Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Triển lãm Sinh Vật Cảnh huyện Phúc Thọ (Hà Nội): Nơi hội tụ tinh hoa cây cảnh Việt

(DS&PL) -

UBND huyện Phúc Thọ tổ chức Triển lãm Sinh Vật Cảnh lần thứ III năm 2019 từ ngày 26/10 – 04/11/2019.

Nhân kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ phát động Tết Trồng cây (28/11/1959 – 28/11/2019), Chào mừng thành tựu 10 năm xây dựng Nông thôn mới của Thủ đô và cả nước, được sự hướng dẫn của Hội SVC thành phố Hà Nội, UBND huyện Phúc Thọ tổ chức Triển lãm Sinh Vật Cảnh lần thứ III năm 2019 từ ngày 26/10 – 04/11/2019.

Triển lãm có quy mô với sự tham gia của nhiều nhà vườn đến từ các tỉnh/thành phố trong cả nước đã hội tụ hơn 680 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật đặc sắc, hàng nghìn tác phẩm gỗ lũa và hơn 20 gian hàng thương mại Sinh Vật Cảnh tiêu biểu của các vùng miền. Đây còn là cơ hội để các nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn trong và ngoài thành phố Hà Nội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu, hình ảnh Sinh Vật Cảnh của cả nước nói chung, của huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội nói riêng.

Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm SVC huyện Phúc Thọ

Tác phẩm Cây cảnh Mâm Xôi Con Gà nổi tiếng xuất hiện tại vị trí trang trọng nhất tại Triển lãm

Doanh nhân Nguyễn Trung Thành đã trao tặng bức tranh tác phẩm Mâm Xôi Con Gà cho lãnh đạo huyện Phúc Thọ

Nói đến Phúc Thọ là nói đến miền danh thắng Xứ Đoài nổi tiếng, nơi có Đền Hát Môn, Di tích quốc gia đặc biệt cùng hơn 190 di tích lịch sử văn hóa. Với bề dày lịch sử lâu đời, tự ngàn xưa, các thế hệ cư dân Phúc Thọ đã trải qua quá trình từ nền văn minh sông Hồng rực rỡ đến mảnh đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến anh hùng.

Phúc Thọ là cái nôi của truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, bền bỉ trong cải tạo thiên nhiên, dũng cảm trong đấu tranh phòng chống thiên tai; đặc biệt, nơi đây cũng là vùng đất trọng học, giàu truyền thống khoa bảng với nhiều người đỗ đạt, thành danh; nhân dân hiền hòa, giàu tình yêu quê hương, đất nước, kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, cũng như trong xây dựng, đổi mới Đất nước hiện nay.

Trong những năm qua, Phúc Thọ đã tập trung mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó có nghề trồng hoa, cây cảnh. Đến nay, Phúc Thọ cùng với toàn thành phố hinh thành trên 5.500 ha chuyên canh hoa cây cảnh. Sau gần 10 năm thực hiện xây dựng Nông thôn mới, diện mạo, cảnh quan nông thôn ở miền quê Phúc Thọ đã có sự thay da đổi thịt; Tạo ra diện mạo mới cho Nông thôn, sức sống mới cho Nông nghiệp, nhận thức mới cho Nông dân hướng tới mục tiêu xây dựng "Nông nghiệp thịnh vượng, Nông dân giàu có, Nông thôn văn minh, hiện đại"…Đúng như  Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu trong buổi lễ Tổng kết 10 năm xây dựng Nông thôn mới của Hà Nội, phải xây dựng Nông nghiệp Hà Nội trở thành một nền nông nghiệp hiện đại trong khu vực và trên thế giới. Phải tiếp tục xây dựng vùng nông thôn xanh, đẹp, một miền quê đáng sống, một không gian kinh tế nông thôn với thế mạnh đất trăm nghề gắn chặt với các lễ hội, nét đẹp văn hoá, để cùng với nông nghiệp sạch, hữu cơ đặc trưng tạo nên không gian du lịch hấp dẫn trong bức tranh tổng thể phát triển Thủ đô.

Một số tác phẩm thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng

Triển lãm sinh vật cảnh lần thứ III chính là dịp để huyện Phúc Thọ quảng bá, giới thiệu truyền thống lịch sử, văn hóa đặc sắc và hình ảnh quê hương Phúc Thọ đổi mới, phát triển đến du khách tham quan khắp mọi miền đất nước.

Ngày nay, Sinh Vật Cảnh không chỉ là một thú chơi văn hóa truyền thống có lịch sử lâu đời của ông cha, mà Sinh Vật Cảnh đã thực sự là một ngành kinh tế sinh thái có vị trí quan trọng trong xây dựng Nông thôn mới, Đô thị văn minh theo chủ trương của Đảng và Nhà nước ta. Sinh Vật Cảnh còn là giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, kiến tạo những không gian văn hóa mà thông qua các hoạt động Sinh Vật Cảnh còn góp phần hun đúc tinh thần dân tộc, củng cố khối Đại đoàn kết dân tộc, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta…

Đến hôm nay, chúng ta mới thực sự nhận ra những giá trị to lớn đó từ Sinh Vật Cảnh đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập qua Phong trào Tết trồng cây do Người phát động 60 năm về trước. Đó cũng chính là phong trào xây dựng và cải tạo nông thôn Việt Nam “làm cho phong cảnh nước ta ngày càng tươi đẹp”, “làm cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta ngày càng được cải thiện”.

Đến với nơi ở của Người tại Phủ chủ tịch, chúng ta thấy khu vườn của Bác là một bức tranh thiên nhiên khoáng đạt mang đậm chất thơ mộng của những làng quê thân thuộc trong mỗi chúng ta. Ở đó, có vườn cây, ao cá, hoa cây cảnh, sinh vật cảnh bốn mùa hoa trái kết tinh trong lối sống hòa đồng và gần gũi với thiên nhiên của người Việt tự ngàn đời.

Du khách mãm nhãn bên những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật

Triển lãm lần này, đã hội tụ những kiệt tác cây cảnh nghệ thuật, gỗ lũa tạo hình và các tác phẩm Sinh Vật Cảnh mang hồn cốt dân tộc, kết tinh sự sáng tạo tài hoa của chính những người nghệ nhân Việt. Đến đây, chúng ta được gặp lại những tác phẩm nổi tiếng như Mâm Xôi Con Gà, Gươm báu truyền kỳ, Thụ lâm bồng thạch, tự tâm hoành thụ, lão mai đại thọ, đĩa bay...vv...của những nghệ nhân tài hoa, yêu nghề từ mọi miền Tổ Quốc. Từ đó, giúp công chúng đến với Triển lãm thêm trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông đã trao truyền qua bao thế hệ. Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào và ngẩng cao đầu về nền cây cảnh nghệ thuật của người Việt không thua kém bất kỳ một quốc gia dân tộc nào trên thế giới.

Khác với nhiều quốc gia dân tộc khác, khi nói đến Bonsai hay cây cảnh nghệ thuật là nói đến sự thu nhỏ các tác phẩm ngoài thiên nhiên vào trong khuôn mẫu với kích thước vừa phải. Còn người Việt lại thích "Cây cao bóng cả", cây cảnh nghệ thuật có tầm kích thước nhất định, không quá nhỏ. Hiếm có nơi nào trên thế giới yêu cây, yêu hoa, cỏ cây hóa là và coi đó là một đấng tâm linh là "Thần mộc" che trở cho cuộc sống. Thậm chí coi đó là một trong những giá trị cốt lõi bất biến hình thành bản sắc văn hóa, thành “đạo” của người Việt như Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã tổng kết hơn 700 năm trước:

Biến cây thành thần mộc
Biến đá thành địa linh
Người người đều có đạo
Kẻ thù nào chẳng kinh.

Một góc Triển lãm Phúc Thọ nhìn từ trên cao

Cây cảnh Việt một tác phẩm nghệ thuật mang những tư tưởng thiên luân thế giáo do con người gửi gắm truyền cảm. Nó vừa là tiểu vũ trụ hòa hợp giữa Thiên - Địa - Nhân hợp nhất vừa chịu ảnh hưởng bởi những triết luận của Nho Gia, Đạo Lão, Phật Giáo, Âm Dương Ngũ Hành...của phương Đông. Phần bệ rễ tượng trưng cho tổ tông nguồn cội; Phần thân trong phạm trù "Tứ thân phụ mẫu", bậc sinh thành; Phần tay cành tượng trưng cho "anh em như thể chân tay"; Phần bông, dăm, lá, hoa, quả tượng trưng cho con, cháu chắt...Vì thế một tác phẩm mang những ước vọng một của gia đình thuần Việt có sự hài hòa giữa các bộ phận để tạo nên vẻ đẹp tổng thể, nhưng tựu chung, thống nhất ở các yếu tố:

"Phô thân, khoe lá, lộ căn.
Cổ - Linh - Tinh - Tú, kỹ dăm đẹp tàn".

Con đường ô dẫn vào Triển lãm

Vậy mà vẫn còn một bộ phận nhỏ những người yêu và chơi Sinh Vật Cảnh trong nước lại không tự hào về những giá trị của cây cảnh nghệ thuật thuần Việt. Họ có thái độ sùng sính và đề cao cây cảnh ngoại, bonsai quốc tế một cách thái quá. Thậm chí có người còn máy móc bắt chước từ lời ăn, tiếng nói, phong cách, lề lối sinh hoạt đến việc sắp đặt, bài trí cây cảnh của những nghệ nhân ngoại, có thái độ tự ti và chưa đánh giá cao những giá trị của cây cảnh nghệ thuật truyền thống, mang bản sắc văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển hôm nay.

Khi chúng ta không có tôn trọng bản sắc văn hóa của chính mình thì việc hội nhập, cạnh tranh và phát triển sẽ không có sự chọn lọc, sự cạnh tranh lành mạnh, cũng như sự đề kháng cần thiết để đảm bảo cho sự phát triển nhanh, mạnh và bền vững những giá trị truyền thống và hiện đại của chính mình. Tôi rất lấy làm tiếc những người như vậy và đông đảo những người yêu cây cảnh nghệ thuật Quốc tế chưa hiểu biết đầy đủ về Cây cảnh Việt Nam lại không có mặt tại Triển lãm này để họ được tận mắt thấy những giá trị văn hóa, nghệ thuật cũng như sự thượng tôn văn hóa, tinh thần dân tộc và thái độ tiếp thu một cách chọn lọc những tinh hoa cây cảnh nghệ thuật của Thể giới được thể hiện qua cây cảnh nghệ thuật Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn tin tưởng trước sự quan tâm của các cấp chính quyền và ngành nông nghiệp sẽ phát huy những kết quả tích cực sau 10 năm xây dựng Nông thôn mới, tổ chức và phong trào Sinh Vật Cảnh của huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, trong thời gian tới sẽ có bước phát triển nhanh, mạnh và bền vững, góp phần hoàn thành những mục tiêu, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của cả nước.

Trần Công Cảnh

Phó chủ tịch Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam

Tin nổi bật