(ĐSPL) - Dùng súng nhựa bắn bạn bố bị thương, cháu bé có phải chịu trách nhiệm gì không? Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự là bao nhiêu?
Mới đây, trên một số báo có thông tin về việc một thanh niên bị súng nhựa bắn trọng thương phải điều trị tại Khoa ngoại Tổng hợp - Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, TP HCM.
Theo đó, tối 16/8, anh Nh đến nhà người bạn tên D ở phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9, TP HCM chơi. Khoảng 20h30 cùng ngày, con trai anh D (6 tuổi) cầm khẩu súng nhựa (loại đồ chơi Trung Quốc) đùa giỡn với anh Nh rồi bất ngờ siết cò bắn một phát khiến anh Nh ôm bụng kêu la và ngã quỵ xuống đất.
Thấy anh Nh gục xuống, cả nhà bật cười vì cứ ngỡ anh đang đùa với thằng bé. Đến khi nạn nhân vật vã kêu đau và tay ôm bụng đầy máu mọi người mới hốt hoảng đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Nạn nhân Nh vào cấp cứu trong tình trạng vết thương có dị vật ngoài thành bụng. Ngay lập tức, nạn nhân được chuyển lên phòng mổ và các bác sĩ đã lấy ra cây đinh thép dài khoảng 4cm.
Bước đầu, gia đình cho biết khẩu súng nhựa là loại đồ chơi của Trung Quốc, được mua ở chợ Long Trường, quận 9. Sau đó, một người cháu của anh D (hiện đang học lớp 12) đã chế lại, gắn thêm lò xo tạo lực mạnh dùng để bắn chuột.
Bé trai bắn trọng thương bạn của bố bằng... súng nhựa - Ảnh minh họa |
Về trách nhiệm hình sự: Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Đối chiếu với quy định trên thì hành vi gây thương tích của cậu bé với bạn của bố sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự vì cậu mới có 6 tuổi chưa đủ tuổi để chịu trách nhiệm hình sự.
Bộ luật Dân sự 2005 quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân như sau:
Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.
Người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Bộ luật này.
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
Như vậy, do cháu bé mới có 6 tuổi và gây thiệt hại thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu.
Việc bồi thường được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự và Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Về các khoản bồi thường có thể tham khảo bài: Gây thương tích cho người khác thì bồi thường như thế nào?
Luật gia Đồng Xuân Thuận
[mecloud]ItQFaLQuYT[/mecloud]