc dù chu kỳ lên xuống của triều cường đã được ngành chức năng và người dân khu vực ĐBSCL nắm rất rõ và có hướng để ứng phó nhưng năm nay, triều cường đến sớm và mực nước dâng cao đột ngột khiến người dân ở nhiều tỉnh miền Tây điêu đứng.
Báo Đại đoàn kết dẫn lời ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục QLĐB IV – Tổng Cục đường bộ Việt Nam cho biết, do triều cường kết hợp lũ nên hiện toàn miền Tây có 31 điểm ngập trên các tuyến Quốc lộ như: QL53, QL54, QL30, QL1A..
Trong đó, tuyến Quốc lộ 1A có nhiều điểm ngập nặng nhất là đoạn qua tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Độ ngập trung bình từ 20 cm đến 0,5 m.
Tại Vĩnh Long từ ngày 25 đến 29/9, triều cường lên cao vượt mức báo động 3, dự báo trong những ngày tới có thể đạt 2m07-2m10. Trong khi mực nước được đo trước đó lên tới 2m06, xấp xỉ đỉnh triều lịch sử của năm 2018.
Nhiều nhà dân ở huyện Tam Bình của Vĩnh Long bị nước tràn vào. Ảnh: Đại Đoàn kết |
Còn tại một số tuyến đường gần sông ở TP.Bến Tre, mực nước lên ngang mắt cá chân. Tại TP.Trà Vinh, một số tuyến đường cũng bị thủy triều ghé thăm. Một số xã ven sông thuộc huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh) bị ngập sâu nhưng rất may là không có thiệt hại nhiều về vườn cây, ao cá, do người dân có sự chủ động thu hoạch từ sớm...
Đặc biệt, tại Cần Thơ, trong 2 ngày 29 và 30/9, mực nước triều cường trên sông Hậu dâng cao tới 2,14 m kết hợp với trận mưa lớn chiều tối cùng ngày nội ô TP. Cần Thơ ngập sâu trong nước.
Khu vực ngập nặng nhất là tuyến đường Mậu Thân, đoạn từ cầu Rạch Ngỗng 1 đến qua ngã tư Nguyễn Văn Cừ và Võ Văn Kiệt. Nước từ con rạch dưới chân cầu Rạch Ngỗng cuồn cuộn tràn lên mặt đường nhiều đoạn chảy xiết mạnh.
Tuyến quốc lộ 1 A, đoạn qua xã Thuận An, thị xã Bình Minh và xã Tân Phú, huyện Tam Bình của Vĩnh Long chiều ngày 29/9 người dân ở khu vực này đo được nước dâng cao so với mặt đường lên 50 cm.
Nước tràn vào nhà dân, đâu đâu cũng nhìn thấy nước, nước ngập không chỉ gây khó khăn trong việc đi lại của người dân, phương tiện tắt máy mà còn ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, buôn bán của nhiều người.
Cuộc sống của người dân Cần Thơ bị ảnh hưởng nặng nề vì triều cường. Ảnh: SGGP |
Theo TTXVN, ngày 30/9, sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.Cần Thơ có văn bản thông báo gửi đến Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, về việc cho học sinh nghỉ học trong những ngày triều cường đầu tháng 9 Âm lịch đạt đỉnh.
Theo sở GD&ĐT, mức triều cường trên các sông, rạch thành phố Cần Thơ được dự báo tiếp tục lên và đạt đỉnh trong các ngày 30/9 và 1/10. Đỉnh triều cao nhất trên sông Hậu có khả năng lên mức 2,15 – 2,20m, cao hơn mức báo động 3 từ 0,25 – 0,30m.
Thời gian xuất hiện mực nước đỉnh triều hằng ngày vào lúc sáng sớm từ 6 - 8h và chiều tối từ 17-19h, vào thời điểm học sinh đến trường và tan học. Đây là đợt triều cường cao trong năm, khi triều lên đôi khi có mưa lớn và gây ngập kéo dài.
Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do triều cường gây ra cho các cơ sở giáo dục và đảm bảo an toàn cho học sinh trên địa bàn TP, sở đề nghị các phòng giáo dục và các cơ sở giáo dục căn cứ vào tình hình địa phương chủ động cho học sinh tại các cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng bởi triều cường được nghỉ học ngày 1/10. Đồng thời, có kế hoạch bố trí cho học sinh học bù vào thời điểm phù hợp.
Vi An (T/h)